Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Khuyến học phải trở thành phong trào rộng khắp

Tạp Chí Giáo Dục

Ông Nguyễn Văn Hanh

Ngày 25-7 tới, Hội Khuyến học TP.HCM sẽ tổ chức Đại hội nhiệm kỳ 4 nhằm đưa ra phương hướng hoạt động giai đoạn 2015-2020. Giáo dục TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Văn Hanh, Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM, xung quanh những việc đã làm được và chưa được của hội trong thời gian qua.

Ông Hanh cho biết: Năm 1999 sau khi Hội Khuyến học TP.HCM thành lập, tôi được mời tham gia với cương vị Chủ tịch hội. Tôi thật sự vui mừng và nhận lời ngay chứ không hề do dự với lý do lúc này phong trào giáo dục đã phát triển mạnh mẽ và rộng khắp trên toàn TP, công tác khuyến học có ý nghĩa to lớn và trở thành đạo lý của dân tộc nên không thể không tham gia. Gia đình nào cũng chăm lo cho việc học của con em nên khó có ai đứng ngoài cuộc được.

Bây giờ nhìn lại đã được 15 năm, tôi thật sự vui mừng vì trong Ban Chấp hành Thành hội các anh em đều là nhà giáo, cựu chiến binh, người cao tuổi, hưu trí như tôi. Tất cả đều tâm huyết, gắn bó và đồng lòng nên làm việc có hiệu quả. TP.HCM được Hội Khuyến học Việt Nam đánh giá là đơn vị dẫn đầu về sự năng động với nhiều sáng kiến trong tổ chức và thực hiện.

PV: Hội Khuyến học TP.HCM luôn là đơn vị dẫn đầu về các mô hình hoạt động sáng tạo để các tỉnh/thành khác học tập, điều này đúng không thưa ông?

– Phải nói đây là điều rất đáng tự hào của Hội Khuyến học TP.HCM. Các mô hình mà hội đã làm được trong thời gian qua có thể kể: Thứ nhất là chương trình học bổng khuyến tài 1&1 đã thật sự có sức lan tỏa vì giúp đỡ được nhiều sinh viên nghèo học giỏi không bỏ học. Chương trình có tính nhân văn cao, giữa người cho và người nhận gắn bó với nhau như ruột rà, từ xa lạ đến thân tình không còn khoảng cách. Các sinh viên biểu hiện lòng biết ơn bằng các cuộc thăm hỏi vào dịp lễ tết, sinh nhật. Các ân nhân đáp lại tình cảm bằng những bữa cơm ấm cúng trong gia đình. Nhiều em bây giờ vẫn có thói quen đến thăm hỏi vợ bác Mai Chí Thọ – nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học TP.HCM. Hiện nay câu lạc bộ có 2.075 cháu tham gia, tất cả đều có ý chí vươn lên. Số tiền của câu lạc bộ lên đến 15 tỷ 850 triệu đồng. Nhờ đó mà có nhiều em đang theo học cao học, nghiên cứu sinh; 30 em đã được đi du học ở Nhật và Pháp. Một số em về nước làm giáo viên các trường phổ thông, giảng viên trường ĐH, kỹ sư, bác sĩ, luật sư. 24 quận/huyện đều có câu lạc bộ khuyến tài, kể cả vùng sâu vùng xa vì rất phù hợp và thiết thực. Điều đáng mừng là một số phường/xã đã bắt đầu có mô hình này.

Thưa ông, có phải Hội Khuyến học Q.1 là nơi có phong trào Gia đình hiếu học đầu tiên để rồi sau đó được nhân rộng ở các địa phương khác? Sau Gia đình hiếu học là phong trào Nuôi heo đất cũng thu được kết quả tốt?

– Đúng vậy. Có thể nói Q.1 là cái nôi của phong trào Gia đình hiếu học vì năm 1999 đã có 99 gia đình hiếu học mà xuất phát điểm là từ phường Bến Nghé. Hiện nay Gia đình hiếu học đã trở thành phong trào chung của toàn TP với hơn 1 triệu gia đình. Từ phong trào này xuất hiện nhiều gia đình con cháu có bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và cả tiến sĩ. Không chỉ có con ngoan trò giỏi mà còn đào tạo và bổ sung được đội ngũ trí thức trẻ và quan trọng hơn là đẩy lùi được tệ nạn xã hội. Hiện nay phong trào đã nhân rộng ra cả nước với hơn 5 triệu gia đình hiếu học mà các tỉnh/thành khác coi đây là chương trình trọng điểm. Nhờ vậy mà truyền thống của gia đình được phát huy và không bị mai một. Một vài gia đình coi giấy chứng nhận là bảo vật để trang trọng trên bàn thờ. Phong trào Dòng họ khuyến học lại động viên con cháu học hành, gây thêm quỹ học tập; nhiều dòng họ được vinh danh mở mày mở mặt với làng xóm. Tôi nhớ khi còn là Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Nguyễn Minh Triết đã đánh giá cao những phong trào này bởi tính khai phá và mở đường.

Nuôi heo đất cũng là nét đẹp của phong trào khuyến học TP.HCM. Chỉ cần mỗi người ủng hộ từ 2.000 đến 60.000 đồng mà trong 7 năm qua (từ 2009 đến nay) đã có “con heo đất” khổng lồ 367 tỷ đồng.

Dù phong trào khuyến học được nhân rộng ở các địa phương nhưng chắc mỗi quận/huyện đều có một thế mạnh riêng. Ông có thể cho biết cụ thể hơn điều này?

– Mỗi địa phương có một mặt mạnh riêng về khuyến học. Nếu Q.1 khởi xướng tốt phong trào Gia đình hiếu học thì Q.10, Q.Phú Nhuận lại có cơ sở hội phường mạnh, cán bộ hội khá. Riêng phong trào Nuôi heo đất Q.10 rất mạnh và đều khắp, có phường đạt được 1 tỷ đồng, số tiền không hề nhỏ. Huyện Bình Chánh tiêu biểu với phong trào Dòng họ hiếu học, năng nổ gắn kết với các trường học và ngành GD-ĐT. Tại Q.5, Q.6, Q.11 có đông đồng bào người Hoa tham gia khuyến học, đóng góp tốt. Kết quả là số lượng sinh viên người Hoa tăng, có em được học bổng du học nước ngoài.

Học sinh đập heo đất trong ngày hội thu. Đây là phong trào do Hội Khuyến học TP đề xướng

Vậy đâu là những khó khăn, thưa ông?

– Về khó khăn có thể thấy, phong trào tuy mạnh nhưng chưa thật đồng đều giữa các địa phương, nhiều nơi còn mỏng như Q.2, Q.8, huyện Nhà Bè, huyện Cần Giờ. Đây là điều chưa làm được.

Với những đóng góp như trên, ông rút ra những bài học kinh nghiệm gì, thưa ông?

Hiện nay Gia đình hiếu học đã trở thành phong trào chung của toàn TP với hơn 1 triệu gia đình. Từ phong trào này xuất hiện nhiều gia đình con cháu có bằng cử nhân, bằng thạc sĩ và cả tiến sĩ.

– Trước hết cần có sự lãnh đạo của Thành ủy, UBND TP quán triệt và thực hiện có hiệu quả chỉ thị 11, các văn bản tổng kết từ đó chính quyền địa phương quan tâm hơn. Hơn nữa cần có sự liên kết phối hợp chặt chẽ giữa giáo dục và khuyến học vì đây là mối quan hệ khăng khít gắn bó không thể tách rời được với nhau. Nhờ có sự đồng bộ mà hai bên đã hỗ trợ qua lại cho nhau, phong trào khuyến học đã vào tận các trường học mà tiêu biểu là nuôi heo đất. Biết huy động mọi nguồn lực, mọi tầng lớp từ Hội Cựu giáo chức, Cựu Chiến binh, hưu trí, người cao tuổi thì sẽ thành công. Công tác khuyến học phải trở thành phong trào rộng khắp của người dân. 

Ông có thể nói rõ hơn về chương trình của Đại hội nhiệm kỳ tới?

– Đại hội Hội Khuyến học TP.HCM nhiệm kỳ 4 sẽ khai mạc ngày 25-7, có 450 đại biểu từ phường/xã, quận/huyện, trường học… tham dự. Sở GD-ĐT và Hội Khuyến học phối hợp nghiên cứu cơ chế chính sách với thí điểm các Q.1, Q.5, Q.6, Q.10 và huyện Bình Chánh xây dựng xã hội học tập từ nay đến 2020. Trong đó đẩy mạnh việc trí thức hóa nông thôn, nâng cao trình độ công nhân, trẻ em đến tuổi phải được đi học, số lượng sinh viên tăng tương xứng với dân số TP… Thành hội phải mạnh tương xứng với quy mô, số lượng 800.000 hội viên và 1 triệu gia đình hiếu học đang có hiện thời.

Xin cám ơn ông!

Phan Ngọc Quang (thực hiện)

PV: Điều gì ông thấy tâm đắc nhất trong phong trào khuyến học của TP.HCM, thưa ông?

– Ông Nguyễn Văn Hanh: Tôi thật sự tâm đắc với các hoạt động bề nổi như: Hội thi tìm hiểu Gia đình hiếu học, Hội thi cán bộ khuyến học. Các hội thi này đã diễn ra sôi nổi nhằm khơi dậy tinh thần hiếu học, là nơi để anh em cán bộ chia sẻ, giãi bày tâm tư tình cảm. Nhiều câu chuyện được viết thành bài công phu và xúc động.

 

Bình luận (0)