Sự kiện giáo dụcTin tức

Khuyến khích các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 16-5, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn TP.HCM thông tin về phát triển các vùng sản xuất rau an toàn trên địa bàn TP.


TP.HCM khuyến khích các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm 2023, diện tích canh tác rau toàn TP khoảng 3.500 ha, sản lượng đạt 627.000 tấn.

Nhằm triển khai đề án phát triển các vùng sản xuất rau an toàn, tập trung, bảo đảm truy xuất nguồn gốc gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ đến năm 2030 và phù hợp với chương trình phát triển nông nghiệp đô thị trên địa bàn TP giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tham mưu UBND TP ban hành Kế hoạch 1000/KH-UBND về triển khai đề án.

Theo đó, mục tiêu trong giai đoạn 1 từ nay đến năm 2025, diện tích canh tác còn khoảng 3.000 ha, sản lượng ước đạt 446.000 tấn. Trong đó, diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 540 – 600 ha, tỷ lệ 18 – 20%; sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 10 – 15 ha. Đề án sẽ tập trung tại huyện Củ Chi 1.800 ha, huyện Bình Chánh 550 ha, huyện Hóc Môn 350 ha, các quận huyện còn lại 300 ha.

Giai đoạn 2, đến năm 2030, diện tích canh tác chỉ còn 2.500 ha, sản lượng ước đạt 387.000 tấn. Trong đó, diện tích canh tác ứng dụng công nghệ cao đạt 1.000 – 1.250 ha, chiếm tỷ lệ 40 – 50% tổng diện tích sản xuất; diện tích sản xuất rau hữu cơ đạt khoảng 15 – 20 ha. Đề án sẽ tập trung tại huyện Củ Chi 1.700 ha, huyện Bình Chánh 500 ha, huyện Hóc Môn 300 ha.

Trong công tác phát triển nông nghiệp nông thôn mà có sản phẩm rau, đối với 16 quận nội thành 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Phú Nhuận, Tân Phú, Bình Tân, Tân Bình, Gò Vấp, Bình Thạnh, thì đến năm 2025 sẽ còn 1.950 ha đất nông nghiệp nằm phân tán, xen cài với các công trình, dự án và các khu dân cư đô thị. Đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Đề án khuyến khích các mô hình nông nghiệp nội đô để tăng không gian xanh, tạo cảnh quan đô thị, cải thiện môi trường, giảm tiếng ồn và hiệu ứng nhà kính, góp phần nâng cao sức khỏe và đời sống tinh thần người dân.

Các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu là nguồn đất dự trữ, dư địa cho phát triển đô thị các năm tới. Do đó, hướng chính là phát triển các vườn trồng rau, hoa kiểng để tạo cảnh quan, giảm chi phí đền bù khi giải tỏa. Khu vực không còn đất nông nghiệp sẽ khuyến khích người dân tận dụng khoảng không gian còn trống như giếng trời, sân thượng, hành lang… để trồng rau, hoa kiểng theo mô hình nông nghiệp cao tầng, thẳng đứng, khí canh, thủy canh, tuần hoàn.

Đối với khu vực TP.Thủ Đức, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 3.438 ha, phân bố dọc theo sông Sài Gòn và các rạch thuộc phường Tam Đa, Long Phước. Đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp.

Đề án định hướng phát triển thành TP khoa học, công nghệ với hạt nhân là đô thị Đại học Quốc gia và Khu Công nghệ cao. Vì vậy, ngoài phát triển các mô hình nông nghiệp đô thị không gian hẹp, tầng cao, các dải cây xanh phân cách, phân tán thì các khu vực đất nông nghiệp hiện hữu, phải chuyển dịch theo hướng sản xuất nông nghiệp đô thị, ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học nâng cao hiệu quả sản xuất. Cụ thể như mô hình sản xuất rau thủy canh của một số hợp tác xã.

Đối với khu vực huyện Nhà Bè, đến năm 2025, diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 3.800 ha. Đến năm 2030 không còn đất nông nghiệp. Định hướng phát triển sẽ trở thành đô thị công nghiệp và dịch vụ ligistic.

Đối với khu vực huyện Cần Giờ, đến năm 2025 diện tích đất nông nghiệp còn khoảng 45.400 ha. Đến năm 2030 còn 40.000 ha (khu rừng ngập mặn khoảng 33.900 ha).

Định hướng phát triển sẽ trở thành khu du lịch sinh thái, tập trung phát triển các loại hình nuôi trồng thủy sản mặn lợ, sản xuất muối công nghệ cao, nuôi yến trong nhà.

N.Trinh

 

 

Bình luận (0)