Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Khuyến khích giáo viên sử dụng bảng tương tác

Tạp Chí Giáo Dục

Học sinh sử dụng BTT trong tiết học lịch sử lớp 5 tại hội thảo
Kỹ năng sử dụng còn hạn chế, việc lựa chọn bài dạy đưa vào bảng tương tác (BTT) chưa thích hợp…, đó là các nguyên nhân khiến ở nhiều trường học, BTT chưa được khai thác hết tính năng.
Vấn đề này được đề cập đến tại hội thảo chuyên đề “Sử dụng hiệu quả BTT trong giảng dạy môn lịch sử, địa lý, khoa học và tự nhiên xã hội khối tiểu học” do Phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM) vừa tổ chức tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi (Q.4).
Tiết dạy hiệu quả nhờ BTT
Mở đầu hội thảo, lãnh đạo phòng GD-ĐT 24 quận/huyện và các trường tiểu học được xem qua tiết học ngẫu nhiên môn lịch sử lớp 5 do giáo viên (GV) Huỳnh Thế Nhã (Trường Tiểu học Nguyễn Đức Cảnh, Q.5) đứng lớp. Tiết học xoay quanh chiến thắng Điện Biên Phủ với nội dung được xây dựng dựa trên hình ảnh, đan xen các thước phim lẫn các lược đồ. Nội dung tiết học được truyền tải thông qua ứng dụng BTT một cách linh hoạt, học sinh (HS) tiếp nhận kiến thức qua từng hoạt động như: Nhắc lại kiến thức cũ, tìm hiểu về chiến dịch, kể lại diễn biến chiến dịch… Để giữa thầy và trò, trò và trò có sự trao đổi, thảo luận, lớp học được sắp xếp thành các nhóm nhỏ. Đặc biệt, HS có cơ hội lên bảng thuyết trình kết hợp với thao tác sử dụng BTT để lấy hình ảnh minh họa và dẫn chứng cho bài thuyết trình. Tiết học diễn ra nhẹ nhàng, sinh động được các đại biểu đánh giá cao bởi nội dung sắp xếp có tính hệ thống, khoa học. Phần mềm sử dụng cho BTT phù hợp, hiệu quả. GV thực hiện các thao tác kéo, thả, lồng ghép ảnh chụp, lược đồ, đồng hồ… vừa linh hoạt lại chính xác. Kết quả này khiến HS hào hứng, tiếp thu bài nhanh và phát huy được tinh thần làm việc nhóm cũng như năng lực bản thân.
Đại diện Cụm 2 cho biết: “Tiết học thể hiện sự mạch lạc, đi sâu vào các sự kiện, giữa thầy và trò, trò và trò có sự tương tác nhịp nhàng, mang đến hiệu quả cao. Đặc biệt tính năng của BTT được phát huy một cách tối đa. Đây là vấn đề không phải bất kỳ GV hay trường nào cũng làm tốt, đơn cử tại Q.6, BTT đã được đưa vào sử dụng nhưng chưa khai thác hết các tính năng”.
Đại diện Cụm 4 cũng nhận xét: GV không những nắm vững kiến thức chuyên môn mà còn nắm vững cả những kỹ năng sử dụng BTT. Đây là yếu tố mà mỗi GV cần đạt được khi thực hiện bất kỳ tiết dạy nào, đặc biệt là ứng dụng BTT.
Hướng dẫn từ từ, thúc đẩy đam mê
Vài năm trở lại đây, nhiều trường học đã trang bị 1-2 BTT phục vụ cho việc dạy học. Đây được xem là phương tiện vừa hỗ trợ GV giảng dạy, vừa khuyến khích sự tham gia của HS vào tiết học, tạo động cơ học tập cho các em. Tuy nhiên, thực tế là phần lớn BTT mới chỉ được sử dụng vào các tiết dạy môn ngoại ngữ mà chưa được sử dụng rộng rãi sang các tiết dạy của môn khác. Đó là chưa nói đến việc người dùng cần biết cách phát huy hết tính năng của BTT cũng như cách sử dụng như thế nào cho đảm bảo mọi yêu cầu đổi mới dạy học hiện nay.
“Phần lớn BTT mới chỉ được sử dụng vào các tiết dạy ngoại ngữ là chính, chưa được sử dụng rộng rãi ở các môn khác. Vì thế, GV dạy các môn học khác cần cố gắng học cách sử dụng thành thạo để mang đến những tiết dạy sinh động, hiệu quả”, bà Huỳnh Thị Kim Trang, Phó trưởng phòng Giáo dục tiểu học (Sở GD-ĐT TP.HCM), nói.
Cô Phạm Vĩnh Lộc (chuyên viên Phòng GD-ĐT Q.Tân Phú) cho biết: “Hiện nay phần lớn GV còn yếu kỹ năng sử dụng, hoặc gặp lúng túng nếu chẳng may BTT có sự cố. Ngoài ra, một vấn đề khác phải kể đến là GV chọn bài dạy đưa vào BTT đôi khi chưa phù hợp, hoặc chưa đặt đúng vị trí BTT để sử dụng…”.
Để BTT được sử dụng ở nhiều môn học và phát huy mọi tính năng, cô Vĩnh Lộc chia sẻ: Trước tiên người lãnh đạo cần làm cho GV yêu thích sử dụng BTT. Bằng cách khuyến khích, động viên GV làm theo khả năng, không ép buộc, áp đặt; cần giới thiệu những mặt hay, chưa hay cho họ biết; lồng ghép sử dụng BTT vào các hội thi, thao giảng. Đặc biệt cần phát huy vai trò của các GV am hiểu, say mê sử dụng BTT và thúc đẩy họ tổ chức tập huấn phương pháp sử dụng theo nhu cầu của nhà trường, hướng GV đến các lớp này ít nhất 1 lần/năm… Với cách làm này, Q.Tân Phú đã xây dựng được mạng lưới GV biết dùng BTT để hỗ trợ các trường.
Cô Vĩnh Lộc chia sẻ thêm, thực tế số GV chưa biết sử dụng BTT hiện vẫn còn nhiều. Chỉ cần không thay bút hoặc kéo thả không chính xác là đã gặp sự cố. Do đó nhà trường nên hướng dẫn GV từ từ, không vội vàng mà tập trung phát huy năng lực cá nhân, thúc đẩy đam mê của GV.
Trước vấn đề này, bà Nguyễn Kim Dung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) cũng góp ý: “Để sử dụng BTT được hiệu quả, GV cần dành thời gian chuẩn bị bài dạy, biết lựa chọn phần mềm phù hợp với BTT và tốt cho bộ môn. GV cần đưa toàn bộ nội dung vào BTT như một kho dữ liệu để tăng tính chủ động, tránh kiểu “dạy bài nào chép bài đó” vào phần mềm BTT. Ngoài ra, GV cũng nên nhớ, tùy vào mục tiêu bài dạy mà sử dụng BTT, tránh lạm dụng mà bỏ qua các phương pháp giảng dạy khác…”.
Bài, ảnh: Trinh Ngọc
 
Q.Tân Phú được xem là địa phương sử dụng khá hiệu quả BTT trong dạy học. Năm học 2011-2012, toàn quận chỉ có 4 BTT và được sử dụng vào việc giảng dạy ngoại ngữ vì đội ngũ GV môn này đã được tập huấn. Hiện nay toàn quận có 37 BTT, trang bị cho 16/17 trường, không chỉ sử dụng cho ngoại ngữ mà còn sử dụng cho thao giảng, giới thiệu, tập huấn. Tuy nhiên, theo cô Phạm Vĩnh Lộc, việc sử dụng BTT cho các môn học khác còn ít. Năm học 2013-2014, BTT sử dụng trong 1.173 tiết dạy ngoại ngữ, nhưng các tiết dạy khác chỉ được 1.030 tiết.
 
 

Bình luận (0)