Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Khuyến khích sáp nhập, hợp nhất ngân hàng

Tạp Chí Giáo Dục

Ngay sau khi đưa ra thông điệp về đẩy mạnh tái cấu trúc ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục khuyến khích các ngân hàng tiến hành sắp xếp lại hệ thống.
Tối 19/10, trên website của mình, Ngân hàng Nhà nước phát đi thông điệp khuyến khích các tổ chức tín dụng tự nguyện tìm hiểu lẫn nhau để mua lại, sáp nhập, hợp nhất. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này có thể có cơ chế hỗ trợ thích hợp nhằm đảm bảo việc sáp nhập, hợp nhất, mua lại tổ chức tín dụng thành công.
Sáp nhập, hợp nhất, mua lại có thể khiến cho hệ thống ngân hàng an toàn hơn. Ảnh: Hoàng Hà.

Cơ quan quản lý ngành ngân hàng khẳng định, tổ chức tín dụng tại Việt Nam cần thiết phải sắp xếp lại. Nguyên nhân là trong bối cảnh hiện nay, nếu để tồn tại hệ thống cồng kềnh, các tổ chức tín dụng sẽ đối mặt với không ít khó khăn. Kinh tế thế giới chưa phục hồi sau khủng hoảng tài chính tiền tệ, ảnh hưởng nợ công châu Âu, nguy cơ suy thoái còn tiềm ẩn là những nhân tố từ bên ngoài có thể tác động đến tình hình hoạt động tín dụng trong nước.
Ngoài ra, thị trường vốn trong nước đang diễn biến không ổn định, tồn tại nhiều bất cập trong nội tại tổ chức tín dụng. Năng lực tài chính của một bộ phận tổ chức tín dụng còn khiêm tốn, chất lượng quản trị, điều hành hạn chế, sản phẩm và dịch vụ nghèo nàn, lợi nhuận chủ yếu mới từ hoạt động cho vay, Ngân hàng Nhà nước nhận định.
Cũng theo Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian vừa qua, số lượng lớn các tổ chức tín dụng tập trung ở khu vực thành thị đã tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Suốt một thời gian, áp lực lợi nhuận khiến cho không ít đơn vị bắt buộc phải chấp nhận rủi ro trong huy động vốn, cho vay gây áp lực lên sự an toàn của hệ thống. Do đó, việc tái cấu trúc ngân hàng sẽ góp phần ổn định thị trường, phân bổ lại địa bàn hoạt động của các ngân hàng hợp lý nhất.
Ngân hàng Nhà nước nhìn nhận, tái cấu trúc sẽ góp phần hình thành nên những định chế tài chính lớn mạnh hơn, có khả năng trụ vững trong môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt đồng thời lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngân hàng.
Trong những năm sắp tới, chính sách tiền tệ vẫn sẽ được Chính phủ điều hành thắt chặt. Mục tiêu hàng đầu được nhấn mạnh giai đoạn này là ổn định giá trị sức mua của đồng tiền, tăng trưởng tín dụng không quá 3 lần tốc độ tăng GDP hàng năm, kiểm soát tăng tổng phương tiện thanh toán tương thích với tốc độ tăng trưởng kinh tế theo hướng giữ ở mức thấp để kiềm chế tăng chỉ số giá tiêu dùng CPI. Do đó, Ngân hàng Trung ương khuyến cáo, ngay từ bây giờ, các tổ chức tín dụng cần hoạch định chiến lược phát triển phù hợp, xây dựng và tiến hành các biện pháp tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh, hoạt động an toàn, lành mạnh, phát triển bền vững.

Theo Tuệ Minh (VNE)

Bình luận (0)