Sau nhiều năm duy trì chính sách sinh ít con, Việt Nam đã đưa ra chính sách khuyến khích người dân sinh đẻ với nhiều hỗ trợ, ưu đãi.
Chính sách mới về dân số được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dân số và lao động của Việt Nam. ẢNH: ĐỘC LẬP
Đây được xem là một bước ngoặt thay đổi về quy mô dân số và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong tương lai.
21 địa phương có mức sinh con thấp
Quyết định 588 về “Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có nhiều nội dung đáng chú ý, được người dân quan tâm như: khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi, sinh con sớm; bãi bỏ chính sách sinh ít con, khuyến khích sinh đủ 2 con. Đặc biệt, một số địa phương có mức sinh thấp được hỗ trợ sinh con, nuôi dạy con…
Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), các chính sách đưa ra đều dựa trên cơ sở các điều tra, phân tích, dự báo. Hơn 10 năm qua, cả nước đã duy trì mức sinh thay thế (2 – 2,1 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ – từ 15 – 49 tuổi), nhưng hiện đối mặt mức sinh chênh lệch đáng kể giữa các vùng, xu hướng sinh rất ít con đã xuất hiện tại các đô thị; trong khi đó một số nơi, kinh tế – xã hội khó khăn hơn thì có mức sinh cao, thậm chí trên 2,5 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ. Hiện tại, mức sinh thấp (dưới 2 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ) tại 21 tỉnh thuộc Đông Nam bộ, ĐBSCL và duyên hải miền Trung.
Chính sách mới về dân số được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dân số và chất lượng lao động của Việt Nam. ẢNH: ĐỘC LẬP
Ông Nguyễn Doãn Tú cho hay: “Quyết định 588 là để khuyến khích sinh con, điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng. Nhưng cũng cần hiểu rõ, chúng ta đảm bảo mức sinh thay thế chứ không phải được sinh con thứ 3”.
Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Tân, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Dân số – Kế hoạch hóa gia đình, cho rằng theo kết quả điều tra mới nhất, tuổi kết hôn lần đầu của các cặp vợ chồng ở Việt Nam có xu hướng muộn hơn, nữ trung bình 23 tuổi, nam trung bình 27 tuổi. Ở TP.HCM, các gia đình có số con trung bình chỉ 1,2 – 1,4 con nên cần khuyến khích sinh đủ.
Chính sách dân số mới của Việt Nam là cơ hội rất tốt để trong tương lai 10 – 15 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ mới, một lực lượng “dân số vàng” tiếp theo để đáp ứng công cuộc phát triển đất nước
PGS-TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội)
|
Kéo dài giai đoạn dân số vàng
Nhìn nhận dưới góc độ xã hội, theo chuyên gia xã hội học Trần Hòa Bình, Việt Nam đã duy trì chính sách gia đình có 1 – 2 con trong thời gian khá dài và đã đạt được kết quả về kiểm soát sự gia tăng dân số. “Tuy nhiên, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng, nếu không thay đổi chính sách dân số sẽ dẫn đến nguy cơ xói mòn dân số, chúng ta sẽ bỏ lỡ các cơ hội phát triển trong tương lai”, ông Bình nói.
Trước lo ngại việc nới lỏng chính sách dân số sẽ khiến bùng nổ dân số trở lại, ông Bình nhận định: “Với sự phát triển của xã hội và dân trí được nâng cao, chắc chắn chúng ta sẽ không phải lo về việc “vỡ” kế hoạch hóa gia đình”.
Còn theo PGS-TS Phạm Mạnh Hà, ĐH Giáo dục (ĐH Quốc gia Hà Nội), mức sinh trung bình của Việt Nam là 2,1 con/phụ nữ độ tuổi sinh đẻ chưa đảm bảo mức sinh thay thế và lực lượng lao động để đáp ứng sự phát triển của xã hội trong bối cảnh mới. Vì vậy, quyết định của Thủ tướng đưa ra trong bối cảnh hiện nay là hoàn toàn hợp lý. “Về mặt xã hội, chính sách dân số mới của Việt Nam là cơ hội rất tốt để trong tương lai 10 – 15 năm nữa, Việt Nam sẽ có một thế hệ mới, một lực lượng “dân số vàng” tiếp theo để đáp ứng công cuộc phát triển đất nước”, PGS-TS Hà chia sẻ.
“Với chủ trương bãi bỏ chính sách sinh ít con và khuyến khích sinh đủ 2 con sẽ giúp Việt Nam cân bằng mức sinh giữa các tỉnh, TP trên toàn quốc, tiếp tục duy trì mức sinh thay thế, đồng thời kéo dài giai đoạn cơ cấu dân số vàng, cũng như ứng phó thực trạng và xu hướng già hóa dân số nhanh trong tương lai ở Việt Nam”, bà Trịnh Thu Nga, Phó viện trưởng Viện Khoa học – Lao động (Bộ LĐ-TB-XH), nói.
Mặc dù ủng hộ chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân kết hôn, sinh con sớm, song PGS-TS Phạm Mạnh Hà cho rằng không nên tăng trách nhiệm đóng góp xã hội đối với những người không kết hôn hoặc kết hôn quá muộn. “Nhà nước có thể khuyến khích lựa chọn thời điểm sinh, số con sinh mà không nên có quy định mang tính ràng buộc”, ông Hà nêu quan điểm.
Chưa bỏ quy định kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3
Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 5.5, trả lời câu hỏi về việc Bộ Y tế có kiến nghị việc sửa quy định về xử lý kỷ luật đảng viên sinh con thứ 3, sau khi Thủ tướng đã phê duyệt Quyết định 588, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nói: "Tất cả việc kỷ luật, khiển trách có thời hiệu 2 năm với cán bộ, đảng viên sinh con thứ 3 vẫn còn hiệu lực". Ông Sơn cho biết thêm từ nay đến 2030, Bộ Y tế, Tổng cục Dân số sẽ có đề xuất với Chính phủ, T.Ư về những điều chỉnh chính sách cho phù hợp.
Lê Hiệp
|
Cần một chính sách đồng bộ
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, nguyên Phó cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB-XH), cho hay một thời gian dài chúng ta duy trì chính sách dân số khắt khe, rập khuôn mô hình của Trung Quốc khiến cho nhiều người phải bỏ con, nhiều cán bộ bị kỷ luật. Ông An bày tỏ: “Tôi ủng hộ chúng ta thay đổi bằng một chính sách dân số mới, khuyến khích giới trẻ kết hôn sớm, sinh con sớm bởi nhiều em bé có quyền được sống, nhiều cặp vợ chồng có quyền lựa chọn số lần sinh con”.
Tuy nhiên, theo ông An, đi cùng chính sách dân số cần phải nâng cao chất lượng dân số, đảm bảo an sinh xã hội, đảm bảo quyền trẻ em, để mọi trẻ em đều được sinh ra khỏe mạnh, được quyền vui chơi, giải trí.
Theo ý kiến các chuyên gia, một trong những nguyên nhân làm giảm sinh con tại các đô thị và TP lớn là chi phí sinh hoạt, nuôi con và giáo dục tăng quá cao. Vì vậy, các biện pháp hỗ trợ cần phải đồng bộ và thiết thực.
Còn theo bà Trịnh Thu Nga, trong Quyết định 588 có quy định về điều chỉnh, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ, khuyến khích mở rộng tiếp cận đến dịch vụ sức khỏe sinh sản. Các hỗ trợ này sẽ góp phần nâng cao chất lượng dân số nói chung và nguồn nhân lực nói riêng, cũng như đảm bảo quy mô và chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế xã hội trong dài hạn.
TP.HCM sẽ vực dậy mức sinh ra sao ?
Bà Phạm Thị Mỹ Lệ, Phó chi cục trưởng phụ trách Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM, cho biết hiện tỷ suất sinh của TP rất thấp, là 1 trong 21 tỉnh thành có mức sinh thấp dưới mức sinh thay thế 2,1 con/phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ . Mức sinh của TP trong những năm gần đây giảm: 2015 là 1,45 con/mẹ; 2016: 1,24; 2017: 1,36; 2018: 1,33; 2019: khoảng 1,35; Nguyên nhân giảm sinh là do áp lực nghề nghiệp, thu nhập, học tập, thăng tiến, nhà ở, y tế, giáo dục, thời gian…
“Nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ làm sụt giảm nguồn nhân lực, dẫn đến TP thiếu hụt nhân lực phát triển kinh tế. Nếu người dân không sinh hoặc sinh 1 con sẽ mất cân bằng giới tính ngày càng nghiêm trọng và hậu quả khó lường. Nếu như bây giờ 1 đứa trẻ được 6 người chăm sóc (ông bà nội ngoại, ba mẹ) thì sau này khả năng đứa trẻ sẽ phải chăm sóc 6 người, đó là gánh nặng lớn”, bà Lệ nói.
Chi cục Dân số – kế hoạch hóa gia đình TP.HCM sẽ tham mưu cho UBND TP kế hoạch hành động thực hiện chương trình điều chỉnh mức sinh tại TP đến năm 2030, cố gắng nâng mức sinh 1,6 con/mẹ; đồng thời đề xuất các chính sách để nâng mức sinh tại TP. Theo đó, bỏ ngay chính sách giảm sinh; tạo điều kiện cho bố mẹ sinh đủ 2 con; khuyến khích các bạn trẻ kết hôn sớm. Có chính sách hỗ trợ vợ chồng trẻ khó khăn mua nhà ở xã hội hoặc thuê nhà có trợ giá. ..
Duy Tính
|
Theo Thu Hằng – Liên Châu/TNO
Bình luận (0)