Học viên một trường trung cấp nghề đang thực hành. Ảnh: M.T
|
Áp lực vào ĐH ở nước ta đã khiến kỳ thi tuyển sinh trở nên cạnh tranh cao và nặng nề. Dù hiện nay, điều này có vẻ giảm ít nhiều nhưng việc vào giảng đường ĐH gần như là mục tiêu của hầu hết học sinh tốt nghiệp THPT và gia đình.
Việc Bộ GD-ĐT tính đến phương án một kỳ thi chung cũng không thể giải quyết áp lực này ngay trong một sớm một chiều.
Hàng năm, tính chung trong cả nước, cũng chỉ có khoảng 20% số học sinh tốt nghiệp THPT được vào giảng đường ĐH. Ở TP.HCM, con số này có thể còn thấp hơn do phần lớn không được hưởng các ưu tiên như nhiều khu vực vùng sâu, vùng xa. Số còn lại vẫn phải sống, vậy tại sao không tìm cách thích nghi với lối đi không vào giảng đường ĐH? Dù trên thực tế, tâm lý phải vào ĐH của người dân thành phố (cả các thanh niên và gia đình họ) nói chung là rất lớn, nhưng không vì vậy mà việc lập thân, lập nghiệp chỉ có một con đường là vào ĐH.
Do đó, học nghề vẫn là lựa chọn tốt với các bạn trẻ ở thành phố, và càng phù hợp với điều kiện nước ta hiện nay. Thứ nhất, học nghề có thời gian ngắn, đỡ tốn kém cho gia đình. Với thời gian khoảng 2 năm, chi phí cũng thấp hơn học ĐH nên không phải là khoản đầu tư nặng cho nhiều gia đình. Thứ hai, các trường nghề hiện nay được trang bị phương tiện, máy móc khá hiện đại, nên kiến thức và kỹ năng học trong trường không quá lạc hậu so với thực tiễn cuộc sống. Thứ ba, tốt nghiệp trường nghề dễ tìm việc làm, khi thành phố nói riêng và xã hội ta nói chung đang “thừa thầy thiếu thợ”. Thậm chí, nhiều người đã tốt nghiệp ĐH, cao học vẫn còn đi học trung cấp để tìm việc làm thì người tốt nghiệp trường nghề dễ tìm được việc đúng ngành nghề. Thứ tư, học nghề nhưng vẫn có điều kiện liên thông lên cao hơn do hiện có một số trường có thể liên thông lên CĐ, ĐH. Điều này đòi hỏi bản thân có nghị lực, có chí cầu tiến. Chính điều đó cũng thúc đẩy mỗi người tự vươn lên. Thứ năm, thanh niên của thành phố học các trường nghề ngay tại thành phố sẽ có nhiều điều kiện thuận lợi hơn so với thanh niên ở các tỉnh, bởi gần gia đình, có chính sách học bổng, hỗ trợ… Đó có thể coi là một “lợi thế so sánh” so với thanh niên ở những nơi khác về thành phố.
Tuy nhiên, đó là điều kiện cần. Điều kiện đủ là bản thân các trường nghề phải có sức hút cùng với sự tác động của toàn xã hội. Đó là, các trường nghề phải không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo; phải tạo ra những người lao động có tay nghề giỏi, đồng thời có tư cách tốt, đáp ứng được nhu cầu của các doanh nghiệp. Đặc biệt, trường nghề phải bám sát nhu cầu của xã hội, đồng thời dự báo xu hướng nghề nghiệp để đào tạo nguồn nhân lực thực tế, vừa đáp ứng nguồn nhân lực cho thành phố vừa tránh lãng phí đào tạo. Bên cạnh đó, thành phố cần có những ưu đãi cho người học nghề. Ngoài học phí, học bổng, người học nghề cần được tạo điều kiện tiếp cận các chương trình đào tạo nghề tiên tiến, được gửi học nghề ở nước ngoài… Hệ thống các trường nghề cần được hỗ trợ bằng chính sách, tài chính, nhân lực để phát triển và mở rộng quy mô đào tạo. Đồng thời, các trường cần cải tiến một cách căn bản việc dạy nghề trong trường phổ thông để làm cơ sở cho học sinh đã học nghề cơ bản có thể nhanh chóng tiếp cận chương trình học và nâng cao tay nghề khi vào trường nghề.
Trong điều kiện hiện nay, học nghề là góp phần “ích nước, lợi nhà, tốt bản thân”. Vì vậy, với những học sinh có học lực khó cạnh tranh vào ĐH, hoàn cảnh kinh tế gia đình không thuận lợi, nên xác định từ đầu là vào các trường nghề.
|
Ngoài ra, trong xã hội, cần có cơ cấu trả lương phù hợp với năng lực, hiệu quả công việc chứ không theo bằng cấp. Các doanh nghiệp khi tuyển lao động nên chú trọng khả năng, hiệu quả thực tế và trả lương theo các yếu tố đó; chủ trương khuyến khích công nhân học tập nâng cao tay nghề cũng dựa trên cơ sở đó chứ không phải có bằng cấp để thăng tiến. Dĩ nhiên, quá trình đó cần có sự tác động của hệ thống truyền thông, trong đó cần tăng cường tuyên truyền những tấm gương học nghề giỏi, những người lao động tiên tiến, những cá nhân điển hình xuất thân từ các trường nghề…
Mỗi người dân ở thành phố cần nhận thức được rằng, với bằng cấp gì, nghề nghiệp gì, công việc gì mà đem lại thu nhập chính đáng cho bản thân, gia đình, góp phần phát triển kinh tế – xã hội đều là tích cực. Lẽ dĩ nhiên, có điều kiện kinh tế để học tập tốt và có bằng cấp tốt mà có được việc làm tốt là điều đáng quý, nhưng với những trường hợp còn lại thì không nên câu nệ chuyện bằng ĐH hay bằng nghề. Xét ở tầm vĩ mô, lực lượng có tay nghề này sẽ đóng góp tích cực và quan trọng vào sự phát triển của thành phố, giảm được sự ảnh hưởng, lệ thuộc vào nguồn lao động của các tỉnh.
“Một nghề cho chín còn hơn chín nghề”, xét kỹ ra, điều đó rất đúng với hoàn cảnh xã hội nước ta hiện nay. Không phải xuất thân ở trường nào, ngành nào, vấn đề luôn là sự nỗ lực của bản thân từng người. Tấm bằng cũng không phải là bùa hộ mệnh mà là một cơ sở để đánh giá một người đã xác định bước đi cuộc đời mình như thế nào, liệu có phù hợp với năng lực, hoàn cảnh, điều kiện xã hội của thành phố và cả nước hay không.
Trúc Giang (TP.HCM)
Các trường cần cải tiến một cách căn bản việc dạy nghề trong trường phổ thông để làm cơ sở cho học sinh đã học nghề cơ bản có thể nhanh chóng tiếp cận chương trình học và nâng cao tay nghề khi vào trường nghề. |
Bình luận (0)