Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khuyến khích việc học suốt đời

Tạp Chí Giáo Dục

Việc học tập của con người diễn ra suốt đời như một nhu cầu tự thân và đó là mệnh lệnh của thời đại. Học không chỉ để biết, để làm việc tốt hơn mà để còn chung sống, trở thành người tử tế, để phục vụ nhân dân và nhân loại. Việc học không chỉ gắn với nhà trường chính quy mà còn cả không chính quy.

Theo tác giả, tự học được xem là chất xúc tác làm phát huy tiềm năng sẵn có trong mỗi người. Trong ảnh: Đôi bạn Dương Huỳnh Giang (lớp 12A2) và Trang Phạm Bích Trâm (lớp 11A2), học sinh của Trường THPT Giồng Ông Tố (Q.2) – sau giờ học thường vào thư viện đọc thêm sách báo. Ảnh: Y.Hoa

Theo đề án xây dựng xã hội học tập được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2013, nâng cao trình độ tin học, ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ là con đường để cán bộ công chức hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Việc học còn để hoàn thiện kỹ năng sống, khả năng sinh tồn làm cho cuộc sống ngày càng hạnh phúc. Theo Bác Hồ, học hỏi là việc phải tiếp tục suốt đời, không ai có thể cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Bác khẳng định, trong cách học thì “lấy tự học làm cốt” và hơn ai hết Người đã nêu tấm gương tự học suốt đời. Bác biết trên 20 thứ tiếng và thông thạo hơn 10 ngoại ngữ mà không qua trường lớp đào tạo chính quy. Bác tập viết báo, rèn luyện cách tự nghiên cứu. Thậm chí đối với chủ nghĩa Mác – Lênin, Bác cũng tiếp cận và nghiên cứu chính bằng ngôn ngữ của các tác phẩm đó. Đó là điều không nhiều người làm được kể cả trong thời đại ngày nay với điều kiện đầy đủ và lượng thông tin đồ sộ được cập nhật nhanh chóng dễ dàng.

Tự học tốt cũng là một loại năng lực. Nhiều doanh nhân, người thành đạt không phải vì được học cao mà chủ yếu năng lực tự học xuất sắc. Có một nghiên cứu kéo dài 5 năm trên 200 tỷ phú, triệu phú vừa tái khẳng định thành công của họ là do thường xuyên dành thời gian cho việc đọc và học. Họ có “nguyên tắc 5 tiếng”, đó là mỗi ngày dành 1 tiếng, 1 tuần dành 5 ngày để đọc và học. Không những vậy họ còn luôn thử nghiệm tìm tòi các thông tin tự mình gặt hái được. Theo họ, việc học sẽ không còn có ý nghĩa nếu thiếu bước suy nghĩ, phản chiếu những kiến thức mới mẻ.

Tự học được xem là chất xúc tác làm phát huy tiềm năng sẵn có trong mỗi người, tiềm năng sáng tạo – thứ tiềm năng quý giá nhất trong nguồn nhân lực của thế kỷ 21. Các chuyên gia cho rằng, ai tự học mạnh nhất sẽ tích lũy tiềm năng sáng tạo dồi dào nhất, phát triển bền vững nhất. Và dân tộc nào giỏi tự học, dân tộc đó sẽ tiến xa. Người cán bộ, công chức, viên chức cần thường xuyên dành thời gian cho việc đọc và học giúp cập nhật kiến thức, bù đắp những khiếm khuyết thay thế những nội dung lạc hậu lỗi thời trong quá trình học tập tại trường. Cần quan tâm rèn luyện kỹ năng tự học: định hướng, chọn mục tiêu, tìm kiếm sử dụng thông tin; xây dựng kế hoạch học tập; so sánh, phân tích, tổng hợp, diễn giải, suy luận, biện luận, phản biện; sử dụng CNTT; ngoại ngữ; lắng nghe, giao tiếp, ứng xử… để phục vụ cho công việc tốt hơn. Nếu cán bộ, công chức, viên chức tích cực, chủ động chịu học chịu nghe chịu sâu sát với cơ sở, với dân thì sẽ có điều kiện rất tốt để trưởng thành. Khiêm tốn, gần gũi với dân học hỏi ở trường đại học nhân dân rộng lớn chính là cơ hội để cán bộ, công chức, viên chức hoàn thiện mình. Từ việc mỗi cá nhân không ngừng phấn đấu giúp dân được nhiều việc dân cần cũng chính là hoàn thành vai trò đầy tớ trung thành của nhân dân. Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward là một nhà ngoại giao kỳ cựu dành 3 giờ để học tiếng Việt mỗi ngày. Ông cho biết, làm đại sứ công việc rất bận rộn nhưng vẫn quyết định học tiếng Việt để có thể hòa nhập hơn với đời sống nước sở tại. Chính yêu cầu của công việc, của cuộc sống là đơn đặt hàng cho việc học của mỗi người. Nhiều “kỹ sư chân đất”, “vua sáng chế” tạo ra được những máy móc thiết bị phục vụ người lao động, giá cả hợp lý cũng chính từ đam mê nghiên cứu, sáng tạo và cống hiến. Với họ nhìn ở đâu cũng ra đề tài vì học sát với thực tiễn, với yêu cầu cuộc sống. Còn những người ngồi trong phòng làm việc máy lạnh, không gắn với hơi thở cuộc sống ít chịu quan sát, học hỏi khi đề xuất những chủ trương chính sách thường xa vời, hình thức thiếu sức thuyết phục và tính hiệu quả, khả thi.

Phạm Phương Thảo
(nguyên Phó Bí thư Thành ủy,
nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM)

 

Bình luận (0)