Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Khuyến mãi “khủng” để vực dậy sức mua

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Trong chương trình “Khuyến mại tập trung 2021” do Sở Công Thương TPHCM phối hợp với các sở, ngành tổ chức, diễn ra từ ngày 15/11 – 31/12, các doanh nghiệp được phép hạ giá bán tới mức 100%. Tất cả nhằm vực dậy sức mua quá yếu từ sau đợt giãn cách xã hội kéo dài vừa qua để phòng, chống dịch COVID-19.

Hạ giá nhiều, vẫn vắng khách

Theo ghi nhận của chúng tôi, dù các doanh nghiệp (DN) được phép giảm giá đến 100% giá trị hàng hóa, dịch vụ, nhưng hầu như không có đơn vị nào trong chương trình khuyến mãi (KM) tới mức này, phần lớn chỉ giảm 10% giá sản phẩm hoặc “mua 1 tặng 1” (giảm 50% giá) hay tặng phiếu mua hàng… 

Đại diện Sở Công Thương TPHCM cho biết, đã tiếp nhận được phiếu đăng ký tham gia chương trình của hơn 1.600 DN với mức KM từ 30% đến hơn 50%. Mức KM này thực ra đã được các DN áp dụng từ đầu tháng 10/2021 khi TPHCM bước vào trạng thái “bình thường mới”. Đáng nói, dù KM liên tục, kéo dài, mức KM hấp dẫn, sức mua tại các trung tâm thương mại (TTTM), siêu thị, cửa hàng vẫn thấp.

Nhiều thương hiệu thời trang giảm giá mạnh nhưng sức mua vẫn rất thấp. Ảnh: N.Cẩm

Tại các hệ thống TTTM Vincom, Parkson, Takashimaya, siêu thị Co.op Mart, Big C, Lotte Mart, hàng hóa đầy ắp, trưng bày bắt mắt nhưng khách đến rải rác, mua sắm không nhiều. Người vào siêu thị chủ yếu mua thực phẩm, hóa mỹ phẩm, đồ gia dụng, còn các gian hàng quần áo, giày dép, mỹ phẩm vẫn luôn vắng khách. Một số cửa hàng thời trang như Uniqlo, H&M… đang giảm giá còn 99.000, 129.000, 149.0000 đồng/sản phẩm để thu hút người mua nhưng vẫn không thể đông khách. 

Nhiều người tiêu dùng (NTD) cho biết họ ít quan tâm hàng KM vì chúng không nằm trong nhóm hàng hóa thiết yếu. Trong nhiều tháng giãn cách xã hội, thu nhập giảm hoặc mất, NTD tập trung tìm mua thực phẩm, đồ dùng thiết yếu nhưng các điểm kinh doanh nhóm hàng này không KM nhiều, chỉ KM hàng tồn kho, bán chậm, sắp hết hạn sử dụng. 

Hiện sức mua ở các cửa hàng thời trang nhỏ lẻ rất kém. Nhiều chủ cửa hàng cho biết, nếu tình trạng ế ẩm kéo dài, có thể họ phải đóng cửa trước tết. Một số thương nhân kinh doanh tại TTTM Taka đã trả mặt bằng, chuyển sang bán online và chủ yếu nhận đơn đặt hàng trước, nhập hàng rồi cung ứng sau chứ không nhập sẵn hàng ồ ạt như trước. Chủ cửa hàng San San trên đường Hai Bà Trưng, Q.1, nhận xét, phần lớn NTD ưu tiên mua hàng thiết yếu nên việc KM không giúp ích mấy trong việc tiêu thụ hàng thời trang. Cửa hàng này đã bán xổ quần áo với giá 30.000 đồng/bộ để đẩy hàng tồn nhưng cũng không mấy người mua.

Kích thích mua sắm không chỉ dựa vào khuyến mãi

Theo ông Nguyễn Mạnh Tấn – Giám đốc tiếp thị Haravan – mức KM 100% là chưa có tiền lệ, nên việc áp dụng mức này sẽ kích thích NTD mua sắm. Tuy nhiên, NTD cần biết rõ kênh mua sắm, sản phẩm nào có mức KM 100% để dễ dàng lựa chọn. Thực tế, khi muốn mua hàng có giá KM 100%, NTD cũng không biết mua ở đâu. Vì vậy, cách truyền thông, đưa thông tin cụ thể của chương trình đến NTD rất quan trọng. Cách làm của các sàn TMĐT cụ thể hơn, họ thông tin rõ ràng ngày, giờ nào KM, sản phẩm nào KM và mức giảm giá bao nhiêu. Nhờ đó, hầu hết chương trình KM lớn của các sàn TMĐT (ngày lễ độc thân 11/11, dịp sinh nhật…) đều thu hút rất đông người mua sắm, số lượng đơn hàng tăng vọt. 

“Để kích thích mua sắm, các đơn vị kinh doanh nên tính toán kỹ hình thức KM cho từng mặt hàng. Với những sản phẩm tiêu dùng như bột giặt, kem đánh răng, người mua thường thích giảm giá trực tiếp vào giá sản phẩm, họ có thể mua nhiều để dùng dần; còn với những sản phẩm như hàng thời trang có giá trên 500.000 đồng, người mua lại thích hình thức “mua 1 tặng 1” hơn. Trong thời điểm này, để kích cầu tiêu dùng, cả nhà sản xuất và phân phối cần xem xét nhu cầu thực tế và linh hoạt chuyển đổi theo. Chẳng hạn, thay vì đẩy mạnh nhóm quần áo thời trang đi tiệc, có thể bán những sản phẩm thông dụng hơn, đồ có thể vừa kết hợp đi làm và đi chơi, đi tiệc. Đồng thời, các cửa hàng cũng cần có những sản phẩm phụ hấp dẫn, để khi mua sắm theo nhu cầu, khách có thể mua thêm những sản phẩm khác” – ông Nguyễn Mạnh Tấn gợi ý.

Bà Nguyễn Thị Như Ngọc – Giám đốc marketing của Kantar Worldpanel Việt Nam – dẫn kết quả khảo sát mới nhất cho biết, nhu cầu chi tiêu nhiều nhóm hàng giảm so với năm ngoái, chỉ có ngành hàng thực phẩm, nhu yếu phẩm vẫn duy trì mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó chủ yếu là thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh (FMGC).

Theo báo cáo mới đây về thị trường FMGC, từ cuối tháng Chín và đầu tháng 10/2021, sức mua nhóm hàng này đã phục hồi ở mức cao hơn thời điểm trước dịch. Đặc biệt, sức mua với nhóm hàng sữa và thực phẩm đóng gói tăng trong thời gian giãn cách xã hội. Khi UBND TPHCM bãi bỏ biện pháp giãn cách xã hội, sức mua mặt hàng sữa vẫn ổn định, hóa mỹ phẩm, gia dụng cũng có dấu hiệu tăng. Ngược lại, sức mua những nhóm hàng thời trang, mỹ phẩm, hàng không thiết yếu… vẫn yếu. 

Theo đánh giá của Haravan, tình trạng sức mua yếu có thể kéo dài đến hết quý II/2021. Để cạnh tranh, các nhà bán hàng cần phải nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Chỉ trong tháng 10/2021, Haravan ghi nhận, số đơn vị kinh doanh tham gia bán hàng online tăng 60% so với tháng 9/2021, hầu hết là nhà bán lẻ vừa và nhỏ. 

Theo bà Như Ngọc, xu hướng mua hàng online tăng từ thời điểm giãn cách xã hội và vẫn duy trì đà tăng. Do đó, các đơn vị kinh doanh nên đẩy mạnh bán hàng trên kênh này. Các chính sách giá, chương trình KM cần đảm bảo vừa hỗ trợ nhóm khách hàng có thu nhập thấp, vừa nắm bắt cơ hội ở nhóm khách hàng trung, cao cấp chi tiêu, mua sắm nhiều hơn sau đợt dịch…

Ngoài các hình thức KM, các đơn vị sản xuất, kinh doanh cần giúp khách hàng thấy được giá trị của sản phẩm để mua. Các đơn vị có thể liên kết bán cùng nhau để tăng đơn hàng, như thức uống kết hợp món ăn. Các cửa hàng thời trang nhỏ càng phải tăng bán online và tạo sự khác biệt để thu hút khách hàng, như nhờ những người có tầm ảnh hưởng, những người đã tạo được cộng đồng mạng quảng bá giúp. 

“Các thương hiệu thời trang lớn trên thế giới đang cắt giảm nhiều khoản chi phí, tập trung vào khâu hình ảnh và kinh doanh online. Trong khi đó, phần lớn thương hiệu thời trang Việt ít chú ý đến hình ảnh trên mạng, chỉ tập trung vào việc thiết kế sản phẩm nên ít người biết đến. Quảng bá được những ưu điểm, sự khác biệt của sản phẩm thì mới có thể cạnh tranh, bán hàng hiệu quả” – ông Nguyễn Mạnh Tấn góp ý. 

Theo Nguyễn Cẩm/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)