Trong những ngày qua, Bộ GD-ĐT đã cử nhiều đoàn kiểm tra chấm thi tốt nghiệp THPT 2020. Theo ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – có thể thực hiện nhiều biện pháp để ngăn tuyệt đối gian lận.
Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng Mai Văn Trinh kiểm tra công tác chấm thi. X.K
Những ngày vừa qua, ông Mai Văn Trinh – Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT) – đã cùng đoàn đi kiểm tra công tác chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2020 tại các tỉnh như Yên Bái, Phú Thọ, Bắc Kạn, Cao Bằng… Tại các tỉnh, ông Trinh đã có những lưu ý quan trọng về công tác chấm thi trong năm nay. Theo ông Trinh, năm nay tuyệt đối không để tiêu cực chấm thi xảy ra ở bất cứ hội đồng nào dù là khâu nhỏ nhất.
Chấm trắc nghiệm và tự luận cần lưu ý gì?
Ở khâu chấm thi trắc nghiệm, ông Mai Văn Trinh lưu ý các hội đồng thi cần bảo đảm tuyệt đối an toàn kho lưu trữ bài thi. Bài thi phải để trong tủ có khóa, niêm phong, khóa phòng chấm thi cũng niêm phong, có công an túc trực. Bảo đảm ngăn cách tuyệt đối khu vực làm phách với khu vực chấm thi.
Cũng cần chú ý khâu sửa lỗi. Khi xử lý lỗi cần chú ý xử lý thông tin liên quan đến thí sinh và lỗi về bài làm của thí sinh. Phải quét bài thi trắc nghiệm theo từng túi bài thi.
Về chấm thi tự luận, cần phải chấm 2 vòng độc lập, tổ chức chấm kiểm tra tối thiểu 5%. Bộ phận làm phách cần chú ý cửa ngăn cách vòng 1 với bên ngoài. Tuyệt đối cách ly khu vực làm phách.
Ông Mai Văn Trinh (giữa) kiểm tra công tác chấm thi. X.K
Cần tổ chức thảo luận đáp án và hướng dẫn chấm cho cả hội đồng. Các tổ có thể thảo luận riêng để thống nhất.
Cần bảo đảm bàn giao bài thi từ tổ thư ký cho trưởng môn, đến tổ trưởng tổ chấm và người chấm phải có bốc thăm bằng phiếu. Khi hết buổi chấm bài, quy trình bàn giao bài thi thực hiện vòng ngược lại.
Vòng 1, cán bộ chấm thi phải chấm trên phiếu, không để lại dấu vết trên bài thí sinh. Chấm vòng 2 cho điểm trên bài thi. Chỉ khi nào thống nhất điểm xong mới ghi vào ô tròn phía trên bài thi. Quá trình chấm cần tiến hành chấm kiểm tra ngay cùng thời điểm chấm, sớm phát hiện sự không “đều tay” của cán bộ chấm thi để có điều chỉnh kịp thời. Cán bộ chấm thi không được đưa lên mạng xã hội nội dung bài làm của thí sinh.
Dùng biện pháp phá sóng
Theo ông Mai Văn Trinh, vì tình hình dịch Covid-19, trong đợt chấm thi này cũng phải đảm bảo các biện pháp phòng chống dịch như cần tổ chức đo thân nhiệt cho các thầy cô tham gia công tác chấm thi, thận trọng nghiêm túc đảm bảo các điều kiện an toàn trong suốt thời gian chấm thi và công bố kết quả.
Để bảo đảm an toàn trong khu vực chấm thi, ông Trinh nhấn mạnh tuyệt đối không cho phép các thầy cô và cán bộ tham gia công tác chấm thi sử dụng điện thoại và các thiết bị trong khu vực chấm thi. Đặc biệt, đối với khu vực chấm tách biệt (xa khu dân cư), khuyến nghị có thể dùng biện pháp phá sóng để đảm bảo an ninh, an toàn.
Ông Mai Văn Trinh (giữa) kiểm tra công tác chấm thi. X.K
Khi kết thúc chấm thi và chuẩn bị công bố kết quả, các hội đồng chấm thi cần cập nhật ngay hệ thống tình trạng thí sinh vắng thi. Phải tuyệt đối đảm bảo an toàn cho bài thi, không để xảy ra gian lận, đặc biệt là gian lận có tổ chức.
Khi chấm thi tốt nghiệp THPT xong, có kết quả cần liên hệ ngay với Bộ GD-ĐT để đối sánh dữ liệu, để công bố kết quả thi trong ngày duy nhất 27.8. Chỉ cung cấp thông tin số báo danh và điểm thi, tuyệt đối không cung cấp họ và tên của thí sinh. Việc cung cấp này là miễn phí.
Theo Đăng Nguyên/TNO
Bình luận (0)