Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Khuyến viết – một giải pháp hỗ trợ công tác khuyến đọc

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện nay công tác khuyến đọc đang ngày càng được tăng cường, tạo thành phong trào nhiều ý nghĩa lan khắp xã hội. Chưa bao giờ như bây giờ, công tác khuyến đọc lại càng cần phải được quan tâm thúc đẩy hơn nữa. Cần lắm những diễn đàn bàn tròn của những người trong cuộc, của những ai tâm huyết với sự nghiệp nâng cao thói quen đọc trong cộng đồng, để cùng thảo luận những giải pháp thiết thực, mang lại hiệu quả cho sự đọc.

Phàm muốn thuyết phục bất kỳ ai thực hiện một điều gì đó, kể cả là trong trường hợp vô vụ lợi với chính người thuyết phục, thì người thuyết phục vẫn hẳn nhiên phải dẫn chứng cho được những ích lợi của hành động đó. Bằng không, nếu chỉ giản đơn rao giảng những lý thuyết suông, sẽ tạo cảm giác sáo rỗng, nhàm chán cho đối phương. Khuyến khích sự đọc cũng là một trường hợp không nằm ngoài định luật đó. Mặc cho chúng ta có hô hào phát động bao nhiêu mà không có những minh chứng sinh động hùng hồn để minh định được sự hữu dụng của việc đọc sách đối với cuộc sống hàng ngày thì thật khó để kêu gọi một người vốn chưa mặn mà với sự đọc sẽ làm bạn cùng việc đọc. 

Trong các tác dụng tích cực mà việc đọc sách mang lại, có thể nói, viết chính là một lợi ích dễ nhận thấy nhất, và ở một góc độ nhất định, cũng là thói quen dễ thực hiện hơn cả. Hành động viết là sự chuyển hóa những gì chúng ta đọc được, tiếp thu được, để “hóa thân” những thông tin, kiến thức vốn dĩ của người khác thành của mình. Cũng như quá trình thức ăn vào cơ thể và chuyển hóa thành các dạng tài nguyên năng lượng, giúp cơ thể duy trì phát triển sự sống, quá trình từ đọc thành viết, sẽ cho thấy sự phát triển năng lực ngôn ngữ của người thực hiện.

Khi chúng ta dễ dàng viết những điều mình nghĩ bằng một lối văn trôi chảy, dễ dàng lập luận chắc chắn những quan điểm mà mình muốn phát biểu, chắc chắn sẽ mang lại cảm giác vô cùng hạnh phúc, thỏa mãn. Nhưng muốn hành văn “nước chảy mây trôi”, muốn có được sự logic của sự viết, rõ ràng chúng ta không còn cách nào khác là tích cực rèn luyện kỹ năng đọc và kỹ năng viết của bản thân. Tất nhiên, ngoại trừ một số người thuở ban đầu, bản năng trời phú đã tỏ ra thiên tài trong việc nói năng viết lách. Những trường hợp đó, kỳ thực cũng khá ít; còn thì, đều do đào luyện công phu mà thành.

Rèn luyện sự viết, trước hết khởi đi từ việc rèn luyện cách giới thiệu lại một ấn phẩm sách báo, hoặc ngắn hơn là một bài viết mà chúng ta vừa đọc. Thao tác này giúp chúng ta tích lũy được những kỹ năng chọn lọc, hệ thống và giảng giải thông tin. Một khi sự viết được nâng cao, chúng ta dần cảm thấy tự tin hơn trong trao đổi, giao tiếp hàng ngày. Và cũng từ đó có thiện cảm hơn, hào hứng hơn với việc đọc. Hành động đọc và viết, có thể hỗ trợ cho nhau, mang lại những thành tựu cho người có công rèn luyện. Vậy nên ra sức khuyến đọc đến đông đảo mọi người, thiết nghĩ cũng nên đồng lòng hợp sức khuyến viết để hiệu quả thêm phần rộng mở.

Trn Xuân Tiến

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)