Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kỉ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6

Tạp Chí Giáo Dục

Tôi học nghề báo

Tác giả trên đường đi tác nghiệp

Tôi tập tành viết lách từ những ngày còn học THCS. Từ những bài viết vô thưởng vô phạt về chuyện có thật cười tít cả mắt, những dòng cảm nhận về thầy cô, về mùa thi, chuyện đuổi bướm hái hoa… của tuổi học trò đến các bài phản ánh tiêu cực trong đời sống. Con đường vào nghề của tôi có ảnh hưởng tích cực từ hai người (tôi tạm gọi như vậy).
Người thứ nhất
Những năm 90, gia đình tôi thuộc diện “đói cơm” nhưng “no chữ” nhất xã. Ba, má tôi có 5 người con, ai nấy cũng đều được cắp sách đến trường với quyết tâm: “Có chết đói cũng cho con đi học”. Hôm ấy có một phóng viên tìm đến cái làng heo hút để viết bài về gương hiếu học của gia đình tôi. Ông ta đến nhà vào buổi sáng, lúc đó chỉ có mình tôi ở nhà. Tôi không ấn tượng lắm với ông, càng khó chịu khi ông ta cứ đi ra, đi vào từ nhà trên đến nhà bếp, từ chuồng heo ra chuồng gà… Mỗi lúc tôi càng sợ vì hỏi gì ông cũng không trả lời mà cứ vặn lại: “Ba má con đâu?”. Tôi đâm bực bội cộng với cảm giác lo sợ bèn chạy ra sau nhà la làng. Nghe tiếng kêu la thất thanh của tôi, khoảng chục người phụ nữ đang dặm lúa liền quẳng mạ băng đồng chạy vào.
Sau một hồi giải thích, ba tôi về. Ba tôi một mực không cho viết bài về gia đình mình với lý do rất đơn giản: “Còn rất nhiều gia đình đáng viết hơn nhiều”.
Đến giờ ba phải đi làm nhưng vị ký giả vẫn chưa chịu về. Những câu chuyện về gia đình, học hành vị ký giả ấy lại “xoay” tôi. Biết gì tôi nói nấy, lúc bấy giờ tôi chưa mường tượng được trong đầu mình như thế nào là một phóng viên (sau này mới nhận ra mình ngốc thật, chỉ vì tò mò muốn biết về nghề báo mà khai tất tần tật và tôi cũng đã học được ở ông ta cái “lì lợm” khi ai đó từ chối phỏng vấn). Lúc ra về, ông quay lại hỏi: “Con có thích làm nhà báo không?”. Tôi im lặng, mắt dõi theo ông ta.
Lên cấp 2, tôi tập tành viết lách, nhiều bài viết lần lượt được đăng tải trên Báo Hoa Học Trò, Mực Tím… Một hôm, trường tôi được đăng cai kỳ thi học sinh giỏi cấp huyện, vô tình tôi gặp lại chú phóng viên ngày nào ngay tại sân trường. Như có một mệnh lệnh từ ai đó, tôi chạy lại nắm tay chú, hỏi: Chú nhớ con không? Nhớ chứ sao không? Nói xong chú ấy quay đi chụp ảnh, bỏ mặc tôi.
Những ngày sau đó, cứ mỗi lần bài tôi được đăng trên Báo Mực Tím là tôi nhận được thư chúc mừng, kèm những lời góp ý, động viên chân thành, bên dưới ký tên D.T.X. Mỗi lần như vậy tôi vui lắm mặc dù không biết người tên D.T.X là ai.
Khi là cậu học sinh THPT, tôi được thầy Bí thư Đoàn trường giao nhiệm vụ làm kỷ yếu của trường nhân dịp15 năm thành lập trường. Lại không hẹn mà gặp, vị ký giả năm nào giờ trông ốm và đen hơn nhiều. Chú tên Xuân, nghe nói cháu làm cuốn kỷ yếu, chú tình nguyện về giúp cháu một tay. Có phải chú là D.T.X.? Tôi hỏi. Chú cười hiền, nói: “Vâng, chú là D.T.X”.
Người thứ hai
Vào đại học, những bài báo của tôi thưa dần, thưa dần. Để có tiền trang trải học phí và sinh hoạt, tôi bắt đầu một công việc mới đó là phục vụ bàn ở nhà hàng sân vườn C.B. Nhà hàng có sự hỗ trợ đắc lực về vốn của tên trùm giang hồ N.C. Một tháng sau, tôi được xếp lịch phục vụ bàn theo chỉ định của “H.P.M”, lúc bấy giờ là tổ trưởng tổ bảo vệ (con rể của N.C). Đúng 10 giờ sáng, một chiếc xe Toyota đỗ xịch trước sân nhà hàng, khoảng chục thanh niên mặt mày bặm trợn bước theo hai cô tiếp tân vào phòng VIP. “H.P.M” bỏ nhỏ vào tai tôi: “Ráng phục vụ mấy anh cho chu đáo”. Năm phút sau, N.C xuất hiện, giúi vào túi áo tôi 4 tờ tiền mệnh giá 100.000 đồng và ra hiệu cho tôi ra ngoài. Bữa tiệc chỉ chớp nhoáng trong vòng 30 phút, khách ra về chỉ còn mình N.C ngồi lại. N.C bảo tôi ngồi và rót rượu mời.
Mở đầu câu chuyện, N.C phán: “Nghe nói con cũng có viết báo”. Dạ, thỉnh thoảng thôi ạ. N.C tiếp: “Làm nghề gì cũng phải có lương tâm mới tồn tại, làm báo dễ bị sa ngã, dính dáng đến pháp luật, sau này có theo nghề thì cũng ráng giữ thân”. Nói xong ông đứng dậy ra về. Tôi chẳng hiểu vì sao N.C lại nói những lời lẽ ấy với mình, có ý gì xấu đây? Sở dĩ chuyện tôi viết báo đến tai mọi người vì anh bạn làm ở tổ tiếp thực là người ở chung nhà trọ. Tin, bài của tôi được đăng ở báo nào, ngày nào là anh bạn ấy đều lên nhà hàng loan tin. Mà ở nhà hàng này, các anh chàng bảo vệ luôn theo dõi chặt chẽ mọi động tĩnh của những vị khách tình nghi… là phóng viên, phục vụ bàn như tôi cũng không ngoại lệ. Thời gian sau, tôi bị quản lý cho nghỉ việc vì lý do “Đưa tin vụ thanh toán giữa đàn em N.C và nhóm giang hồ cho vay nặng lãi ở quận 4 gây ảnh hưởng đến nhà hàng”. Mất việc, tôi chuyển sang đi dạy kèm. Một hôm tôi đi dạy về, cô chủ nhà trọ chuyển mảnh giấy có vài chữ: “8 giờ sáng mai đến nhà hàng gặp chú N.”. Tôi có mặt trước giờ hẹn, N.C đã đến trước tự lúc nào. Cứ tưởng N.C sẽ hỏi tội nhưng không, ông chỉ nói một câu: “Chiều nay con trở lại làm việc, chuyện xảy ra ở nhà hàng là chuyện có thật, nếu con đưa tin sai, nói quá thì lại khác rồi”.
Thời gian sau, tôi thường bị anh em bắt ép phục vụ cho một vị khách nổi tiếng là khó tính, hống hách, hay bắt nạt phục vụ vô cớ. Vị khách ấy là phóng viên của một tờ báo lớn tại TP.HCM. Nhiều lần, tôi được nghe vị khách này gọi điện cho N.C để thông báo rằng: “Em đang ở quán anh N. ơi”. Mỗi lần như vậy, chú N. liền gọi điện chỉ đạo với kế toán hoặc quản lý: “Bàn số… để chú N. lo”.
Đem chuyện N.C nhắn nhủ tôi lúc trước kể cho một vài anh em trong nhà hàng, họ bảo vì N.C rất “điên” với chàng phóng viên khó tính, hay bắt nạt phục vụ đã nhiều lần đến ăn, uống “chùa” lại vòi thêm chút tiền mang về.
Chỉ một thời gian ngắn sau, vị khách khó tính cũng đã sa lưới pháp luật vì dính líu đến vụ án của N.C. Khi ra trường, tôi làm rất nhiều công việc trước khi đến với nghề báo, tôi đều nhớ đến lời dặn của hai người mà tôi đã kể. Từ đó, trong mỗi lần đi viết bài điều tra, dù tính chất của vụ việc đơn giản nhưng có không ít cá nhân, đơn vị gửi phong bì dày cộm để gọi là tiền xăng xe đi lại, tôi đều từ chối.
Trần Tuy An

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)