Bức ảnh hiếm hoi được chụp ở Trường Sa mà Đại tá Trần Xuân Ạp (đứng trước) vẫn còn giữ lại (ảnh nhân vật cung cấp) |
Trở về từ Trường Sa đã gần 40 năm, giờ đây ở vào cái tuổi xưa nay hiếm, ngồi kể lại chuyện xưa về những tháng năm ở nơi đầu sóng ngọn gió, các người lính từng vượt sóng canh giữ Trường Sa, Hoàng Sa vẫn rạo rực như thuở mới đôi mươi.
Đạp sóng giữ biên cương
Chúng tôi tìm đến ngôi nhà nhỏ của Đại tá Trần Xuân Ạp ở phường Hòa Thuận Tây, quận Hải Châu (Đà Nẵng) một ngày đầu tháng 9. Đã hơn 35 năm kể từ ngày xuất ngũ nhưng những ký ức trên đảo Trường Sa vẫn khiến ông bồi hồi. Năm 1975, đơn vị ông thuộc Tiểu đoàn đặc công nước 471, thuộc Quân khu V gồm 36 đồng chí, mặc thường phục, đi tàu không số, phủ lưới đánh cá để ngụy trang, phối hợp cùng Đoàn 126 ở Hải Phòng, lướt sóng tiến công giải phóng quần đảo Trường Sa. Lúc bấy giờ quần đảo Trường Sa có 100 đảo và bãi san hô. Mờ sáng 14-4-1975, đơn vị bí mật đổ bộ lên đảo Song Tử Tây, tiếp cận vị trí đóng quân của địch. Trời vừa sáng tỏ, tiếng súng tiến công đã vang dội khắp bốn phía, quân địch rơi vào thế bị động bỏ chạy nháo nhào. Chưa đầy 20 phút, trận đánh đầu tiên thắng lợi thuộc về ta hoàn toàn. Ông Ạp kể: “Chỉ trong vòng nửa tháng (14 đến 29-4), lực lượng của bộ đội ta đã giải phóng hoàn toàn Trường Sa. Còn nhớ ngày 25-4, quân ta giải phóng đảo Nam Yết, nơi có sở chỉ huy quân địch, tiêu diệt và bắt sống hơn 50 tên địch. Sau khi anh em chúng tôi giải phóng đảo Nam Yết, phía địch thường đánh lạc hướng, thăm dò ta bằng những chiếc tàu trang bị thật lạ chuyên thả pháo tự hủy cứ quần đi quần lại thu hút sự chú ý của quân ta. Anh em chúng tôi vẫn hết sức bình tĩnh, phân tích tình hình không để bị chúng lừa. Hai tuần bám trụ lại trên đảo không có một bóng cây xanh, nhìn đâu cũng toàn cây bụi và cỏ dại, nắng chói cả mắt. Cực nhất là khan hiếm nước ngọt. Chúng tôi phải dùng áo mưa hứng nước mưa để tồn tại qua ngày chờ đồng đội tiếp viện”.
Đối với những người một thời từng là nhân viên đài khí tượng thủy văn, kỉ niệm về những ngày làm công việc thả bóng thám không trên bầu trời biển đảo Trường Sa lại càng khó quên. Ở vào tuổi 84, cụ Trần Huynh ở thôn Dương Lâm, xã Hòa Phong, huyện Hòa Vang (Đà Nẵng) trí nhớ tuy đã có phần giảm sút, nhưng nhắc đến Hoàng Sa đôi mắt ông vẫn rạng ngời. Ông Huynh hào sảng nói: “Tui vinh dự được nhiều lần đặt chân lên đảo Hoàng Sa từ những năm 1964-1968. Hồi đó, tui là nhân viên của Ty khí tượng Đà Nẵng, làm nhiệm vụ tại Trạm quan trắc khí tượng trên đảo Hoàng Sa. Một năm tui ra đảo 3 lần, mỗi lần 3 tháng. Mỗi ngày 2 lần, tôi thả bóng thám không trên đảo để đo thời tiết vào lúc 6 giờ sáng và 15 giờ chiều. Lúc rảnh rỗi, anh em rủ nhau ra bờ đảo ngồi câu cá, rồi trồng rau, chăn nuôi thêm để cải thiện bữa ăn”.
Mong một ngày về lại
|
Lật giở từng trang kí ức, kỉ niệm về những ngày tháng giữa biển đảo quê hương đầy gian nan vất vả nhưng rất đỗi hào hùng. Vào những ngày biển động, từng con sóng cuộn cao hàng chục mét, các chiến sĩ tay cầm súng, lênh đênh trên mặt biển giữ từng tấc đất, tấc biển. Còn nhân viên Đài nha khí tượng nhẫn nại thả bóng thám không đo sóng, đo gió… xung quanh bốn bề là biển nước nhưng cổ họng rát khô vì thiếu nước ngọt. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đã nói lên phần nào sự hi sinh của họ. Trở về từ Trường Sa đã 37 năm, ngày ngày Đại tá Trần Xuân Ạp vẫn dành chút thời gian sau giờ nghỉ cuối ngày tản bộ ra dọc bãi biển Đà Nẵng. Mỗi lúc như thế ông đều trầm tư: “Chiến tranh gian khổ, người lính xung phong nơi đầu sóng ngọn gió lại càng khổ gấp bội phần. Khổ nhưng nhớ. Nhớ lắm. Cận kề hiểm nguy, đồng đội càng gắn bó với nhau hơn bao giờ hết. Biển đảo trong kí ức những người lính như chúng tôi là quê hương, là máu thịt đồng đội hòa vào mang nguồn sống, sự bình yên cho quê hương”. Còn ông Trần Huynh lại bảo: “Mỗi nghề đều có niềm tự hào về sự hữu ích mình mang lại cho cộng đồng. Đối với người lính thủy văn trên biển, họ không chỉ là nhân viên làm công việc đo sóng, đếm gió mà còn như một người lính. Sẵn sàng xông pha kể cả lúc biển nổi sóng giận dữ và cả khi giặc ào đến. Ở bất cứ hoàn cảnh nào, người ở lại canh giữ Trường Sa, Hoàng Sa đều mang trong mình bản chất kiên cường của người lính”.
Trong cái yên ả của buổi chiều tà, những người lính từng một thời vào sinh ra tử canh giữ biển đảo siết chặt tay nhau. Năm tháng đi qua, dấu thời gian in hằn lên từng nếp nhăn của gương mặt nhưng nhắc đến Trường Sa, Hoàng Sa mặt họ sáng bừng. Nhắc đến sức khỏe ai cũng bảo không hề gì, chỉ mong một lần được về lại biển đảo để thức trọn đêm cùng đồng đội đã xả thân mình, ngã xuống vì quê hương, để nghe dư vị mặn mòi của biển cả len lỏi theo bước chân tuần tra và cả những chiếc bóng thám không tung bay trên bầu trời buổi sớm mai.
Bài, ảnh: hàn giang
Bình luận (0)