Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch 5B khát vọng đến với vùng sâu, vùng xa

Tạp Chí Giáo Dục

Để đề án đưa kịch về vùng sâu, vùng xa đi vào thực tế, rất cần sự tiếp sức của nhà nước và phối hợp của nhiều đơn vị

Đề án hoạt động lưu diễn, đưa các vở của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM – còn gọi là Nhà hát Kịch 5B – đến với người dân vùng sâu, vùng xa đã nhận được sự đồng tình của đông đảo khán giả, giới chuyên môn và nghệ sĩ.

Cần được hà hơi, tiếp sức

Sau buổi gặp gỡ văn nghệ sĩ tiêu biểu do Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức mới đây, dư luận trong giới sân khấu rất quan tâm đến mô hình đưa kịch về vùng sâu, vùng xa của NSƯT Mỹ Uyên, Giám đốc Nhà hát Kịch 5B.

Trong buổi gặp gỡ này, NSƯT Mỹ Uyên đã nêu lên những khó khăn của sân khấu TP HCM. Theo đó, lượng khán giả của sân khấu kịch ngày càng giảm sút trước sự phát triển của mạng xã hội và các loại hình nghệ thuật như phim điện ảnh, game show, truyền hình thực tế… Dù vậy, nhiều nghệ sĩ vẫn giữ bầu nhiệt huyết, chấp nhận khó khăn để trụ lại với nghề.

NSƯT Mỹ Uyên kiến nghị lãnh đạo TP HCM hỗ trợ các sân khấu kịch xã hội hóa ở thành phố có nguồn kinh phí nhất định. "Nhà hát Kịch 5B sẽ dùng nguồn kinh phí này để đưa các vở diễn đến vùng sâu, vùng xa phục vụ khán giả. Bản thân tôi đi xin doanh nghiệp tài trợ cũng rất khó khăn. Có lúc tôi đã bỏ tiền túi duy trì hoạt động sân khấu nhưng chỉ trong giới hạn. Vì vậy, chúng tôi mong được lãnh đạo thành phố hỗ trợ" – NSƯT Mỹ Uyên bày tỏ.

Kịch 5B khát vọng đến với vùng sâu, vùng xa - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Chùm kịch ngắn” của Nhà hát Kịch Sân khấu nhỏ TP HCM. Ảnh: Thanh Hiệp

Thực tế thời gian qua, Nhà hát Kịch 5B đã tổ chức nhiều buổi biểu diễn rất thành công tại các quận, huyện của TP HCM trước khi dịch bệnh xảy ra. Các vở đều thu hút được sự quan tâm của đông đảo khán giả.

Theo NSND Trần Minh Ngọc – người dàn dựng vở "Dấu xưa", nằm trong đề án đưa kịch đến các địa phương vùng ven – việc Kịch 5B đề xuất lãnh đạo TP HCM đầu tư kinh phí để quảng bá tác phẩm mang tính giáo dục cao đã tạo sự chú ý của dư luận.

"Trước đây, mô hình này đạt hiệu quả tốt trong việc tổ chức quảng bá các vở kịch hưởng ứng phong trào học tập và làm theo gương Bác. Đề án mới của năm 2022 là Kịch 5B sẽ đưa nhiều vở tâm lý xã hội, mang ý nghĩa giáo dục sâu sắc, được dàn dựng công phu đến vùng sâu, vùng xa. Với đề án đưa kịch về vùng sâu, vùng xa, Kịch 5B là đơn vị tiên phong thực hiện nên rất cần được hà hơi, tiếp sức để duy trì hiệu quả" – NSND Trần Minh Ngọc nhấn mạnh.

Hướng đi cần thiết

Đúng như tâm sự của NSƯT Mỹ Uyên, hiện nay, nhiều sân khấu ở TP HCM đều hoạt động theo mô hình xã hội hóa, duy nhất chỉ Nhà hát Kịch 5B là đơn vị công lập nên việc cố gắng bán từng chiếc vé để sàn diễn sáng đèn là nỗi lo hiện nay.

NSƯT Mỹ Uyên mong nhận được sự quan tâm đầu tư, dù ít hay nhiều cũng nên có, không phải cho nghệ sĩ mà là để người dân được thưởng thức những vở diễn ý nghĩa, mang tính thời sự, giáo dục nhưng không kém phần giải trí. Thực tế, rất đông khán giả vùng sâu, vùng xa chưa bao giờ được xem biểu diễn trực tiếp và tiếp cận với sân khấu kịch. Việc đưa đoàn đi phục vụ người dân ngoại thành, vùng sâu, vùng xa với sự hỗ trợ của nhà nước là một hướng đi cần thiết.

NSƯT Lê Thiện cho rằng lời kêu gọi của Kịch 5B không chỉ dành riêng cho Sân khấu nhỏ – đơn vị nghệ thuật trực thuộc sự quản lý của Hội Sân khấu TP HCM – mà còn cho các sân khấu xã hội hóa khác đang gặp muôn vàn khó khăn. "Việc lắng nghe để tìm hướng gỡ khó, tháo những vướng mắc cho sàn diễn có thể sáng đèn và hoạt động hiệu quả rất cần có chiến lược. Trước hết là sự đồng hành để đưa đề án này đi vào thực tiễn" – NSƯT Lê Thiện mong mỏi.

Theo NSƯT Ca Lê Hồng, lâu nay, hầu hết các hoạt động văn hóa – nghệ thuật chỉ tập trung ở khu vực trung tâm thành phố. Trong khi người dân ở vùng sâu, vùng xa rất cần hưởng thụ văn hóa – nghệ thuật thì người làm sân khấu thường có tâm lý "diễn ngoại thành là phục vụ", có sẵn vở nào thì "đãi" vở đó, nên chất lượng không cao.

"Cần nhất là việc khảo sát trước khi mang vở đến vùng sâu, vùng xa. Ngoài yếu tố ngôi sao, kịch bản cần đáp ứng những vấn đề người dân quan tâm" – NSƯT Ca Lê Hồng nhận định.

NSƯT Hữu Quốc, người dàn dựng nhiều vở của Kịch 5B, cũng bày tỏ khát vọng được cống hiến, đồng hành với dự án này để đưa sản phẩm tinh thần đến với khán giả ở nhiều địa phương. Hầu hết các diễn viên của Kịch 5B đều trông chờ đề án này được đưa vào hoạt động, để lan tỏa cho người xem đến tìm những nét đẹp văn hóa – nghệ thuật thông qua các vở diễn đã được giới chuyên môn đánh giá cao.

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM, bên cạnh giải pháp của ngành chức năng, sự phối hợp, kết hợp với các địa phương trong việc tổ chức, tuyên truyền đề án đưa kịch đến khán giả vùng sâu, vùng xa cũng đóng góp một phần quan trọng. Trong đó, rất cần cổ động, tuyên truyền trực quan bằng nhiều kênh thông tin khác nhau. Nghệ sĩ tham gia biểu diễn cần có sự tương tác trên mạng xã hội để quảng bá suất diễn, vở diễn với địa phương. Bên cạnh việc phục vụ khán giả, các bên còn cần phải tổ chức giao lưu, trò chuyện, tìm hiểu sâu về tác phẩm, gặp gỡ nghệ sĩ, đạo diễn…

Theo NSND Trần Ngọc Giàu, không chỉ Kịch 5B mà đề án này còn cần sự phối hợp của các đoàn nghệ thuật xã hội hóa. “Bên cạnh các vở diễn vừa tham gia Liên hoan Sân khấu kịch nói toàn quốc tại TP HCM, cần đầu tư vở mới; tạo điều kiện cho diễn viên trẻ phát huy sáng tạo và có sự hỗ trợ của nhiều nghệ sĩ ngôi sao của các sân khấu “thương hiệu” nhằm thu hút khán giả vùng sâu, vùng xa. Từ đó mới khẳng định được tính hiệu quả của đề án đối với đời sống văn hóa tinh thần của người dân nơi đây” – ông nhìn nhận.
Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)