Khoảng thời gian nghỉ hè luôn là “thời điểm vàng” để không ít sinh viên nghèo ở tỉnh nán lại thành phố tìm việc làm thêm mưu sinh kiếm tiền. Thông thường thì dịch vụ cung ứng việc làm hè cho học sinh, sinh viên luôn bung ra rầm rộ với các lời quảng cáo đường mật đại loại như: việc nhẹ, lương cao, thời gian ít… Tại các nhà chờ, trạm trung chuyển xe buýt, cổng các trường, các khu ký túc xá… rất nhiều tờ rơi với nhiều kích cỡ, màu sắc được dán nhan nhản. Nội dung thông tin trên các tờ quảng cáo ấy đều na ná giống nhau với nội dung tuyển sinh viên, học sinh làm thêm dịp nghỉ hè. Nắm bắt tâm lý của nhiều sinh viên muốn có việc làm thêm hè, nên trong những năm gần đây có rất nhiều loại hình dịch vụ của cả tư nhân cũng như tập thể bung ra làm ăn trong lĩnh vực môi giới việc làm.
Thực ra, không phải cứ môi giới việc làm là “xấu”, là “không đáng tin cậy”, hay “mất tiền oan”…, mà trên thực tế cũng có không ít sinh viên thực sự kiếm được việc làm với thu nhập khá thông qua các trung tâm môi giới. Thế nhưng, công bằng mà nói thì ngoài con số ít ỏi về các trung tâm môi giới việc làm thực sự có uy tín, làm ăn nghiêm túc ra thì cũng có không ít các trung tâm môi giới luôn có tư tưởng lừa đảo sinh viên để kiếm tiền. Trên địa bàn TP.HCM hiện tại thì các trung tâm giới thiệu việc làm theo kiểu lừa đảo như vậy rất nhiều và trải đều khắp các nơi. Có một thời gian, nội dung thông tin tuyển dụng việc làm trên các tờ rơi quảng cáo đi dán lung tung là chỉ tuyển những học sinh, sinh viên dưới 19 tuổi – nghĩa chủ yếu họ vừa bước vào năm thứ nhất đại học. Phải chăng họ còn trẻ, chưa va vấp nên dễ lừa (?!).
Lướt qua những dòng thông tin quảng cáo dán để tìm kiếm sinh viên làm hè năm nay tôi thấy cách “lừa đảo” của các trung tâm môi giới việc làm đã khác nhiều so với năm trước khi họ chỉ “thông báo với nội dung ngắn gọn na ná giống nhau là: “Tuyển sinh viên làm hè với mức lương từ 4-5 triệu đồng. Liên hệ ĐT: 098…”, hay: “Việc làm hè hấp dẫn với mức lương tuyệt vời, liên hệ: 0906…”…
Trong vai một sinh viên đi tìm việc làm cho dịp hè sắp tới, tôi điện thoại cho một số máy trên tờ rơi quảng cáo dán tại một trạm buýt, thì một giọng nam còn trẻ hẹn tôi để “phỏng vấn”. Khi gặp… người đàn ông đó tại một văn phòng thuê mướn trong một con hẻm ở khu trung tâm thành phố, tôi mới biết “cậu ta” còn quá trẻ, mà tôi đoán chỉ là sinh viên năm thứ 3, thứ 4 gì đó… (?!). Ngồi nói chuyện một lát tôi nhận được thông tin là trung tâm không thu tiền môi giới mà chỉ “giúp” sinh viên kiếm việc… miễn phí. Rồi cậu ta thông báo để tôi nắm được, đó là muốn xin việc gì thì mua một bộ hồ sơ tại trung tâm với giá 50.000 đồng và khi nộp thì kèm theo 50.000 tiền lệ phí! Tôi cứ tưởng “miễn phí” hoàn toàn, nào ngờ với 50.000 đồng bộ hồ sơ, cộng với 50.000 đồng tiền phí mà theo giải thích của họ là tiền chi trả cho nhân viên văn phòng công ty, vị chi một sinh viên tới trung tâm cũng bắt buộc phải móc hầu bao là: 100.000 đồng. Chẳng biết có xin được việc hay không, cứ sinh viên nào tới “gõ cửa” trung tâm này là mất ngần ấy tiền, và thử hỏi với nội dung quảng cáo đầy sức hấp dẫn bằng mức lương “ngất trời” là 5-7 triệu đồng/tháng thì số sinh viên lao đến đây và rồi phải đóng tiền “một chút” sẽ là rất nhiều, và nhiều nhỏ góp lại thành to, trung tâm sẽ thực sự hưởng trọn…
Đó là các trung tâm việc… lừa theo kiểu “miễn phí”, còn có khá nhiều trung tâm lừa theo hình thức là bắt buộc sinh viên phải đóng tiền đặt cọc, hoặc không phải đóng tiền đặt cọc thì khi xin được việc làm là phải khấu trừ 1/3 lương của tháng đầu. Với cách kiếm việc theo hình thức thứ hai này thì cơ hội có việc làm là khả dĩ, nhưng số tiền bị mất sẽ là rất lớn đối với sinh viên, khi có thể người xin việc sẽ hao hụt tới vài, ba trăm ngàn, thậm chí gần triệu đồng là thường tình. Cụ thể, có trung tâm bắt sinh viên nộp 500.000 đồng tiền đặt cọc để xin việc làm với giao kèo, là bạn sinh viên ấy sẽ mất một nửa nếu như nơi nhận thử việc trong khoảng thời gian 1 tuần không nhận vào làm nữa. Với chiêu trò này thực ra là quá cũ với những sinh viên năm thứ 2, thứ 3 rồi, nhưng sinh viên năm nhất vẫn mắc mưu khá nhiều. Vì bản chất của các trung tâm là lừa đảo, nên theo “kịch bản”, khi giới thiệu nơi thử việc cho sinh viên thì họ đã ngầm “thông đồng” với nơi nhận sinh viên thử việc là… không nhận người sau thời gian thử việc, để họ được một nửa tiền đặt cọc, và nơi cho sinh viên thử việc 1 tuần cũng không phải trả lương (Trong hợp đồng thử việc là không có lương)…
Cách lừa đảo sinh viên đi kiếm việc làm thêm của các trung tâm ngày càng tinh vi, xảo trá, vì vậy những bạn sinh viên có nhu cầu nán lại làm hè hãy thật thận trọng cảnh giác kẻo lại mắc mưu. Hãy tìm cơ hội tại các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín, hay một số trung tâm của Thành đoàn… Nếu không bạn có thể trực tiếp đi xin việc làm tại các cửa hàng, quán xá, nơi cần người mà không cần qua trung gian môi giới. Nếu phát hiện và biết mánh khóe lừa đảo của một trung tâm giới thiệu việc làm nào đó thì cũng nên thông tin, cảnh giới bạn bè để họ không bị mắc lừa…
Đặng Đức (TP.HCM)
Bình luận (0)