Lâu nay chúng ta bàn nhiều về kịch bản đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục nhưng dường như càng đổi mới chúng ta lại phân thêm vai cho giáo viên (GV), buộc chặt họ với ma trận khối lượng công việc hồ sơ, sổ sách thay vì giải phóng họ khỏi “vai diễn” đối phó với các đoàn thanh – kiểm tra giáo dục.
Một tiết dạy học môn toán bằng giáo án điện tử tại Trường THCS-THPT Lương Thế Vinh (Q.1). Ảnh: ANH KHÔI |
Liệu kịch bản đổi mới giáo dục trong những năm tiếp theo có thể thu được thắng lợi to lớn nếu GV không được thay đổi “vai diễn” để dành thời gian đầu tư bài giảng, để tư vấn, hỗ trợ và bồi dưỡng cho học sinh, hay đơn giản để tự học tập nâng cao nghiệp vụ chuyên môn cho bản thân.
Ứng dụng CNTT… theo kiểu nửa vời!
Đổi mới giáo dục không nhất thiết phải chờ đến những dự án tiền tỉ mà cần thay đổi từ cách thức điều hành và quản lí hiệu quả của hệ thống giáo dục hiện nay của chúng ta. |
Những tưởng khi Bộ GD-ĐT ban hành Chỉ thị 29/2001/CT-BGD&ĐT về việc tăng cường ứng dụng CNTT trong đào tạo sẽ giúp giảm tải công việc cho GV và thông qua đó sẽ tác động mạnh mẽ, làm thay đổi phương pháp, phương thức dạy và học. Nhưng sau hơn 10 năm thực hiện, kết quả thu được hầu như chỉ là kiểu cách đối phó qua loa, chiếu lệ! Nguyên nhân có thể có nhiều nhưng trên hết là do sự thiếu giám sát, đôn đốc, kiểm tra của các cơ quan chủ quản giáo dục từ Trung ương đến địa phương. Hiện nay, nhiều trường trên cả nước quy định bắt buộc GV xây dựng bài giảng, giáo án điện tử với thời lượng giảng dạy cho từng tiết học theo phân phối chương trình nhưng không bãi bỏ quy định trước đó về việc thực hiện giáo án viết tay hoặc in trên giấy. Do chưa có hướng dẫn nên GV phải làm song song hai phương thức: Giáo án, bài giảng điện tử và giáo án, bài giảng viết tay hoặc đánh máy in ra giấy chỉ để phục vụ cho thanh tra chuyên môn. Thử hỏi GV có thể làm tốt một lúc hai kế hoạch, hai phương thức cho một tiết giảng, hay đơn giản họ chỉ làm cả hai với mức hoàn thiện đều sơ sài và sao chép lẫn nhau là chính. Vô hình trung, một công cụ có triển vọng to lớn như CNTT trong việc đổi mới các phương pháp và hình thức dạy học lại không được thực hiện một cách quyết liệt, triệt để, dẫn đến học sinh không được học theo cách tiếp cận kiến tạo, học tập dự án, học tập giải quyết vấn đề… trên nền tảng công nghệ đa phương tiện như các nước tiên tiến đã và đang áp dụng. Tôi thật bất ngờ xen lẫn khó hiểu khi biết một GV phổ thông để vào một cột điểm cho học sinh phải làm 3 loại sổ sách khác nhau: Lần 1 trên sổ điểm cá nhân, lần 2 trên danh sách vào điểm in sẵn của nhà trường và cuối cùng phải nhập điểm vào Excel để gửi bộ phận chuyên môn của trường! Nhiều người thắc mắc tại sao các trường không sử dụng trực tiếp kết quả điểm từ bảng điểm Excel của GV để tiết kiệm thời gian và công sức cho họ. Để tháo gỡ những bất cập từ việc rất nhỏ này phải thụ động chờ sự “phân vai” lại trong quản lí điều hành hoạt động của một cơ sở giáo dục.
Sinh hoạt chuyên môn… nặng hình thức
Đưa tiêu chí áp dụng CNTT trong giảng dạy để đánh giá GV Với mô hình quản lí hiện nay, hiệu trưởng các trường tiểu học, THCS và THPT chỉ thực hiện nhiệm vụ truyền đạt lại chỉ đạo của các phòng GD-ĐT và phòng chuyên môn thuộc Sở GD-ĐT là chính! Vậy liệu chúng ta trông chờ được gì từ những thế hệ học sinh khi mà GV còn đang buộc chặt trong quy định của nhiều thập niên trước! Để làm được điều này đòi hỏi bên cạnh việc kêu gọi, khuyến khích ứng dụng CNTT còn phải đưa tiêu chí áp dụng CNTT trong giảng dạy và đào tạo thành bộ tiêu chí đánh giá GV và đội ngũ quản lí các trường ở bậc phổ thông. Nói cách khác khó có thể đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy học, khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện thành nếp tư duy sáng tạo của người học nếu không áp dụng CNTT trong dạy và học một cách triệt để. |
Hiện nay giữa các trường có phong trào sinh hoạt chuyên môn cụm do sở hoặc phòng đứng ra tổ chức nhưng xem ra việc giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy này như một kịch bản định sẵn đến hẹn lại lên theo yêu cầu của phòng, sở mà thôi! Để chuẩn bị cho công tác sinh hoạt chuyên môn cụm thì một tổ chuyên môn của trường phải đề cử GV và chọn học sinh của chính GV đó giảng đi giảng lại một tiết trong chương trình trước tổ chuyên môn của trường và sau đó… diễn thêm một lần với sự tham gia của các tổ chuyên môn cùng cụm của các trường khác. Thậm chí một số trường khi được chỉ định làm địa điểm sinh hoạt chuyên môn cụm đã triệu hợp một lớp mới toàn học sinh khá giỏi trong khối để “dặn dò” các câu hỏi của GV trước khi thao giảng! Với cách thực hiện như trên trong thời gian qua thì việc duy trì sinh hoạt cụm chỉ có tính chất diễn kịch, không thực chất, dẫn đến tốn kém và mất thời gian của GV. Theo tôi, nên chăng các sở, phòng nên chọn một lớp bất kì theo thời khóa biểu của một trường và mời GV của trường khác có nghiệp vụ chuyên môn tốt đến đứng lớp thì việc sinh hoạt chuyên môn mới đúng nghĩa thực sự, góp phần thực chất cho buổi họp chuyên môn từ chính yêu cầu của thực tiễn giảng dạy, chứ không phải từ kịch bản định sẵn như trước đây. Sinh hoạt chuyên môn đã thế còn công tác bồi dưỡng GV vẫn không hơn gì vì mục tiêu… đối phó là chính. Các sở chưa công khai quản trị tài chính cho công tác bồi dưỡng thường xuyên và định kì theo chu kì 4 năm một lần cho các trường để từng đơn vị chủ động trong việc thực hiện mời giảng viên bồi dưỡng thường xuyên cho GV theo quy định của Thông tư 26 do Bộ GD-ĐT ban hành, gồm 30 tiết chuyên môn và 60 tiết tự chọn để cập nhật về kiến thức văn hóa, kinh tế, và xã hội. Đa phần GV các trường tự làm cho có và gửi danh sách cho sở để công nhận. Thậm chí ở một số địa phương, công tác bồi dưỡng định kì không thường xuyên theo chu kì 4 năm còn chưa đi vào thực chất, gây lãng phí lớn và thiếu hiệu quả.
Thiết nghĩ đã đến lúc Bộ GD-ĐT giao cho các trường tự chủ trong việc xây dựng kế hoạch, phương thức và kịch bản dạy học cho từng năm học và trên cơ sở đó các phòng, sở tiến hành kiểm tra, đôn đốc và điều chỉnh hoạt động của nhà trường. Đây sẽ là chìa khóa kích thích lối dạy học sáng tạo và hiệu quả từ chính những người được mệnh danh là “kỹ sư tâm hồn” của học sinh!
ThS.Trần Tín Nghị
Bình luận (0)