Hội nhậpThế giới 24h

Kích cầu tiêu dùng trong văn hóa và du lịch

Tạp Chí Giáo Dục

Khi dữ liệu chính thức từ các cuộc khảo sát gần đây cho thấy, động lực tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc không còn đến từ nhiều trụ cột lớn như những năm trước, chính phủ nước này liên tục tung ra các chiến dịch thúc đẩy tiêu dùng trong mọi lĩnh vực nhằm hạn chế những cú sốc từ xuất khẩu suy giảm.

Du khách trên một con phố mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Du khách trên một con phố mua sắm ở Bắc Kinh. Ảnh: Reuters

Theo thông tư của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc vừa công bố, các cơ quan hành chính về văn hóa và du lịch trên cả nước được yêu cầu phối hợp với các thể chế tài chính, các nền tảng thương mại điện tử, các nền tảng truyền thông mới và nhiều tổ chức khác để tổ chức một loạt hoạt động kích cầu tiêu dùng trong lĩnh vực văn hóa và du lịch. Thông tư cũng kêu gọi tăng cường các hoạt động như tổ

chức hòa nhạc, liên hoan âm nhạc và triển lãm. Chương trình khuyến khích tiêu dùng này sẽ kéo dài đến cuối năm 2023, mục đích đảm bảo lợi ích, thực thi các biện pháp nhằm hỗ trợ người tiêu dùng và giải quyết những khó khăn mà các doanh nghiệp nhỏ và vừa đang phải đối mặt.

Triển vọng kinh tế Trung Quốc đã chứng kiến thêm điểm sáng khi chỉ số của ngành dịch vụ nước này tăng lên mức 54,4 điểm, từ mức 41,6 điểm trong tháng 12-2022. Gần đây, các kết quả khảo sát đã xác định mức tăng trưởng mạnh nhất đến từ các ngành dịch vụ như nhà hàng, quán bar và du lịch. Thực tế cho thấy, du lịch nội địa là một trong những lĩnh vực phục hồi đầu tiên. Lượng du khách đến các địa danh du lịch về nguồn đã tăng 40% so với năm 2022. Tỉnh Hắc Long Giang có kế hoạch phát hành phiếu giảm giá trị giá 600 triệu nhân dân tệ (khoảng 86,26 triệu USD) để thúc đẩy du lịch băng tuyết ở địa phương, trong khi tỉnh Cam Túc tăng cường quảng bá nông sản để thúc đẩy tiêu dùng…

Trong tuần này, Trung Quốc đã tổ chức hội chợ tiêu dùng lớn nhất tại đảo Hải Nam rợp bóng cọ mà các chương trình quảng bá gọi là “Hawaii của Trung Quốc”, là thiên đường mua sắm với 3.100 thương hiệu từ 65 quốc gia tại các trung tâm mua sắm miễn thuế… Tháng trước, chính quyền đảo Hải Nam cũng đã ban hành miễn thị thực cho khách du lịch, kinh doanh từ 59 quốc gia và có nhiều nguồn tin cho rằng có vẻ toàn bộ tỉnh thành này sẽ trở thành một trung tâm miễn thuế vào năm 2025.

Theo Nikkei Asia, tầng lớp trung lưu khổng lồ của Trung Quốc hiện nay ước tính khoảng 400 triệu người. Ông James Ye, Chủ tịch Tiếp thị của Charoen Pokphand Group, một tập đoàn Thái Lan chuyên bán các sản phẩm gia cầm và hải sản, cho biết, người tiêu dùng Trung Quốc đang bắt kịp các nền kinh tế phát triển nhờ thu nhập ngày càng tăng.

Tập đoàn này đang tăng gấp đôi hoạt động kinh doanh tại Trung Quốc bằng cách tăng cường các loại đồ uống, bao gồm cả cà phê và rượu vang.

Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khác đã nhìn thấy tiềm năng này, chẳng hạn như các công ty Mỹ, từ đồ ăn nhanh đến thời trang xa xỉ và đã có chiến lược tăng sự hiện diện, nhằm tận dụng làn sóng mua sắm diễn ra tại đây. McDonald's và Starbucks sắp mở thêm hàng trăm cửa hàng mới tại Trung Quốc. Các hãng bán lẻ Ralph Lauren và Tapestry chuẩn bị ra mắt các cơ sở mới…

Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều người Trung Quốc thận trọng, không chi tiêu mạnh tay cho các dịch vụ giải trí, văn hóa, du lịch… vì chưa tự tin về triển vọng việc làm và thu nhập. Hiện giới chuyên gia vẫn thận trọng đánh giá triển vọng các chính sách khuyến khích tiêu dùng trong lĩnh vực văn hóa và du lịch trở thành trụ cột vững chắc, đáng tin cậy của nền kinh tế thứ 2 thế giới này.

Theo Hạnh Chi/SGGPO

 

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)