Hội nhậpGiáo dục khắp nơi

“Kích cầu” trong giáo dục đại học CHLB Nga

Tạp Chí Giáo Dục

Một trong những giờ học của sinh viên Nga

Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Giáo dục và Khoa học Nga vừa thực hiện hàng loạt biện pháp cứu trợ trong lĩnh vực giáo dục đại học tự túc (Ở Nga tồn tại 2 hình thức GD: GD theo ngân sách nhà nước và GD tự túc- tự trả tiền-ND). Theo báo "Kommersant" thì Chính phủ Nga sẽ đảm bảo duy trì những suất học bổng theo ngân sách nhà nước, ngoài ra sẽ có chính sách hỗ trợ cho GD tự túc trong các trường ĐH.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Khoa học Nga A.Furshenko vừa thông báo với "Kommersant" rằng Bộ sẽ xét chuyển những sinh viên có thành tích học tập xuất sắc và những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn từ hệ tự túc sang hệ theo ngân sách nhà nước. Những sinh viên này sẽ thay thế vị trí của những sinh viên đang học theo hệ ngân sách nhưng bị "loại" bởi không hoàn thành nhiệm vụ học tập. Theo lời Bộ trưởng A.Furshenko thì số sinh viên học theo hệ sử dụng ngân sách nhà nước ở Nga sẽ không giảm trong năm nay. Con số này luôn được giữ theo tỷ lệ 55% tổng số sinh viên ở Nga. Theo "Kommersant", trong bối cảnh đời sống kinh tế khó khăn do khủng hoảng rất nhiều sinh viên học theo hệ tự túc ở hàng loạt các trường đại học có nguy cơ phải nghỉ học vì thiếu kinh phí.

Chương trình "kích cầu" trong giáo dục ở Nga còn được thể hiện trên lĩnh vực tín dụng ưu đãi dành cho sinh viên. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng tài chính đang có nguy cơ làm phá sản hàng loạt các ngân hàng cho sinh viên của các trường đại học hàng đầu ở Nga vay vốn. Kể từ năm 2004, 5000 sinh viên từ ĐHTH Moskva (MGU), ĐHTH Saint- Petergsburg, Trường Kinh tế Cao cấp, Học viện Plekhanov đã nhận được khoản vay ưu đãi nhằm phục vụ cho việc học tập. Tuy nhiên, đến cuối năm ngoái, các ngân hàng phải dừng hoạt động cho vay và đến năm 2009 thì vấn đề này vẫn còn là câu hỏi còn để ngỏ.

Theo lời Bộ trưởng A.Furshenko thì chương trình cho sinh viên vay tín dụng ưu đãi sẽ được chuyển cho những ngân hàng lớn, có uy tín như Ngân hàng Tiết kiệm hay VTB 24 chẳng hạn. Hiện tại, Bộ Giáo dục và Khoa học đang lúng túng không biết có nên mở rộng chương trình cho vay ưu đãi đối với sinh viên hay không? Tuy nhiên, Bộ trưởng A.Furshenko hứa rằng, những sinh viên đã nhận được khoản vay ưu đãi "Kredo" sẽ được vay tiếp đến khi hoàn thành khóa học.

Hội đồng Hiệu trưởng các trường ĐH dự báo rằng năm 2009, doanh số thu nhập của các trường ĐH ở Nga từ hệ tự túc có thể bị giảm tới 25%. Nguyên nhân dẫn đến hiện tượng này phần nhiều là do các ngành nghề thuộc thị trường tiêu thụ giảm mạnh- hậu quả của khủng hoảng kinh tế. Nên nhớ, phí đào tạo tại các trường ĐH ở tỉnh lẻ dao động từ 1,5 đến 3 ngàn USD/năm, tại các trường ở thủ đô có khi lên tới 10 ngàn USD/năm. Để duy trì số lượng sinh viên theo học tự túc, các hiệu trưởng đã đưa nhiều biện pháp khác nhau. Hiệu trưởng MGU Victor Sadovnichy ủng hộ ý tưởng tăng học phí với những chuyên ngành "hot" trong đào tạo đại học. GS Sadovnichy khẳng định: "Từ trước tới nay, đối với những chuyên ngành "cung không đủ cầu", trong trường hợp điểm thi đầu vào rất cao, hội đồng nhà trường có thể tăng học phí đào tạo như một công cụ để sàng lọc. Còn bây giờ, để giữ số lượng sinh viên của MGU thì không được phép tăng học phí". Ở Ural, để cứu giáo dục ĐH người ta thành lập những trung tâm quản lý nhưng mạo hiểm trong kinh doanh, khoa học và giáo dục. Chương trình chống khủng hoảng do các trung tâm ấy đưa ra có thể cho phép sinh viên nợ học phí trong khoảng thời gian từ 1 đến 3 năm. Khi đó, ngân sách của các vùng phải chịu trách nhiệm trợ cấp tạm thời cho những khoản nợ này. Ngoài ra, các trường ĐH tại địa phương phải thảo luận với Ngân hàng Tái thiết và Phát triển Ural để họ cấp khoản vay ưu đãi cho giáo dục và cuối cùng, theo gương các trường ĐH ở thủ đô, các trường ĐH Ural "chốt" giá phí đào tạo.

Theo lời các quan chức Bộ Giáo dục và khoa học Nga thì khủng hoảng tài chính có thể làm số lượng sinh viên theo học ở các trường ĐH giảm đi. Tuy nhiên, theo bộ trưởng A.Furshenko thì: "Số người theo học ở các trường ĐH kém chất lượng ít đi sẽ kích thích động cơ đi học vì tri thức hơn là vì lấy bằng".

Anh Phương (GD&TĐ)

Bình luận (0)