Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

“Kích cầu” xây trường – tại sao không?

Tạp Chí Giáo Dục

0
(0)

Chính phủ đang triển khai “gói kích cầu” 17 ngàn tỷ đồng nhằm ngăn chặn đà suy giảm kinh tế tài chính. Dự kiến “gói kích cầu” này có thể lên đến 6 tỷ USD, tương đương 102 ngàn tỷ đồng Việt Nam. Một trong những hạng mục cần “kích cầu” mà nhiều giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục mong đợi là hỗ trợ đầu tư phát triển giáo dục. Chắc chắn đầu tư phát triển giáo dục là hướng đầu tư cần được ưu tiên, không sợ bị lỗ. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho nguồn nhân lực, cho hạ tầng, cho tương lai của đất nước.
Thực ra, khi chưa có “gói kích cầu” chống suy giảm kinh tế tài chính, Chính phủ cũng đã dành nhiều “gói” đầu tư cho các chương trình trọng điểm của giáo dục như khoản cho vay ưu đãi 1 tỷ USD dành cho SV-HS vừa triển khai gần đây; hoặc chương trình kiên cố hóa trường học huy động hàng chục ngàn tỷ đồng đã thực hiện gần 10 năm nay…
TP.HCM, nhân Năm giáo dục 1999, cũng đã thông qua chương trình cho vay kích cầu để xây dựng trường học. Nhờ đó, trong gần chục năm qua, hàng trăm ngôi trường mới đã được xây dựng, hàng ngàn ngôi trường cũ cũng đã được sửa chữa, nâng cấp. Trong đó có nhiều ngôi trường hiện đại, to lớn như Tạ Quang Bửu, Lương Thế Vinh, Nguyễn Thị Định, Nguyễn Văn Trỗi… Nhờ chương trình “kích cầu” xây trường mà ngành giáo dục thành phố đã có thêm hàng chục ngàn lớp học, đáp ứng nhu cầu học tập của con em nhân dân, mặc dù nhu cầu này tăng rất mạnh do dân nhập cư. Và cũng nhờ điều kiện trường lớp đầy đủ, trang thiết bị dạy học tốt mà chất lượng học tập, tỷ lệ tốt nghiệp của học sinh thành phố luôn ở mức cao.
(Cũng xin mở ngoặc viết thêm: thời xưa, cách đây gần trăm năm, chưa có “nghị quyết” ưu tiên phát triển giáo dục, nhưng sao người ta vẫn có thể xây dựng các ngôi trường to lớn, khang trang, lại ở những vị trí đẹp bốn mặt tiền như Nguyễn Thị Minh Khai, Marie Curie, Lê Quý Đôn (quận 3), ba mặt tiền như Trần Đại Nghĩa (quận 1), Lê Hồng Phong (quận 5)… Những ngôi trường đó, tuy đã gần một thế kỷ nhưng vẫn còn khang trang, rộng rãi!).
Những năm cuối thập niên 90, Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng nặng đợt khủng hoảng kinh tế tài chính thế giới. Thành phố lúc đó đã chủ động đưa ra chương trình “kích cầu”, trong đó “gói kích cầu” đầu tư xây dựng trường học lên đến hàng ngàn tỷ mỗi năm, chiếm tỷ trọng lớn trong ngân sách đầu tư xây dựng của thành phố. Nhờ chương trình “kích cầu” thành phố vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng GDP không kém những năm trước và luôn cao so với cả nước.
Mong thay “gói kích cầu” của Chính phủ lần này sẽ dành một phần để xây dựng trường học, trong đó có một số ngôi trường hiện đại cho vùng kinh tế phát triển và hàng ngàn ngôi trường kiên cố khác thay thế cho các trường hiện còn là “tranh tre nứa lá” ở nông thôn, miền núi…
HAI ĐỨC

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết 0 / 5. Số lượt đánh giá: 0

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)