Sinh viên cần vượt qua “sức ì” để nhanh chóng thích nghi trở lại với tiến độ học tập trực tiếp, sau một thời gian dài tạm ngừng đến trường để học trực tuyến.
Sinh viên tại TP.HCM đi học trực tiếp trở lại sau Tết Nguyên đán
Khi trở lại học tập trực tiếp, ngoài giờ học chính khóa, sinh viên còn tham gia nhiều hoạt động làm thêm, rèn luyện kỹ năng, thiện nguyện…, việc quản lý thời gian, tăng tốc, làm mới bản thân là điều vô cùng cần thiết.
Vượt qua sức ì…
Sau một tuần trở lại học tập trực tiếp, nhiều trường ĐH đã bắt đầu triển khai những hoạt động tăng tính tương tác cho sinh viên như: Chuẩn bị, sửa sang thư viện, tổ chức các cuộc thi làm clip về trường, chương trình giao lưu “Tỏa sáng ở trường ĐH”, khởi động thi khởi nghiệp… Qua đó, sinh viên được tiếp thêm hứng khởi trở lại nhịp học tập trong trạng thái bình thường mới. TS. Nguyễn Trung Nhân (Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM) cho hay, sau thời gian dài học trực tuyến, một số sinh viên có xu hướng muốn tiếp tục duy trì hình thức học này. Vì khi học trực tuyến thời gian qua, các em ít phải mất thời gian di chuyển đến trường, không gian tại nhà thoải mái, cũng như nhiều hoạt động câu lạc bộ, đội nhóm hoặc rèn kỹ năng trực tiếp tạm gác lại. Tuy nhiên, để đảm bảo chất lượng đào tạo, thi, kiểm tra thì việc học tập trung với đa số học phần trong chương trình đào tạo là cần thiết. Vì vậy, sinh viên cần sớm tìm cảm hứng trở lại với việc học tập trung thông qua các hoạt động như: Đi học đúng giờ; tăng cường học nhóm với bạn bè; thường xuyên vào thư viện để tìm kiếm tài liệu, thông tin mới; tham gia các khóa học ngoại ngữ, rèn kỹ năng… “Đặc biệt, có những ngành học đặc thù, cần đảm bảo thời lượng thực hành, thí nghiệm… thì sinh viên cần nghiêm túc và chặt chẽ tuân thủ. Tránh để sự uể oải, thiếu động lực làm chậm tiến độ học tập của bản thân. Nhất là những sinh viên sắp tốt nghiệp các khối ngành kỹ thuật, công nghệ… cần tăng cường thực hành thí nghiệm, gặp gỡ giảng viên…”, TS. Nhân nói.
“Lên dây cót” học tập trở lại
ThS. Nguyễn Thị Bích Ngọc (giảng viên Trường ĐH Quốc tế – ĐH Quốc gia TP.HCM) cho rằng sau một thời gian học trực tuyến, đến nay khi dịch bệnh dần ổn định, các sinh viên quay trở lại giảng đường, gặp nhau trực tiếp, nghe giảng trực tiếp chắc hẳn sẽ không tránh khỏi tâm thế chây ì, lười biếng do sự chuyển đổi. Cũng dễ hiểu vì khi học trực tuyến, một số sinh viên có thể vừa học vừa tranh thủ chat với bạn bè hoặc có thể… xem phim. Tất nhiên, không phải là tất cả sinh viên đều vậy. Nhưng hiện việc học trực tiếp đã được thiết lập trở lại, để bắt nhịp và bước vào guồng học tập năng động trở lại đòi hỏi nỗ lực nghiêm túc của sinh viên. Muốn vượt qua sự chây ì, lấy lại hứng khởi, sinh viên cần nhìn lại mục tiêu học ĐH của mình. Nếu mục tiêu đó sau một thời gian học trực tuyến vì dịch bệnh không thay đổi thì thật tốt; sinh viên không mất quá nhiều thời gian làm mới bản thân, chỉ cần tiếp tục giữ trạng thái đó ở lớp học trực tiếp. Còn nếu sinh viên nào thay đổi mục tiêu thì cũng cần kiểm tra xem mục tiêu mới có phù hợp với bản thân mình hay không. Các em có thể nhờ giảng viên hỗ trợ, góp phần định hướng để trả lời câu hỏi đó. “Ngoài ra, để “lên dây cót”, sinh viên hãy xem lại động lực học tập của mình. Các em hãy nghĩ tới sự vất vả của gia đình, ba mẹ khi lo cho mình được tới trường trong hoàn cảnh kinh tế nhiều gia đình kiệt quệ và nhiều sự mất mát lớn… vì đại dịch Covid-19. Nghĩ tới sự may mắn mình đang có các em sẽ trân quý hơn những giây phút được lên lớp trực tiếp, được hỏi thầy cô trực tiếp điều mình băn khoăn về bài học, được học nhóm cùng bạn bè, được sẻ chia niềm vui, kiến thức…”, ThS. Ngọc nhắn nhủ.
ThS. Trần Nam (Trưởng phòng Truyền thông và Quan hệ doanh nghiệp Trường ĐH KHXH&NV, ĐH Quốc gia TP.HCM) thì cho rằng: “Giảng viên nên có các bài tập tương tác, giúp sinh viên vận động, kết nối cùng nhau. Sinh viên nên tăng cường tham gia các hoạt động ngoại khóa, đọc sách, chơi thể thao hay các hoạt động nhóm khác để giải phóng năng lượng, kết nối xã hội trở lại”.
Ngoài việc học tập chính khóa, học thêm ngoại ngữ, rèn luyện kỹ năng… thì tích cực tìm kiếm công việc làm thêm là cách giúp sinh viên rèn giũa, tích lũy kinh nghiệm thực tế, có thêm chi phí trang trải cho học tập. Được biết, không chỉ các trường, trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP.HCM cũng đang khảo sát, giới thiệu nhiều nguồn việc làm cho sinh viên từ sau Tết Nguyên đán.
Việt Ngân
Bình luận (0)