Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch kinh dị thoái trào

Tạp Chí Giáo Dục

Kịch kinh dị là một mảng từng chiếm lĩnh sân khấu TP.HCM gần 15 năm, nên không thể không nhắc đến như một trào lưu trong dòng chảy của kịch nói. Nhưng hiện tại, hầu như nó đã thoái trào, còn lại lác đác một vài nơi.

Có thể nói Sân khấu Phú Nhuận của bà bầu Hồng Vân đã đi tiên phong trong trào lưu kịch kinh dị. Năm 2005, vở Người vợ ma của tác giả Xuyên Lâm bùng nổ như một cơn sốt, vé mua không có, khán giả chầu chực, phe vé chợ đen cũng kiếm chác không ít. Một tuần Người vợ ma diễn liền mấy suất, vài năm sau mới hạ nhiệt nhưng vẫn xếp lịch hằng tuần. NSND Hồng Vân nói: "Vở này được diễn đi diễn lại suốt 20 năm, chúng tôi nhờ doanh thu của nó mà sống khỏe và bù cho một số vở khác". Cũng từ vở này mà nghệ sĩ Thái Hòa và Kim Huyền bật sáng một cách ngoạn mục. Thái Hòa quá duyên dáng trong vai A Sửu, còn Kim Huyền vai bé Yến bị dì ghẻ hành hạ bằng cách nhát ma. Kịch kinh dị mà vẫn có vai diễn để đời.

Kịch kinh dị thoái trào  - Ảnh 1.

Nghệ sĩ Thái Hòa và Kim Huyền trong vở Người vợ ma. Ảnh: H.K

Sau đó, nghệ sĩ Hồng Vân cho dựng hàng loạt vở kinh dị như Quả tim máu, Căn hộ 404, Kỳ án 292, hoặc 2-4-6… đều gây tiếng vang. Mở thêm một sàn diễn tại Super Bowl, bà bầu Hồng Vân hầu như phát triển kịch kinh dị đến 70% kịch mục.

Sân khấu Kịch Sài Gòn cũng là đơn vị chuyên dựng kịch ma, từ địa chỉ đường Pasteur cho đến khi dời về rạp Đại Đồng (đường Cao Thắng), tỷ lệ có thể lên đến 80 – 90% kịch mục. Khán giả của Đại Đồng hầu hết đều trẻ nên thích cảm giác mạnh, cứ kéo tới rạp để… la hét. Và họ thấy vui. Rồi ông bầu Mạnh Tràng cho rút ngắn vở lại chỉ tròm trèm 100 phút, mỗi đêm cuối tuần diễn được 2 suất nối nhau. Những vở ấn tượng có thể kể là Hồn ma báo oán, Áo đợi người, Oan hồn, Tử hình…

Sân khấu Thế Giới Trẻ cũng không kém, dựng rất nhiều vở ma ăn khách, như: Kỳ nghỉ kinh hoàng, Mắt âm dương, Xác trôi sông, Bí mật nhà xác, Điện thoại nửa đêm, Họa hồn, Lầu hoang… Đơn vị này cũng có lượng khán giả trẻ hùng hậu, thích cảm giác mạnh, vé bán rất nhiều, có vở như Họa hồn tái dựng với ê kíp mới mà vẫn ăn khách suốt 7 – 8 năm.

Một số sân khấu khác có điểm xuyết vở kinh dị được người xem nhớ đến, như Sân khấu IDECAF với vở Ngôi nhà anh túc do NSƯT Thành Lộc đóng vai chính, tuy màu sắc ma quái ít hơn, chỉ gây cảm giác rờn rợn, tập trung vào ý nghĩa sâu sắc. Thực tế vở này ra mắt năm 2004, trước cả Người vợ ma nhưng do màu sắc kinh dị nhẹ hơn nên không gây thành cơn sốt trào lưu. Sân khấu 5B có Đêm vượn hú cũng ở mức hơi kinh dị, dù đây là một vở bi kịch. Sân khấu Hoàng Thái Thanh có Con ma nhà họ Hứa với vài lớp ớn lạnh, bên cạnh nội dung chính yếu là bi kịch của cô gái bị bệnh phong.

Nhìn chung, kịch kinh dị từng cuốn hút khán giả thực sự với số vé bán ra và hiệu ứng từ nhiều sân khấu suốt thời gian dài.

Kịch kinh dị thoái trào  - Ảnh 2.

Các nghệ sĩ (từ trái qua): Tấn Hoàng, Ngọc Giàu, Bảo Châu trong vở Áo đợi người

Vì sao thoái trào?

Công bằng mà nói, ban đầu kịch kinh dị thực sự chinh phục khán giả bằng sự lạ lẫm, chiêu trò và nội dung, ý nghĩa. Những chủ đề thường xoay quanh nhân nghĩa ở đời, báo ân, báo oán, đặc biệt luật nhân quả. Khán giả thỏa mãn bởi tìm thấy sự công bằng, có khi ở đời thật chưa thấy thì họ được thấy trên sân khấu, ít nhiều giải tỏa những bức xúc. Hầu hết vở kịch đều có tác dụng cảnh báo rất mạnh cho những ai đang nuôi tâm ác, định làm điều ác, rằng họ sẽ phải bị ám ảnh rất ghê sợ, sẽ phải trả giá chứ không chạy thoát… Đó là những giá trị nhân văn.

Chẳng hạn, trong Người vợ ma, cô Thủy (mẹ ghẻ của bé Yến) hiểu ra rằng không nên ganh tị với người vợ đã khuất và bạo lực tinh thần đối với một đứa bé mồ côi đáng thương, và người chồng cũng hối hận vì đã ôm ấp quá khứ đến mức không biết sống tử tế với người vợ hiện tại. Vở Áo đợi người cảm động vì những đứa con nhận ra mình đã bất hiếu với mẹ thế nào, cần "hồn ma" của người chị nhắc nhở họ mới quay về thương mẹ. Vở Oan hồn lên án nạn lái xe say xỉn gây tai nạn. Vở Bí mật nhà xác thẳng thắn phê phán tệ nạn những người kinh doanh dịch vụ mai táng cấu kết với một số quan chức tha hóa để "chặt chém" gia đình bệnh nhân tử vong…

Kịch kinh dị thoái trào  - Ảnh 3.

Vở Bí mật nhà xác

Nhưng khoảng 4 – 5 năm nay, kịch kinh dị thoái trào thấy rõ. Một phần do tình hình chung, các sân khấu thu hẹp, bà bầu Hồng Vân đóng cửa Super Bowl; rạp Đại Đồng cũng đóng cửa không lâu sau khi nghệ sĩ Mạnh Tràng qua đời; Thế Giới Trẻ cũng không mặn mà dựng vở mới mà dùng lại vài vở cũ, hoặc khi nghệ sĩ gạo cội đã thôi cộng tác thì vở ngưng vì không tìm được người thay vai. Tuy nhiên, theo đạo diễn – NSND Trần Ngọc Giàu, kịch kinh dị thoái trào có 3 lý do: "Thứ nhất, không có kịch bản hay. Viết kinh dị không đơn giản là hù dọa, mà rất nặng về tính hợp lý, không phải muốn ma xuất hiện thì cứ cho xuất hiện. Lại khó nữa là phải gây cảm giác mạnh, đồng thời chở được nội dung hấp dẫn, ý nghĩa nhân văn. Thứ hai, dàn dựng đã hết chiêu. Sân khấu chúng ta nghèo nàn về kỹ thuật, phương tiện, muốn thực hiện những điều ma quái mà thiếu vật chất hỗ trợ, xoay xở hoài từng đó chiêu, khán giả không còn bất ngờ, thú vị nữa. Thứ ba, cần diễn viên giỏi. Về nguyên tắc, diễn ma là phải truyền được cảm giác, cảm xúc từ người diễn sang người xem, khán giả tiếp nhận cái sợ thông qua diễn viên, chứ không chỉ trên hiệu ứng kỹ thuật".

Quả thật, kịch kinh dị sau này lạm dụng hiệu ứng âm thanh, ánh sáng, có khi đang im ắng thì nghe cái đùng, tất nhiên khán giả phải giật mình theo bản năng chứ đó không phải là sợ. Hoặc cứ diễn ma là phải mặc áo trắng lượn tới lượn lui. Về kịch bản thì mỏng, tưởng như bị ép phải có ma, khán giả "không tin" được. Và cũng theo đạo diễn Trần Ngọc Giàu, sân khấu đang thiếu chuyên viên về đạo cụ, kỹ xảo thật giỏi, nên kịch kinh dị càng khó dựng.

NSND Hồng Vân thì cho biết: "Chính vì nhiều cái khó đó mà tôi quyết định ngưng hẳn dòng kịch kinh dị, tập trung vào kịch văn học. Tôi không còn thích chuyện ma quái nữa, mà muốn sân khấu mới khai trương của mình sẽ mang màu sắc mới".

Trên thực tế, cũng cần hạn chế loại kịch kinh dị ở mức vừa phải, không nên lạm dụng. Bởi dù ở mức độ nào thì những vở có hiệu ứng tích cực không nhiều, sự khuếch trương dễ gây hiệu ứng lệch lạc trong giới trẻ.

Theo Hoàng Kim/TNO

Bình luận (0)