Y tế - Văn hóaThư giãn

Kịch lịch sử bị cho ra rìa

Tạp Chí Giáo Dục

Theo quy chế, năm nay những vở kịch lịch sử không thể tham dự Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp toàn quốc 2012.
Vở kịch lịch sử hoành tráng được đầu tư hơn 1 tỉ đồng Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ không thể có mặt tại hội diễn toàn quốc năm nay dù Nhà hát kịch TP.HCM muốn mang tác phẩm này dự thi. “Quy chế của liên hoan quy định về đề tài hiện đại, mà Tả quân Lê Văn Duyệt lại là đề tài lịch sử”, Phó cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Nguyễn Đăng Chương giải thích.
 
Vở Tả quân Lê Văn Duyệt sẽ không thể tham dự Liên hoan Sân khấu kịch chuyên nghiệp năm nay – Ảnh: nhà hát kịch TP.HCM cung cấp
Cũng với cách “sàng lọc” đề tài năm nay, vở kịch lịch sử mới toanh, được dàn dựng công phu của Sân khấu kịch Idécaf (TP.HCM) Vua thánh triều Lê có muốn cũng không thể tham dự. Cách sàng lọc này cũng “hạ” một vở diễn khác của Nhà văn hóa Thanh niên TP.HCM.
Xưa mà không cũ
Trên thực tế, dựng kịch lịch sử thường phải tốn chi phí cao hơn, đôi khi còn phải đối mặt với những phê bình gay gắt và ý kiến trái chiều nhưng kịch lịch sử vẫn được nhiều sân khấu phía nam đầu tư nghiêm túc, tâm huyết. Những ẩn ý sâu sắc, gần gũi chứa trong lớp vỏ “chuyện ngày xưa” chính là những vấn đề nóng hổi thời sự.
Nỏ thần của Sân khấu Phú Nhuận năm 2009 làm vỡ òa bao trái tim trước bi kịch của An Dương Vương và Cao Lỗ. Trọng Thủy – Mỵ Châu làm thêm một gạch nối tang thương đầy trữ tình, lãng mạn. Bi kịch của người cầm quyền chủ quan trong thời hòa bình, bi kịch của người tướng lĩnh khi lời khuyên của mình không được lắng nghe…
Bí mật vườn Lệ Chi của Sân khấu Idecaf lại là bi kịch của kẻ sĩ. Họ được nể nang, trọng dụng, nhưng kèm theo đó cũng là sự lo sợ, đố kỵ của người khác, sợ tài năng của kẻ sĩ làm mờ đi những kẻ chung quanh. Cho nên, kẻ sĩ lắm khi bị cô lập, hãm hại. Để rồi sau đó lịch sử phải cố gắng tẩy xóa vết nhơ ấy bằng cả nghị lực và sự khiêm cung như tấm gương của vua Lê Thánh Tông trong vở Vua thánh triều Lê. Làm sai thì phải dám nhận, dám sửa. Bên cạnh đó là bài học của thời bình, khi các công thần bắt đầu biến chất, xa hoa, hưởng lạc, liệu có còn là trụ cột của quốc gia khi dầu sôi lửa bỏng? Tả quân Lê Văn Duyệt của Nhà hát Kịch TP.HCM nói thẳng vào chuyện tham nhũng…
Tất cả các vở kịch lịch sử đều gặp nhau ở lòng dân, lấy dân làm gốc, thế nên chưa bao giờ lạc hậu. Vậy mà Liên hoan Sân khấu toàn quốc lần này lại bỏ… ra rìa!
Bị gạt ra một cách khó hiểu
Sự thiếu vắng này làm người ta liên tưởng tới chiến thắng giòn giã của kịch lịch sử tại kỳ liên hoan sân khấu gần nhất 3 năm về trước. Trong liên hoan năm 2009 đó, Nỏ thần của Sân khấu kịch Phú Nhuận, TP.HCM ẵm trọn huy chương vàng cho vở diễn cũng như đạo diễn, còn Mỹ nhân và anh hùng của Nhà hát Kịch VN cũng là vở diễn nhận huy chương vàng. Một sự tôn vinh xứng đáng cho các tác phẩm kịch lịch sử và sự khuyến khích một khuynh hướng sáng tác được công chúng và nghệ sĩ đồng tình.
Liên hoan sân khấu kịch toàn quốc 3 năm mới diễn ra một lần. Năm nay, đáng lẽ những tác phẩm kịch lịch sử mới, được dàn dựng công phu, nhiều tâm huyết phải được góp mặt trong sân chơi được gọi là “chuyên nghiệp” này lại bị gạt ra một cách khó hiểu. Những vở kịch lịch sử – vốn không nhiều – sẽ không thể có một sân chơi riêng, một hội diễn riêng – điều mà kịch thể nghiệm đang có.
Quy chế năm nay chỉ mở cửa cho những tác phẩm về đề tài hiện đại; có nội dung, tư tưởng rõ ràng và phản ánh sâu sắc 1 trong 4 chủ đề. Đó là ca ngợi chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lòng yêu nước, tinh thần bất khuất trong giải phóng dân tộc giai đoạn 1930-1975; ca ngợi công cuộc đổi mới, những tấm gương tiêu biểu thuộc mọi lĩnh vực từ 1975 đến nay; đề cao cái đẹp và các giá trị nhân văn; lên án cái ác, sự thấp hèn và thói hư tật xấu của con người trong thời kỳ hội nhập…
Đặt tiêu chí cho tác phẩm dự liên hoan cũng là một cách định hướng sáng tác nghệ thuật của các nhà quản lý. Loại bỏ các vở diễn lịch sử ngay từ quy chế liệu có phải là cách định hướng tốt không, nhất là trong giai đoạn chúng ta đang mong muốn người dân được tiếp cận càng nhiều càng tốt với lịch sử, với những bài học từ lịch sử thông qua nhiều hình thức, phương tiện nghệ thuật khác nhau?
Đáng tiếc!
“Tôi tôn trọng cách tiếp cận vấn đề của ngành sân khấu, có thể họ muốn tập trung đẩy mạnh mảng đề tài hiện đại. Tuy nhiên, kịch lịch sử hoàn toàn có thể nói lên những vấn đề hiện đại. Bản thân khán giả khi xem kịch lịch sử, tiếp cận kịch lịch sử cũng là để phục vụ cho hiện tại. Vì thế, bỏ qua kịch lịch sử là bỏ qua một phương cách tiếp cận vấn đề hiện đại bằng phương pháp, tư duy lịch sử. Chính vì thế, nếu kịch lịch sử như Tả quân Lê Văn Duyệt không được tham dự liên hoan, tôi cho đó là điều đáng tiếc”.
Nhà sử học Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử
Nói về nạn tham nhũng mà không hiện đại sao?
“Trong thông báo ghi rất mập mờ, là đặc biệt ưu tiên cho các vở diễn có bối cảnh từ 1930 hoặc 1950 đến nay, nên chúng tôi mới đăng ký tham dự vở Tả quân Lê Văn Duyệt. Ban tổ chức gút lại là kịch lịch sử không được đăng ký, nghĩa là ưu tiên cho kịch hiện đại. Vậy vở Tả quân Lê Văn Duyệt của chúng tôi nói về nạn tham nhũng không hiện đại sao? Mà thôi, người ta nói vậy thì mình nghe vậy, tôi cũng chán quá rồi, cái kiểu thi cử này chẳng làm phấn khởi chút nào. Chỉ tại Sở VH-TT-DL TP.HCM khuyến khích mình tham gia, và tôi cũng nghĩ mình là đơn vị nghệ thuật nhà nước mà không đi coi cũng kỳ. Nhưng thật lòng thư mời gửi cận kề quá, đâu có xin được kinh phí để đi. Phải có thư mời từ đầu năm thì mình mới làm bảng kế hoạch xin ngân sách được. Rồi tôi cũng định bỏ tiền túi một mình ra đó xem, coi có gì mới không. Nhưng cuối cùng cũng thôi. Thật sự chẳng hy vọng gì nhiều”.
Nghệ sĩ Khánh Hoàng – Giám đốc Nhà hát Kịch TP.HCM
theo TNO

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)