Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch thiếu nhi cho trẻ thiệt thòi

Tạp Chí Giáo Dục

Các trẻ em thiệt thòi và học sinh được xem vở kịch Hai đứa trẻ đồng thời giao lưu với các diễn viên chính. Ảnh: K.N

Không thể phủ nhận rằng, so với những trẻ em sống trong các gia đình toàn vẹn thì trẻ em thiệt thòi có khá nhiều hạn chế trong sự phát triển nhân cách. Hành trang mà trẻ có được từ thơ ấu thường để lại dấu ấn quan trọng trong cuộc sống của trẻ khi lớn lên.
Chính tác động về nhạc kịch hay kịch ngắn được xem là một trong những phương pháp giáo dục hữu hiệu, có giá trị lay động trái tim của trẻ em thiệt thòi, trở thành nguồn lực quý giá để các em trưởng thành và phát triển nhân cách…
Phương pháp giáo dục hữu hiệu
Không thể không đề cập đến kịch thiếu nhi vì nhiều nghiên cứu cho thấy đây là một trong những phương tiện giáo dục trẻ em rất hữu hiệu. Mang trong mình sẵn chất trẻ thơ nên chính kịch thiếu nhi đã thấm đẫm hơi thở của trẻ em, suy nghĩ – tâm tư – tình cảm được gửi vào đó một cách rất tự nhiên và hữu hiệu. Đó là chưa kể đến sự hóa thân của các diễn viên kịch trong quá trình “sắm vai” đã thở bằng hơi thở thiếu nhi, nghĩ bằng nếp nghĩ của thiếu nhi và đặc biệt là hành động rất đời thường của thiếu nhi. Không chỉ vì thế, kịch thiếu nhi được trẻ em đón nhận mà hơn hết, nó phản ánh đúng cuộc sống của thiếu nhi, các em như nhìn thấy mình trong đó, hòa nhập với vai diễn, với những mối quan hệ đan xen và chính vì vậy thiếu nhi thật sự cảm nhận một cách trọn vẹn thông điệp trong kịch cần trao gửi. Các mô hình kịch thiếu nhi với nhiều lời bình và đặc biệt phần tham gia ứng xử của chính người trong cuộc khi vở kịch chuẩn bị kết thúc hoặc muốn sáng tạo ra kết thúc lại chính là điều kiện để trẻ em cảm nhận được đúng chất sống của mình. Nhiều nghiên cứu cho thấy, với trẻ em thiệt thòi, cái tôi trở thành một trong các yếu tố phát triển đặc biệt, thôi thúc trẻ sẽ phản ứng tự vệ bằng cách lầm lì, không nói hoặc tỏ ra chống đối nếu như người giáo dục tác động không thích hợp. Chính khi xem những vở kịch thiếu nhi, trẻ sẽ nhận thức một cách rõ ràng và sâu sắc về những chuẩn mực cần thực hiện.
Cũng không thể không đề cập đến hiện tượng giải phóng xung năng hay các hụt hẫng tâm lý sẽ được điều chỉnh nếu như trẻ em thiệt thòi thưởng thức kịch thiếu nhi. Theo nguyên lý của sự đồng hóa vai diễn, trẻ em thiệt thòi nhìn thấy mình trong kịch, sẽ suy nghĩ, định hướng hành vi, tự dự đoán kết quả, so sánh hành vi của mình – của bạn với hành vi của nhân vật, trên cơ sở đó tự điều chỉnh hành vi của chính mình. Đó là phương thức hết sức quan trọng để phát triển nhân cách. Thông thường, khi trải lòng với các tuyến nhân vật cũng như mạch của một vở kịch, trẻ em bộc lộ những xung năng của mình thông qua phản ứng tâm lý. Dù đơn giản hay phức tạp, xung năng sẽ được giải phóng và nó có cơ hội trả lại sự bình yên cho cuộc sống tuổi thơ, cho những chuẩn mực đã được thẩm thấu một cách tự nhiên. Cũng chính vì thế, ở góc độ trị liệu, tâm kịch đỉnh cao hay kịch thiếu nhi có đích đến trở thành một trong những biện pháp trị liệu…
Những ước mơ, lý tưởng được gợi mở…
Một vấn đề rất quan trọng trong kịch thiếu nhi mà trẻ em thiệt thòi tích lũy được đó chính là sự gợi mở cho các em ước mơ và lý tưởng cháy bỏng. Những hình thức xây dựng kịch thiếu nhi dựa trên sự phân tích tâm lý nhân vật cũng như sự tương tác với xã hội đã đẩy đến cao trào trong kịch. Bao giờ cũng thế, những chân lý, định hướng và cả những khát khao, lý tưởng được lồng một cách khéo léo vào các vở kịch. Tất cả đều được chính trẻ em nói chung và trẻ em thiệt thòi nói riêng cảm nhận sâu sắc, các em nhận ra rằng cuộc sống vẫn còn có khát khao, còn có nhiều ước mơ được thực hiện dù rằng chặng đường vẫn còn khó khăn. Ở một góc độ khác, chính hình thức tổ chức kịch cho trẻ thơ như: cho các em tại điểm diễn tham gia một vài vai ngẫu hứng, khuyến khích các em dự đoán kết quả, động viên các em thử xử lý tình huống kịch, thay đổi kết quả, yêu cầu các em bình luận những mâu thuẫn – xung đột hoặc phát biểu cảm nhận sau thưởng thức kịch đều đem lại các cơ hội rất quan trọng để các em tự tin hơn, nâng cao khả năng giao tiếp của chính mình và thật sự biết tổ chức cuộc sống của mình một cách chủ động. Đó là kỹ năng và phương thức sống rất quan trọng trong cuộc sống tương lai của chính các em. Có thể nói rằng, kịch thiếu nhi đem lại sức sống mới cho trẻ em thiệt thòi vì chính các em cần lắm những tác động hữu hiệu từ các giá trị tiềm ẩn trong kịch. Các em thật sự trưởng thành hơn khi tiếp nhận giá trị sống, chuẩn mực sống từ kịch. Tâm hồn của các em như bừng sáng sau khi trải nghiệm và sống trọn vẹn với màu sắc của kịch, những vai diễn – mối quan hệ đan xen và kể cả ước mơ bay bổng – lý tưởng ẩn chứa trong vở kịch…
TS. tâm lý Huỳnh Văn Sơn

Vở kịch có thể kết thúc nhưng cuộc đời của các em sẽ mang một màu sắc mới. Đó là màu sắc tươi sáng khi tìm thấy động cơ để sống, khi tìm thấy hình ảnh của chính mình trong ấy có đầy đủ những hình ảnh thực, hình ảnh lãng mạn, thi vị cần thiết để yêu đời và thiết sống.

 

Bình luận (0)