Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

“Kích tốc” xe đạp điện: Bất chấp hậu quả?

Tạp Chí Giáo Dục

Xe đạp điện vốn là dòng xe thô sơ và theo quy định vận tốc của dòng xe này không quá 25km/giờ. Thế nhưng thực trạng hiện nay, người ta đang “kích tốc” dòng xe này lên tới 50-60km/giờ. Điều này không những thay đổi kết cấu xe mà còn tiềm ẩn hiểm họa khôn lường cho người điều khiển xe. Thế nhưng, không phải ai cũng ý thức được điều này.

Dây tốc độ trong ở hộp điện của dòng xe Xmen đang bán trên thị trường

Dây tốc độ tháo gắn quá dễ

Để hạn chế tốc độ của xe đạp điện theo như quy định không được quá 25km/giờ buộc nhà sản xuất phải gắn thêm một dây điều tốc hay còn gọi là dây hạn chế tốc độ (hãm tốc). Thế nhưng, việc thay đổi tốc độ của chiếc xe đạp điện quá dễ dàng khi chỉ cần tháo hộp chứa các dây điện và rút dây hạn chế tốc độ ra. Thực tế thử nghiệm cho thấy sau khi rút dây điện vận tốc có thể đạt tối đa tới 60km/giờ bằng với một chiếc xe máy có dung tích xy lanh 50cc.

Tại các cổng trường, ta không khó khăn để bắt gặp những bóng áo trắng không mũ bảo hiểm ngồi trên loại xe đạp điện này lao đi với vận tốc vun vút. Vậy phải chăng đã có sự can thiệp vào những chiếc xe này?

Bạn Nguyễn Hữu T. (học sinh lớp 11 trường Nguyễn An Ninh, quận 10) nói: “Nghĩ sao đi xe đạp điện với vận tốc 25km như rùa bằng đi xe đạp đạp bằng chân à. Vận tốc xe này giờ là 50km đấy. Chỉ cần ra tiệm nhờ người ta tháo ra giùm tốn 10k chứ mấy là lướt ngon không khác gì đi xe máy, lại không cần đội mũ bảo hiểm”.

Không ít nơi cửa hàng muốn bán được nhiều xe đã xem đây như một chiêu câu khách đã hướng dẫn tràn lan cho khách hàng cách thay đổi vận tốc của xe. Thậm chí họ còn mang ra thử nghiệm và tháo cả dây luôn cho khách khi khách có nhu cầu. Ngoài ra, trên các trang mạng, các trang bán hàng, diễn đàn cũng đều có nội dung hướng dẫn tháo lắp loại dây điện này của các dòng xe trên thị trường hiện nay như xe điện Xmen, Zoomer 2016, Giant M133s… đã tạo điều kiện cho người dùng dễ dàng cho việc “kích tốc” xe đạp điện đi nhanh hơn.

Bạn Hải A. (Trường THCS Tây Thạnh, quận Tân Phú) còn tiết lộ: “Các bạn trong trường em đi xe đạp điện hầu hết đều tháo sợi dây hãm tốc ra hết. Khi đi mua là người ta hỏi mình có muốn tháo ra không, cửa hàng người ta tự tháo ra tự làm cho mình”.

Có ai nghĩ tới hậu quả?

Người bán họ hiểu khá rõ việc thay đổi vận tốc của xe đạp điện nguy hiểm như thế nào. Anh Mạnh Hùng (chủ cửa hàng tại Tân Bình) chia sẻ: “Thực ra kích tốc xe là thị hiếu của người dùng, người mua họ muốn nhanh chứ không ai muốn thay đổi nó cả. Lý do thứ nhất, vì hệ thống phanh của xe đạp điện chỉ thiết kế cho vận tốc quy định là 25-30km/giờ. Nên nếu vận tốc quá lớn thì hệ thống phanh không thể hiệu quả. Thứ hai, vận tốc cũng phải tương xứng với trọng lượng của xe, so với 50km/giờ với trọng lượng của xe đạp điện là quá nhẹ (trọng lượng xe tối đa chỉ 40kg). Chạy với vận tốc cao sẽ gây lắc, chiềng xe rất dễ gây tai nạn. Ngoài ra, xe đạp điện còn không có kính chiếu hậu, nên việc chuyển hướng cũng gặp khá nhiều khó khăn”.

Sai luật rành rành

Dây hãm tốc được để ở ngoài dễ dàng cho việc tháo lắp

Trong Luật Giao thông đường bộ tại điểm 19 điều 3 Luật Giao thông đường bộ thì xe đạp điện được phân vào nhóm phương tiện giao thông thô sơ đường bộ. Phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (sau đây gọi là xe thô sơ) gồm xe đạp (kể cả xe đạp máy), xe xích lô, xe lăn dùng cho người khuyết tật, xe súc vật kéo và các loại xe tương tự. Xe đạp điện – Electric bicycles, là loại xe đạp hai bánh, được vận hành bằng động cơ điện một chiều hoặc được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều, có công suất động cơ lớn nhất không lớn hơn 250W, có vận tốc thiết kế lớn nhất không lớn hơn 25km/h và có khối lượng bản thân (bao gồm cả ắc quy) không lớn hơn 40kg. Xe được vận hành bằng động cơ điện một chiều sau đây gọi tắt là xe vận hành bằng động cơ điện. Xe được vận hành bằng cơ cấu đạp chân có trợ lực từ động cơ điện một chiều sau đây được gọi là xe trợ lực điện.

Bên cạnh đó, cũng có không ít bạn học sinh vẫn ý thức được sự nguy hiểm của việc tháo dây hãm tốc là nguy hiểm như bạn Khánh Linh (lớp 12 trường Nguyễn An Ninh, quận 10) chia sẻ: “Mình không tháo dây này, thực sự mình thấy nó quá nguy hiểm cho mình và cho cả những người đi đường. Trước đây mình đã tháo một lần và lần ấy cũng là một bài học nhớ đời khi mình thắng không kịp và đụng vào chiếc taxi ngã lăn bị xe máy khác cán vào tay. Thực tế, lần đó mình bị thương nặng không bị bồi thường gì nhưng bản thân mình điều khiển xe hiểu rõ nhất vấn đề nó nằm ở chiếc xe của mình, thắng không được. Sau đó mình đã gắn lại dây hãm tốc”.

Xuất phát từ tâm lý muốn đi nhanh hơn, rút ngắn thời gian di chuyển từ nhà đến trường và từ chỗ học này đến chỗ học khác mà các bạn học sinh đã rút dây hạn chế tốc độ đồng nghĩa với việc các bạn đã rước họa vào thân. Vì lợi nhuận người bán sẵn sàng “kích tốc” để bán được nhiều xe hơn, hành động này đang tiếp tay cho các bạn trẻ phóng nhanh vượt ẩu dẫn đến tai nạn giao thông bất kì lúc nào. Phụ huynh phớt lờ quy định an toàn khi để con mình lưu thông trên những chiếc xe đã “kích tốc” không đảm bảo an toàn. Trong khi đó, hiện nay chúng ta lại chưa có khung hình phạt rõ ràng đối với việc thay đổi tốc độ của xe đạp điện nên rất khó xử lý. Phải chăng đã đến lúc chúng ta cần có những chế tài để hạn chế tình trạng này từ phía các cơ quan chức năng?

Bài, ảnh: Phạm Quyên

 

 

Bình luận (0)