Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch TP.HCM: Đổi mới để tồn tại

Tạp Chí Giáo Dục

Sân khấu (SK) kịch TP.HCM đã qua thời đỉnh cao, và cũng chưa bao giờ chông chênh đến thế. Những thay đổi liệu sẽ mở ra khởi đầu mới, hay dự báo một tương lai còn bấp bênh hơn?

Trong chưa đầy nửa tháng, hai thương hiệu sân khấu xã hội hóa nổi bật của làng kịch TP.HCM là sân khấu Hoàng Thái Thanh và sân khấu kịch Phú Nhuận (kịch Hồng Vân) lần lượt tuyên bố không thể sáng đèn hằng tuần, mà chuyển sang một mô hình hoạt động mới. Những người trong cuộc cho biết, sự thay đổi này là bắt buộc, để có thể tồn tại.

Lượng khán giả đến với sân khấu 5B tăng khả quan, nhất là các suất diễn thiếu nhi vào cuối tuần, khi 5B chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các vở diễn qua mạng xã hội

Lượng khán giả đến với sân khấu 5B tăng khả quan, nhất là các suất diễn thiếu nhi vào cuối tuần, khi 5B chủ động đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá các vở diễn qua mạng xã hội

Thay đổi hay là chết

“Chúng tôi không biết kế hoạch này có thành công hay không vì còn chờ thời gian trả lời. Chỉ biết là chúng tôi đã cố hết sức. Có thể chúng tôi đang phiêu lưu, nhưng chẳng thà chiến đấu như một hiệp sĩ rồi hy sinh, còn hơn ngồi im rồi cũng bị nhấn chìm” – NSƯT Thành Hội thẳng thắn chia sẻ khi SK Hoàng Thái Thanh quyết định chuyển sang hình thức “mùa diễn”.

Tương tự, NSND Hồng Vân cũng không còn đủ sức giữ SK Phú Nhuận sáng đèn thường xuyên. Chị có ý tưởng sẽ tập trung “đánh lớn” với những dự án có được đầy đủ nguồn lực cần thiết, cũng như hướng đến chinh phục khán giả các tỉnh, và đi sâu vào SK học đường. Nhưng tất cả vẫn đang là dự kiến, chưa có kế hoạch triển khai cụ thể.

Việc NSƯT Trịnh Kim Chi tiếp quản SK Phú Nhuận theo đề nghị của NSND Hồng Vân, để giữ SK tiếp tục hoạt động theo phương thức truyền thống – sáng đèn hằng tuần – dù ít nhiều an ủi những người tâm huyết với SK nhưng đường hướng hoạt động mới ra sao vẫn chưa rõ. 

Rất nhiều câu hỏi đặt ra với người làm SK TP.HCM, nhưng không ai nói trước được điều gì. Nếu có, chỉ có thể là “nỗ lực hết sức” mà thôi. Rõ ràng đây là tình cảnh mà người làm SK không hề mong đợi, nhưng bắt buộc phải làm. Nói như NSƯT Hạnh Thúy: “Các nhà quản lý SK đã phải rất đau đầu và tâm tư để đưa đến quyết định sống còn này”.

Thương hiệu Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF chính là mô hình “diễn kịch theo mùa” thành công suốt 21 năm qua

Thương hiệu Ngày xửa ngày xưa của sân khấu IDECAF chính là mô hình “diễn kịch theo mùa” thành công suốt 21 năm qua

Theo NSƯT Hạnh Thúy, việc thay đổi này có thể là một bước chuyển mình để tiếp cận khán giả hiệu quả hơn, là giải pháp cho thực trạng thưa vắng khán giả trong nhiều suất diễn hiện nay. Nhưng cũng hoàn toàn có thể là một thách thức rất lớn, vì: “Vốn dĩ khán giả hiện nay chưa quen việc một vở diễn chỉ diễn trong thời gian ngắn rồi thôi. Họ vẫn có thói quen nhẩn nha từ từ mua vé, vì một vở diễn hay có thể kéo dài đời sống hàng chục năm, nên có tâm lý “không vội gì”.

Khán giả cũng có điều kiện xông xênh chọn lựa giữa nhiều loại hình giải trí, và kịch là loại hình có vẻ “xa xỉ” về mặt tinh thần và thời gian với số đông công chúng…”.

Ở một mặt nào đó, cách tiếp cận này có vẻ đã phát huy hiệu quả tại SK Hoàng Thái Thanh, khi các suất tái diễn 10 vở kịch tiêu biểu để chính thức khép lại chặng đường 12 năm qua, trước khi bước vào “mùa diễn” mới, đã kín ghế (thậm chí khó đặt vé). Cũng dễ hiểu khi đây gần như là “cơ hội cuối cùng” để xem trực tiếp các vở diễn này. Còn hiệu ứng có tiếp tục được duy trì trong các “mùa diễn” hay không thì phải chờ xem, mà trước mắt là tổ chức được đã có thành công bước đầu.

“Tôi hiểu việc một số SK chuyển sang diễn thời vụ không chỉ vì áp lực thị trường, mà còn để ứng phó với việc không tập hợp được diễn viên. Hiện nay, diễn viên có  đa dạng sự lựa chọn từ phim truyền hình, webdrama, game show… SK không còn là nguồn sống và tạo danh tiếng nữa. Vì vậy, việc sắp lịch cho diễn viên cực kỳ khó. Ngay chính SK IDECAF thời gian gần đây cũng chấp nhận thế vai khi diễn viên báo bận – điều trước kia chúng tôi không cho phép. Tuy nhiên, việc giữ chân diễn viên trong khoảng thời gian cố định ba đến bốn tháng giữa thời buổi cơm áo gạo tiền này là không dễ. Tôi cũng từng có ý định cho IDECAF diễn thời vụ, nhưng tính đi tính lại thì không khả thi khi kinh phí đội lên nhiều lần…” – “ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của SK IDECAF không hề lạc quan mà còn cho rằng đây là sự “báo động” đối với làng kịch TP.HCM hiện nay.

Sài Gòn có một ngã tư- một trong những vở diễn được đầu tư nhiều tâm huyết của sân khấu Hoàng Thái Thanh

Sài Gòn có một ngã tư- một trong những vở diễn được đầu tư nhiều tâm huyết của sân khấu Hoàng Thái Thanh

Tự cứu lấy mình

Là một khán giả trung thành và am hiểu SK TP.HCM nhiều năm qua, chị Lê Thị Phượng Diễm nhìn nhận khá điềm tĩnh: “Việc hai thương hiệu lớn đại diện hai phong cách khác nhau của SK xã hội hóa (XHH) TP.HCM phải chuyển sang “diễn theo mùa” – dù câu chữ có hoa mỹ như thế nào thì bản chất vẫn là một bước lùi. Tôi có buồn, có tiếc cho bộ mặt SK XHH TP.HCM từng là điểm sáng cả nước, nhưng không bất ngờ vì tình cảnh này chỉ là sớm muộn”.

“Thử nhìn lại, SK Hoàng Thái Thanh không cân đối được thị trường và nghệ thuật, thậm chí từ bỏ yếu tố thị trường, dẫn đến việc khó mở rộng tệp khán giả. Ngược lại, SK Hồng Vân hoàn toàn thỏa hiệp với thị trường để rồi tự đánh mất những khán giả yêu kịch đích thực. Sau loạt kịch văn học gây tiếng vang, tôi không còn thấy SK Hồng Vân có thêm tác phẩm được giới chuyên môn lẫn công chúng đánh giá cao…”, chị Phượng Diễm phân tích. 

Cũng theo chị Phượng Diễm, các SK XHH chính là các doanh nghiệp kinh doanh nghệ thuật, và khi vận hành không hiệu quả, không đáp ứng được thị trường thì phải chấp nhận bị đào thải. “Việc diễn theo mùa không mới. Mô hình đã thành công 21 năm qua chính là chương trình Ngày xửa ngày xưa của SK IDECAF – không chỉ thắng về doanh thu, mà còn tạo nguồn khán giả cho kịch người lớn của IDECAF. Vậy nên, hướng đi đã có sẵn, kết quả phụ thuộc vào tầm nhìn, sự đầu tư đến nơi đến chốn, và tài quản trị của các ông bà bầu SK thôi”, chị Phượng Diễm nói.

Còn theo NSND Trần Minh Ngọc, SK XHH TP.HCM đã bão hòa khi các ông bà bầu nghệ sĩ không nắm được quy luật thị trường, mà vội “nở nồi” làm phân tán lượng khán giả, trong khi chưa đủ nội lực đảm bảo chất lượng biểu diễn để thu hút thêm khán giả mới. Việc SK lại co cụm là tất yếu, cũng là cơ hội để các đơn vị nhìn lại nội lực và củng cố lượng khán giả 
của mình.

Hai thế hệ nghệ sĩ cùng có tham gia A lô, lộ hàng!, vở diễn mới nhất của sân khấu Ideca

Hai thế hệ nghệ sĩ cùng có tham gia A lô, lộ hàng!, vở diễn mới nhất của sân khấu Ideca

“Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn cho biết, các suất diễn của SK IDECAF đều kín vé từ ngày 26/1 đến nay, và khi sàn diễn thu hẹp thì lượng khán giả sẽ dồn về các SK còn lại. Trong đó, IDECAF có lợi thế kịch mục đa dạng, đáp ứng thị hiếu công chúng. Tuy nhiên, ông vẫn nhấn mạnh sự hụt hơi của SK khi cạnh tranh với các loại hình giải trí số hiện nay, và cảnh báo nếu tiếp tục “giậm chân tại chỗ”, không có gì mới để thu hút khán giả, thì nguy cơ đóng cửa có thể đến bất cứ lúc nào.

Thời gian qua, Nhà hát Kịch SK Nhỏ 5B của “bà bầu” Mỹ Uyên cũng hoạt động khá khởi sắc, nhất là chương trình kịch thiếu nhi vào cuối tuần được khán giả thiếu nhi và phụ huynh ủng hộ nhiệt liệt. NSƯT Mỹ Uyên cho biết, tín hiệu đáng mừng này đến từ việc chủ động đẩy mạnh truyền thông qua mạng, cụ thể là “chạy quảng cáo” cho các vở diễn.

Nếu SK cứ mãi sa đà vào những cái tầm thường, vụn vặt như thời gian qua, thì khó thể giữ khách. SK phải trở lại những vấn đề mang tính lý luận, phải nói được những vấn đề của xã hội hôm nay. Điều này đòi hỏi người làm SK dũng cảm đi vào những đề tài khó, đối thoại với công chúng hiện đại. Đồng thời cũng cần tư duy cởi mở, thông thoáng, cũng như sự thông cảm, sẻ chia từ các cấp quản lý. Suy cho cùng, vấn đề của SK thì phải để người làm SK tự giải quyết. Còn chòi đạp, vùng vẫy là vẫn còn hy vọng.

Đạo diễn – NSND Trần Minh Ngọc

“Cách này giúp tác phẩm tiếp cận được các đối tượng khán giả tiềm năng rất nhiều, nhưng chi phí cũng không ít, nên tôi vẫn thận trọng trong việc lựa chọn từng dự án cụ thể để chạy quảng cáo”, NSƯT Mỹ Uyên chia sẻ. Chị cũng đồng thời khẳng định tất cả chỉ là giải pháp tạm thời, điều kiện tiên quyết để giữ khán giả vẫn là vở diễn chất lượng và hợp thị hiếu.

“Dù trước mắt còn nhiều thách thức, nhưng tôi cũng đặt niềm tin vào một sự chuyển đổi cần thiết để SK thành phố khởi sắc. Bởi qua đó, đã tạo một động thái để khán giả lưu tâm, tạo động lực để SK nhìn lại và thay đổi theo hướng phù hợp hơn với nhu cầu khán giả, đồng thời làm mới chính mình, để chất lượng hơn, độc đáo hơn, đại chúng hơn” – NSƯT Hạnh Thúy kỳ vọng.

Theo Đông A/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)