Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch TPHCM nhộn nhịp trở lại

Tạp Chí Giáo Dục

Không hẹn mà gặp, tháng Chín này là lúc các sân khấu kịch tại TPHCM đều vào giai đoạn “tăng tốc”, hoạt động nhộn nhịp hơn hẳn.

Sân khấu Hồng Vân đang công diễn (đợt 1) vở Bông cánh cò (kịch bản: cố nhạc sĩ Bắc Sơn, đạo diễn: Lê Nguyễn Tuấn Anh) và chính thức ra mắt điểm diễn mới tại Nhà văn hóa Sinh viên TPHCM (quận 3). 

Hơn 1 năm chia tay “mái nhà” Trung tâm văn hóa quận Phú Nhuận (sau 22 năm gắn bó), ngoài việc tìm “bến đỗ” cho các học trò bằng sân khấu học đường UEH Theatre tại Trường đại học Kinh tế TPHCM, NSND Hồng Vân vẫn tất bật tìm “nhà mới” để triển khai các dự án đang ấp ủ. Khảo sát điểm diễn mới vào ngày 1/8, 2 tuần sau, NSND Hồng Vân vừa sửa chữa khán phòng, vừa tập vở Bông cánh cò. Mọi việc hoàn tất chỉ trong 1 tháng. 

Sân khấu kịch Hồng Vân chính thức trở lại với vở nhạc kịch Bông cánh cò mang đậm sắc màu văn hóa Nam Bộ

Sân khấu kịch Hồng Vân chính thức trở lại với vở nhạc kịch Bông cánh cò mang đậm sắc màu văn hóa Nam Bộ

Với điểm diễn mới, NSND Hồng Vân mong muốn nuôi dưỡng lại dòng kịch văn học từng làm nên thương hiệu cho kịch Hồng Vân, cũng là niềm đam mê của chị. “Trước đây, tại sân khấu Phú Nhuận, chúng tôi buộc phải lấy ngắn nuôi dài nên có dòng kịch kinh dị song song dòng kịch văn học. Ở điểm diễn mới, tôi có đủ điều kiện trở lại với ước muốn ban đầu” – NSND Hồng Vân chia sẻ.  

Ngày 20/9, sân khấu Thiên Đăng do nghệ sĩ ưu tú (NSƯT) Thành Lộc gầy dựng sau khi tách khỏi sân khấu kịch IDECAF cũng chính thức ra mắt vở Giáng Hương (từ kịch bản gốc Trong bóng tối hậu trường của cố tác giả Nguyễn Thành Châu). Được biết, các suất diễn đầu tiên đều đã cháy vé. Khán giả yêu kịch nói chung và người yêu mến NSƯT Thành Lộc nói riêng không chỉ tò mò “phù thủy sân khấu” sẽ tạo dấu ấn mới như thế nào khi kịch bản này đã quá nổi tiếng với phiên bản cải lương Sân khấu về khuya, mà hơn thế nữa là kỳ vọng về một sân khấu cho nghệ sĩ thăng hoa trọn vẹn.

Như NSƯT Thành Lộc từng nhiều lần chia sẻ về “giấc mơ Broadway”, sân khấu Thiên Đăng cũng sẽ là nơi anh hiện thực hóa giấc mơ và thử nghiệm những điều mới mẻ cho sàn diễn. Các vở diễn ban đầu như Giáng Hương hay Lộ hàng được dựng theo phong cách off-broadway (nhạc kịch quy mô nhỏ). Đặc biệt, 2 đêm Lights on Broadway vào tháng Mười là chương trình do sân khấu Thiên Đăng kết hợp Impact Theatre Saigon (ITS – nhóm bạn trẻ say mê và theo đuổi nhạc kịch) thực hiện, tiếp tục hành trình đưa nhạc kịch đến gần công chúng Việt.

Sân khấu IDECAF cũng dần vượt qua xáo trộn. Các vở Thuốc đắng giã tật, Sắc màu, Tơ duyên  Một ngày làm vua đã ổn định dàn diễn viên, vẫn đang thu hút khán giả. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn chủ trương chào đón “những người cũ” trở lại và mời gọi mọi sự cộng tác, nhất là những gương mặt trẻ.

Vở Lộ hàng (trước đó là vở Giáng Hương) tại sân khấu Thiên Đăng được dàn dựng theo phong cách Off-Broadway - Nguồn ảnh: Fanpage sân khấu Thiên Đăng

Vở Lộ hàng (trước đó là vở Giáng Hương) tại sân khấu Thiên Đăng được dàn dựng theo phong cách Off-Broadway. Nguồn ảnh: Fanpage sân khấu Thiên Đăng

Tuy sinh sau đẻ muộn, sân khấu Trương Hùng Minh và nhà hát Thanh Niên hoạt động khá ổn định nhờ phát huy những tên tuổi ngôi sao giải trí và có độ phủ sóng mạng xã hội cao. Đạo diễn Hồng Ngọc – quản lý nhà hát Thanh Niên – cho biết, thời gian qua, chị đặc biệt chú ý đa dạng hóa các kênh truyền thông. “Cảnh chào kết vở Thanh Xà – Bạch Xà: Ngàn năm tỉnh mộng với các diễn viên mặc đồ cổ trang chụp ảnh lưu niệm với khán giả lan truyền mạnh trên TikTok đã kéo nhiều người mới đến xem vở. Tôi cũng sẵn lòng mời gọi các “ngôi sao TikTok” tham gia để nhờ sức hút sẵn có của họ” – đạo diễn Hồng Ngọc chia sẻ.

Sân khấu Hoàng Thái Thanh và sân khấu Thế Giới Trẻ vẫn phục vụ tốt lượng khán giả ổn định yêu thích phong cách của mình. Còn nhà hát Sân Khấu Nhỏ 5B, sau loạt hài kịch nhẹ nhàng, dần quay lại với những tác phẩm chính kịch, nặng tâm lý như Ái tình ngoài hôn nhân và sắp tới là Bến lửa lòng.

Nhìn lại, gần 2 năm qua, sân khấu kịch TPHCM đã có nhiều biến động. “Ông bầu” Huỳnh Anh Tuấn của sân khấu IDECAF thừa nhận vẫn chưa kịp đổi mới. Hiện tại vẫn chủ yếu làm lại cái cũ, còn tác phẩm mới như vở nhạc kịch Ai là hung thủ? (hay Em em chị chị) lại chưa đủ thu hút. Việc ông mở ra nhà hát Thanh Niên cũng là hướng tới tìm tòi cái mới cho sân khấu, nhất là con người mới với tư duy mới.

Đạo diễn Hồng Ngọc cho rằng, sân khấu kịch TPHCM gặp khó khăn trong nhiều năm, nhưng đây là giai đoạn “quá độ” rõ ràng nhất khi nhiều nơi đang “tái cấu trúc”. “Việc thành lập nhà hát Thanh Niên và chuyển hóa lực lượng tại sân khấu IDECAF khi NSƯT Thành Lộc và nhiều nghệ sĩ gạo cội rời đi cũng chính là tạo cơ hội cho nhiều diễn viên mới đến cộng tác, trong đó sẽ có nhiều bạn trẻ tài năng, khát khao làm nghề, chỉ là thiếu cơ hội” – đạo diễn Hồng Ngọc nói. 

Theo Ninh Lộc/PNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)