Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kịch văn học kéo khán giả đến rạp

Tạp Chí Giáo Dục

Xu hướng dàn dựng những kịch bản được chuyển thể từ tác phẩm văn học đã giúp sân khấu kịch TP HCM nhiều năm qua có thể sáng đèn

Tối 8-4, Sân khấu Kịch Hồng Vân (TP HCM) đã giới thiệu đến khán giả 3 trích đoạn nổi tiếng từ kịch bản văn học: "Mụ dì ghẻ", "Bão tố ngoài khơi" và "Thằng gù nhà thờ Đức Bà". Đông đảo khán giả, diễn viên đã đến xem.

Bệ phóng cho diễn viên trẻ

Không chỉ riêng Sân khấu Kịch Hồng Vân, một số sàn diễn kịch hiện nay đã hướng đến việc chọn kịch bản văn học. Sân khấu Kịch IDECAF đang dàn dựng kịch bản văn học mang tên "Lộ hàng" của đạo diễn Lê Hoàng. Đạo diễn NSƯT Thành Lộc đã chọn giải pháp mới lạ trong dàn dựng, trong đó chú trọng chọn những diễn viên trẻ để tạo cơ hội cho thế thệ trẻ tỏa sáng trong một kịch bản được đầu tư, chăm chút đẹp từ ý tưởng đến hình thức.

Sân khấu Kịch Hoàng Thái Thanh từ khi thành lập đến nay vẫn giữ tiêu chí dàn dựng kịch bản văn học. Các diễn viên trẻ gắn bó với sân khấu này và các học viên đang theo học lớp đào tạo nguồn nhân lực của thương hiệu Hoàng Thái Thanh, luôn được rèn nghề bằng các vở chuyển thể từ tác phẩm văn học.

Đạo diễn Ái Như cho biết: "Kịch bản văn học thường rất chuẩn nên sẽ giúp những diễn viên trẻ, cũng như các học viên có điều kiện tốt nhất rèn giũa nghề. Với kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học thường không có những lời thoại thừa, đa phần những lời thoại đều có ý nghĩa nên rất phù hợp cho các bạn trẻ thực hành về "kỹ thuật biểu diễn", "tiếng nói sân khấu"… qua đó hướng đến việc hành nghề chuyên nghiệp".

Thực tế cho thấy nhiều tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng đã được chuyển thể thành các vở kịch hay, thu hút người xem như: "Nửa đời ngơ ngác" (từ tác phẩm "Chiều vắng"), "Bao giờ sông cạn" (tác phẩm "Dòng nhớ"), "Mơ trăng bóng nước" (tác phẩm "Cô không phải người tôi thương"), "Mút chỉ, mút cà tha" (tác phẩm "Thương quá rau răm")… của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; vở "Sài Gòn có một ngã tư" (của nhà văn Trần Kim Trắc); vở "Lan phải sống" (tác phẩm "Tắt lửa lòng" của nhà văn Nguyễn Công Hoan); vở "Hãy khóc đi em" (tác phẩm "Trăng nơi đáy giếng" của nhà văn Trần Thùy Mai) và rất nhiều tác phẩm của nhà văn Ngọc Linh như: "Tụy lụy", "Ngôi nhà thiếu đàn bà", "Ngôi nhà không có đàn ông", "Cơn mê cuối cùng"…

Những vở kịch văn học này cũng đã tạo bệ phóng cho nhiều diễn viên trẻ phát triển nghề nghiệp và thành danh, được nhà nước phong tặng danh hiệu cao quý.

Kịch văn học kéo khán giả đến rạp - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở “Thằng gù nhà thờ Đức Bà” của đạo diễn Thanh Thủy. Ảnh: Vũ Hoàng Nam

NSND Hồng Vân cho biết khán giả TP HCM rất yêu thích kịch văn học, do vậy mà Sân khấu Kịch Hồng Vân luôn duy trì dòng kịch văn học hơn 15 năm qua và hiện nay các vở dựa theo tác phẩm văn học như: "Macbeth", "Thái hậu Dương Vân Nga", "Tấm lòng của biển"… vẫn đang là những vở chủ lực tại Sân khấu Kịch Hồng Vân.

Tuy nhiên, theo những người trong cuộc, hiện nay việc tìm kịch bản chuyển thể từ tác phẩm văn học đang gặp khó. Theo đạo diễn Ái Như, dòng kịch văn học đã có sẵn cốt truyện, tính hấp dẫn, sự bất ngờ từ các tình huống xung đột, các tính cách nhân vật và trên hết là tính nghệ thuật có trong nội dung; nên tác giả chuyển thể có thể bay bổng, tìm kiếm cách biến hóa để lý giải các xung đột từ bản thảo lên sàn diễn. Nhưng nếu sa đà vào cách thuật lại, minh họa hoặc mô phỏng những gì trang văn học đã viết thì kịch sẽ rất chán.

Có thể nói lực lượng tác giả có tên tuổi, chuyên chuyển thể tác phẩm văn học hiện nay khá mỏng. NSND Việt Anh trăn trở: "Người có nghề, có bút pháp thì cũ kỹ trong suy nghĩ; người trẻ có nhiều chất liệu, quan sát nhanh, cập nhật bén nhưng lại thiếu kinh nghiệm cấu trúc kịch bản".

"Để dung hòa hai lực lượng này và hình thành nên một đội ngũ có tay nghề chuyên sáng tác kịch bản dựa theo văn học, rất cần hội chuyên ngành đứng ra tập huấn, tạo cơ hội để các nhà biên kịch hai thế hệ ngồi lại, cùng nhau tháo gỡ những bất cập này" – NSND Việt Anh đề xuất.

Mới đây, Ban Lý luận Phê bình Hội Sân khấu TP HCM đã tổ chức các chuyên đề giao lưu – truyền nghề với các nghệ sĩ: NSND Kim Cương, NSƯT Thành Lộc, NSƯT Hùng Minh, NSƯT Lê Thiện, nghệ sĩ hài Mỹ Chi, kép độc Khánh Tuấn, nghệ sĩ Tú Trinh… Sắp tới, các chuyên đề về biên kịch sẽ được tổ chức để khán giả, diễn viên và tác giả trẻ sẽ được trao đổi kinh nghiệm và tìm hiểu về cách chuyển thể kịch bản từ tác phẩm văn học qua phần trình bày của nhiều tác giả nổi tiếng.

Hội Sân khấu TP HCM cũng đã nhìn thấy điều này và đã có kế hoạch thực hiện các chuyên đề về việc chuyển thể tác phẩm văn học phục vụ sân khấu nói chung, sân khấu kịch nói riêng. Mục tiêu đề ra là những tác phẩm văn học với đầy đủ những cung bậc cảm xúc, tiết tấu, tình huống, tính tư tưởng, mỹ học và xung đột, mâu thuẫn… sẽ sớm trở thành kịch bản văn học. Hoạt động này cũng thiết thực giúp các tác giả trẻ, diễn viên trẻ có cơ hội thể hiện, cống hiến và tìm tòi sáng tạo trong quá trình làm nghề chuyên nghiệp.

Theo Thanh Hiệp/NLĐO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)