Bài 1: Kiểm định để nâng cao chất lượng đào tạo
> Kiểm định chất lượng giáo dục đại học
Kiểm định chất lượng giáo dục đại học được chính thức bắt đầu từ tháng 12/2004 và trở thành một trong những nền tảng để xác định trách nhiệm cụ thể của cơ sở GDĐH đối với người học, người sử dụng lao động và đối với xã hội. Việc đưa ra một đánh giá chất lượng GDĐH là việc làm thiết yếu, đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của người học và xã hội và cũng là khẳng định uy tín của các nhà trường. Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, đã cho thấy những khó khăn, hạn chế cần sớm được tháo gỡ.
Đòi hỏi từ thực tế
Kể từ năm 2004 khởi đầu cho việc triển khai kiểm định chất lượng GDĐH, 20 trường đại học đầu tiên đã có báo cáo tự đánh giá, được đánh giá ngoài và đang chờ được công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng. Công tác đảm bảo chất lượng (ĐBCL) đang từng bước được tiến hành tại các trường đại học, cao đẳng khác. Tuy nhiên, do mới được hình thành và phát triển nên công tác đảm bảo và KĐCLGD đại học chưa được các cơ sở GDĐH triển khai thực hiện triệt để. Để khắc phục tình trạng này, bên cạnh việc ra văn bản yêu cầu các nhà trường khẩn trương thành lập các đơn vị làm công tác khảo thí và ĐBCL, Bộ GD-ĐT cũng đã chỉ đạo các trường đại học, cao đẳng phải triển khai công tác tự đánh giá theo lộ trình cụ thể.
Thực tế trên đã đòi hòi, GDĐH cần phải được kiểm định. Kiểm định chất lượng, đảm bảo chất lượng GDĐH chính là tự đánh giá mình, xác định mức xuất phát điểm của trường mình, từ đó biết được trường đang đứng ở đâu trên bản đồ GDĐH để có kế hoạch đảm bảo chất lượng hay cải thiện và nâng cao chất lượng của nhà trường – đây là điều quan trọng nhất và cũng là mục tiêu chính mà Bộ GD-ĐT yêu cầu các nhà trường thực hiện công tác tự đánh giá trong thời gian qua.
Trong nỗ lực triển khai hoạt động đảm bảo chất lượng tại các trường đại học và cao đẳng, báo cáo đánh giá của Bộ GD-ĐT cho thấy công tác tự đánh giá của các trường đại học, cao đẳng đã được chú trọng thực hiện trong thời gian qua. Theo số liệu thống kê trong hơn 3 năm qua, trong số 173 trường đại học, 178 trường cao đẳng trong cả nước đã và đang triển khai tự đánh giá, đã được đánh giá, trong đó 20 trường đại học đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đã được đánh giá ngoài và đang chờ xem xét công nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng (trong đó có 2 trường dân lập); 27 trường đại học khác, 16 trường cao đẳng và 10 chương trình cao đẳng đã hoàn thành báo cáo tự đánh giá, đang chờ đánh giá ngoài. Con số này chưa phải là nhiều nhưng đã nói lên nỗ lực rất lớn của các nhà trường trong việc tự nhìn lại mình. Và ngành GD cũng đang phấn đấu đến tháng 5/2009 có 90% số trường đại học, cao đẳng trên cả nước hoàn thành báo cáo tự đánh giá; đến năm 2010 có ít nhất 80% số trường đại học và 50% số trường cao đẳng trong cả nước được đánh giá ngoài; đến năm 2015 có 90% trường đại học, cao đẳng được kiểm định ít nhất 1 lần; đến năm 2020 được kiểm định ít nhất 2 lần và khuyến khích các trường đại học, cao đẳng đăng kí kiểm định bởi các tổ chức quốc tế.
Những hạn chế, bất cập
Cho dù công tác tự đánh giá của các trường đại học, cao đẳng đã được trú trọng hơn trong thời gian qua, nhưng TS. Nguyễn An Ninh – Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) cũng thừa nhận công tác KĐCLGD chưa trở thành nhu cầu thực sự, chưa có ý nghĩa sống còn đối với nhà trường. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng trên, trở ngại đầu tiên đó là nhận thức của chính đội ngũ cán bộ, giảng viên trong các trường đại học, cao đẳng và sau đó là cả xã hội. Tuy rằng trong một bộ phận giảng viên cũng đã có những chuyển biến, nhưng một số người vẫn chưa thấy được vai trò của KĐCLGD đối với việc nâng cao chất lượng GDĐH. Và chính điều này đã dẫn đến việc triển khai KĐCLGD ở một số trường còn mang tính hình thức, nên chất lượng của các báo cáo tự đánh giá chưa cao. Thêm nữa vai trò của các trung tâm, phòng hoặc tổ ĐBCL còn mờ nhạt, công tác cải tiến chất lượng còn hạn chế, công tác bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ hàng năm cho cán bộ, giảng viên chưa được chú trọng.
Trong khi đó, cho dù Bộ GD-ĐT đã có quy định về việc xây dựng các đơn vị chuyên trách làm công tác đảm bảo chất lượng, nhưng xem ra việc này cũng đang bị xem nhẹ. Số liệu thống kê cho thấy, đến nay vẫn còn có hơn 130 trường cao đẳng, 80 trường đại học chưa có trung tâm, phòng, tổ hoặc bộ phận chuyên trách làm công việc này. Còn với các đơn vị đã được thành lập lại chưa có quy định thống nhất về tên gọi, chức năng và nhiệm vụ nên triển khai chưa đồng bộ và kém hiệu quả. Đội ngũ cán bộ làm công tác KĐCLGD vừa thiếu và vừa yếu, hầu hết đều mới và chưa được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ
Về kinh phí cho công tác đảm bảo và kiểm định chất lượng GDĐH cũng chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn các trường đại học, cao đẳng chưa chú trọng dành kinh phí cho hoạt động này. Một số ít trường đã chủ động dành kinh phí, nhưng còn rất hạn chế. Khách quan bởi sự thiếu quan tâm của các nhà trường nhưng chủ quan cũng do hiện nay Bộ GD-ĐT vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn về mức chi cho hoạt động này.
Bên cạnh đó việc phân cấp quản lý chất lượng giáo dục còn chậm, cho dù Bộ GD-ĐT đã có chủ trương phân cấp quản lý công tác đánh giá KĐCLGD, nhưng các cơ quan quản lý trực tiếp của các trường đại học, cao đẳng chưa thực hiện hết trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc việc triển khai tự đánh giá của các trường.
Những khó khăn, bất cập trên cho thấy công tác KĐCLGD – một yếu tố quan trọng trong lộ trình nâng cao chất lượng GDĐH còn cần phải có nhiều nỗ lực lớn hơn nữa từ chính các nhà trường và các cấp quản lý.
Bạch Ngọc Dư (GD%TĐ)
Bình luận (0)