Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiểm định chất lượng giáo dục đại học: Cần quy định kinh phí hoạt động rõ ràng

Tạp Chí Giáo Dục

Đoàn chuyên gia đánh giá ngoài của mạng lưới các trường ĐH Đông Nam Á tiến hành kiểm định chất lượng tại ĐHQG TP.HCM

Bộ GD-ĐT đang gấp rút hoàn thiện dự thảo thông tư quy định về việc thành lập và giải thể, nhiệm vụ và quyền hạn của các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Tiếp đó, sẽ xúc tiến thành lập tổ chức kiểm định giáo dục để đảm đương việc đánh giá ngoài, thẩm định và công nhận kết quả kiểm định chất lượng giáo dục.
Mới 40% trường được đánh giá ngoài
Tại hội nghị “Sơ kết công tác kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường ĐH” do Bộ GD-ĐT tổ chức tại TP.HCM ngày 30-11, nhiều trường cho rằng, công tác kiểm định chất lượng giáo dục cần được chú trọng hơn về mặt chất lượng. TS. Phạm Xuân Thanh (Phó cục trưởng Cục Khảo thí & Kiểm định chất lượng giáo dục, Bộ GD-ĐT) thống kê, cả nước có 100 trường ĐH hoàn thành báo cáo tự đánh giá, tăng hơn 50 trường so với các năm trước. Tính chung, cả nước hiện có 45% trường ĐH-CĐ hoàn thành báo cáo tự đánh giá, vượt 15% chỉ tiêu đề ra. Tuy nhiên, theo ông Thanh, vẫn chưa có chuyển biến sâu sắc trong nhận thức của đội ngũ cán bộ, giảng viên các trường ĐH và toàn xã hội. Không ít đơn vị triển khai kiểm định một cách hình thức do chưa thấy hết vai trò của công tác này, gây ảnh hưởng đến chất lượng. Nhiều trường không quan tâm đến việc thành lập đơn vị chuyên trách về đảm bảo chất lượng. Nơi có thành lập thì lại thiếu phân định rõ chức năng, nhiệm vụ thực hiện. Nhân lực phục vụ cho công tác kiểm định chất lượng luôn trong tình trạng thiếu hụt do một số cán bộ sau khi được phân công, tham gia tập huấn lại chuyển sang làm công tác khác. Đã vậy, cán bộ đảm nhiệm công tác kiểm định ít được đào tạo bài bản về chuyên môn, lại ít được bồi dưỡng thường xuyên.
Thời gian qua, mới chỉ có 40 trường (chiếm 40%) được triển khai đánh giá ngoài, trong khi số lượng báo cáo hoàn thành tự đánh giá của các trường gửi về bộ ngày càng tăng lên. Chính điều này gây sức ép không nhỏ cho các trường, cơ quan quản lý nhà nước về kiểm định chất lượng giáo dục. Với đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020”, Bộ GD-ĐT xác định, phấn đấu đến năm 2020, có 95% trường ĐH và chương trình giáo dục hoàn thành báo cáo tự đánh giá lẫn đăng ký đánh giá ngoài. Để đạt con số “lý tưởng” này, đòi hỏi những nỗ lực không nhỏ và sự đầu tư thích đáng hơn cho giáo dục.
Cần xác lập kinh phí hoạt động cụ thể
Văn bản quy định về mức chi cho công tác kiểm định chất lượng giáo dục do Bộ GD-ĐT phối hợp Bộ Tài chính ban hành sớm nhất cũng phải đến năm 2011. Thời gian qua, việc thiếu văn bản quy định cụ thể như thế này là nguyên nhân chính đẩy các trường vào thế vô cùng lúng túng trong thực hiện khâu kiểm định. TS. Đỗ Văn Xê (Phó hiệu trưởng Trường ĐH Cần Thơ) nêu thực tế, kinh phí hoạt động kiểm định được các trường tự cân đối bằng việc “nhét từ túi này sang túi kia”. Cũng theo ông Xê, đề án “Xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020” quy định dành hơn 98,8 tỷ đồng cho hoạt động kiểm định chất lượng nhưng trong đó lại yêu cầu các trường tự chi hơn 84,5 tỷ đồng cho các hoạt động đánh giá ngoài; chính vậy sẽ gây khó cho các trường trong việc đảm bảo nguồn chi. Ông Xê kiến nghị Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục phối hợp Bộ Tài chính cần sớm có quy định cụ thể về kinh phí hoạt động kiểm định chất lượng để các trường có căn cứ thực hiện. Ông Nguyễn Khánh Sơn (Phó giám đốc Trung tâm Đảm bảo chất lượng và Khảo thí, Trường ĐH Cần Thơ) đồng tình: “Bộ GD-ĐT cần sớm xác lập kinh phí hoạt động với công tác đảm bảo chất lượng và nên xem đây như công tác nghiên cứu khoa học, đào tạo… mới mong đem lại hiệu quả mong đợi”. Tại trường, mỗi năm trung tâm được nhà trường cấp 150 triệu đồng thực hiện công tác kiểm định chất lượng. Tuy nhiên, chỉ tính riêng về công việc đánh giá chương trình thì cũng đã mất 140 triệu đồng/ năm.
Vấn đề xây dựng văn hóa chất lượng đang được rất nhiều trường nhắm đến. TS. Hồ Tấn Sính (Trường ĐH Ngoại ngữ – Tin học TP.HCM) chia sẻ, khó khăn lớn nhất trong thực hiện tự đánh giá tại trường là vận động cán bộ, nhân viên, sinh viên từng bước hình thành văn hóa chất lượng để mỗi thành viên đều nhận thức và “có trách nhiệm” tham gia công tác kiểm định chất lượng. Tại trường, cả cán bộ, giảng viên, sinh viên đều nhận thức khá mơ hồ với khái niệm kiểm định chất lượng giáo dục. Ông Đào Trọng Phương (Trường ĐH Đà Lạt) nhấn mạnh việc chế tài và khen thưởng cần được chú ý nhiều hơn bởi sau khi thực hiện kiểm định mà không gắn với biện pháp chế tài thì cũng “huề cả làng”. Chính Bộ GD-ĐT cũng nhìn nhận, cơ chế chính sách khuyến khích các hoạt động đảm bảo chất lượng chưa phong phú, mới chỉ dừng lại ở việc tính điểm thi đua và xem xét tăng chỉ tiêu tuyển sinh hằng năm. Tuy nhiên, với nhiều trường, biện pháp này chưa phát huy được “công lực” do trường không tuyển hết số chỉ tiêu được giao.
Bài, ảnh: Mê Tâm

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)