Sự kiện giáo dụcTin tức

Kiểm định chất lượng giáo dục ĐH còn gặp khó

Tạp Chí Giáo Dục

Bộ GD-ĐT vừa thông báo kết luận của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn tại hội nghị tổng kết công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2011-2020 trước đó đã diễn ra tại TP.HCM.


Hội nghị tổng kết công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm giai đoạn 2011-2020 diễn ra tại TP.HCM vừa qua

Trong kết luận, Thứ trưởng cho biết, ở Việt Nam, sau gần 2 thập kỷ xây dựng và phát triển, nhất là trong những năm triển khai thực hiện đề án xây dựng và phát triển hệ thống kiểm định chất lượng giáo dục đối với giáo dục ĐH và TCCN giai đoạn 2011-2020, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm đã đạt được những thành tựu quan trọng bước đầu.

Những kết quả nổi bật về công tác này mà toàn ngành đã đạt được thời gian qua phải kể đến: Đã tham khảo kinh nghiệm quốc tế để lựa chọn hướng đi phù hợp với thực tiễn Việt Nam; đã xây dựng, ban hành được hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, văn bản hướng dẫn để triển khai thực hiện hoạt động bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng bên trong các cơ sở giáo dục ĐH, trường CĐ sư phạm, các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục. Đội ngũ cán bộ làm công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ngày càng được tăng cường. Công tác kiểm định chất lượng giáo dục đã được triển khai đối với giáo dục ĐH và CĐ sư phạm trên cả nước, đạt được những kết quả ban đầu. Hợp tác quốc tế với các nước trong khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục được chú trọng. Nhận thức của cán bộ quản lý, giảng viên, sinh viên nói riêng và xã hội nói chung đối với công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục đã có sự chuyển biến tích cực.

Tuy nhiên, trong kết luận, Thứ trưởng cũng nhìn nhận, thời gian qua, công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm cũng gặp không ít khó khăn, bất cập như: Nguồn lực con người, tài chính để triển khai thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế.

Nhận thức của một bộ phận cán bộ, giảng viên ở các cơ sở giáo dục trong việc tiếp cận, thực hiện nhiệm vụ này còn chưa đồng đều; tiến độ thực hiện kiểm định chất lượng giáo dục còn chậm, nhất là đối với kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; kết quả đạt được chưa đảm bảo mục tiêu kế hoạch đề ra. Đội ngũ kiểm định viên còn mỏng; vẫn còn một số đơn vị chưa chủ động thực hiện công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục. Việc tổ chức, sắp xếp lại các tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục công lập theo quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục ĐH còn gặp một số khó khăn; quy trình, tiêu chuẩn đánh giá cũng cần điều chỉnh để phù hợp hơn.

Để thực hiện hiệu quả công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ĐH, CĐ sư phạm, phương hướng mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới của toàn ngành cũng được xác định rõ. Trong đó, sẽ tăng cường quản lý Nhà nước với công tác bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục, trọng tâm là lĩnh vực giáo dục ĐH và đào tạo giáo viên. Củng cố, tăng cường năng lực, tăng tự chủ, trách nhiệm giải trình đối với hệ thống bảo đảm và kiểm định chất lượng giáo dục ở các cơ sở giáo dục và tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục nhằm góp phần tạo sự chuyển biến căn bản chất lượng giáo dục.

Nhiệm vụ cụ thể, các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ có đào tạo giáo viên tiếp tục xây dựng, phát triển hệ thống bảo đảm chất lượng giáo dục bên trong phù hợp với sứ mạng, mục tiêu và điều kiện thực tế. Thực hiện tự đánh giá, cải tiến, nâng cao chất lượng đào tạo; định kỳ đăng ký tham gia kiểm định chất lượng chương trình đào tạo và cơ sở giáo dục.

Tổ chức kiểm định chất lượng giáo dục sắp xếp lại các đơn vị theo quy định hiện hành; ưu tiên triển khai thực hiện các hoạt động kiểm định chất lượng giáo dục đối với các trường sư phạm và chương trình đào tạo giáo viên; lựa chọn đội ngũ đánh giá viên, kiểm định viên phù hợp để tham gia các đoàn đánh giá ngoài. Bên cạnh đó, chú trọng tư vấn, khuyến nghị các cơ sở giáo dục những giải pháp thực hiện cải tiến nâng cao chất lượng…

Mê Tâm

Bình luận (0)