Nhịp cầu sư phạmNhịp sống học đường

Kiểm định chất lượng giáo dục phổ thông – Công cụ để nâng cao chất lượng giáo dục

Tạp Chí Giáo Dục

Kiểm định chất lượng giáo dục – nhất là công tác tự đánh giá là một việc làm quan trọng để biết được một cách tổng thể về thực trạng giáo dục của nhà trường. Nhiều CBQLGD, sau khi áp dụng quy trình kiểm định chất lượng giáo dục đã nhận xét rằng các đoàn thể như hội khuyến học, công đoàn, đại điện cha mẹ phụ huynh học sinh đã có ý thức phấn đấu, tạo điều kiện để nhà trường hoàn thiện hơn các tiêu chí chứ không tham gia một cách “miễn cưỡng” như trước đây. Tuy nhiên, vẫn có những đơn vị trường học xem công việc kiểm định chỉ dừng lại ở BGH, chưa có sự tham gia của các tổ chức khác.

Đầu năm học 2007-2008, Sở GD&ĐT Đà Nẵng, trên cơ sở dự thảo tiêu chí kiểm định chất lượng giáo dục (KĐCLGD) THPT của Bộ GD&ĐT, đã ban hành tiêu chí tạm thời đánh giá chất lượng giáo dục các trường học, triển khai thực hiện trong các trường học trên địa bàn thành phố. Đến nay, sau một năm triển khai, 100% các đơn vị, trường học tại Đà Nẵng đã hoàn thành việc tổng hợp kết quả tự đánh giá và thẩm định kết quả tự đánh giá với mục đích tìm ra những mặt mạnh, những hạn chế, tồn tại để tìm ra giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục.
Trường THPT Thái Phiên, THCS Trần Hưng Đạo, THCS Nguyễn Huệ, THCS Nguyễn Trãi, Trường Tiểu học Hoàng Dư Khương… đã phân tổ đánh giá các nhóm tiêu chí, xây dựng quy trình đánh giá, cụ thể hoá các thông tin minh chứng cụ thể, đánh giá những điểm yếu và đề ra giải pháp khắc phục. Cô Hà Thị Điểm – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Thái Phiên cho biết: “Nhờ tổ chức hoạt động tự đánh giá một cách công phu, chúng tôi thấy được cái mốc cụ thể để bổ sung, phấn đấu. Năm học vừa qua, trường THPT Thái Phiên đã trang bị thêm được một phòng CNTT, hoàn thiện phòng bộ môn dùng để trình chiếu, projector… Đặc biệt hơn cả là nhờ công tác KĐCLGD mà đại diện cha mẹ học sinh đã tham gia vào công tác kiểm định một cách thực chất, chủ động hơn trước”. Trong năm học 2008 – 2009 này, Trường THPT Thái Phiên đặt ra mục tiêu sẽ sử dụng CNTT trong phối hợp liên lạc với gia đình học sinh, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ giữa gia đình – nhà trường để nâng cao chất lượng học tập. Tuy nhiên, điều làm Hội đồng kiểm định Trường THPT Thái Phiên băn khoăn hơn cả là có những tiêu chí không phụ thuộc vào sự phấn đấu của nhà trường như sĩ số học sinh/lớp học; sự thiếu thốn các dụng cụ, thiết bị trong phòng học, tủ đồ dùng không đúng quy chuẩn… Trường THPT Trần Phú, sau khi áp dụng bộ tiêu chí KĐCLGD đã chủ trương cho phép giáo viên có thể linh hoạt thay bước dò bài cũ đầu mỗi tiết học bằng việc kiểm tra khâu chuẩn bị bài mới hoặc mức độ nắm bài ngay tại lớp của học sinh để lấy điểm. Điều này sẽ giúp giáo viên hiểu được những gì cần phải xoáy sâu hoặc các kiến thức cần hệ thống lại để triển khai trong một tiết dạy. Giáo viên, nhờ thế sẽ nương theo sự hiểu biết của học sinh để điều chỉnh chuẩn kiến thức chứ không phải áp đặt quan điểm của mình cho học sinh. Theo thầy Nguyễn Quang Long – Hiệu trưởng Trường THPT Trần Phú thì thực ra, việc kiểm tra một tiết, học kỳ hay kiểm tra bài cũ cũng là một mức độ để KĐCL. KĐCL, suy cho cùng là học sinh tiếp nhận được cái gì chứ không phải là thầy giáo nói cái gì. Bởi vậy, một khi mở rộng quy mô KĐCL lên đến cấp trường thì các mặt hoạt động như nề nếp, nội quy cũng đều có tác động đến chất lượng giáo dục. Chính vì vậy, sau khi tổ chức tự đánh giá, nề nếp lên lớp của cả học sinh và giáo viên cũng được BGH điều chỉnh: trống đánh vào lớp thì học sinh đã phải ổn định chỗ ngồi, giáo viên phải bắt đầu bước vào cửa lớp học chứ không phải đợi đến lúc ấy mới bắt đầu di chuyển từ phòng Hội đồng về lớp.
Năm học 2008-2009 này, ở hầu hết tất cả các trường học tại Đà Nẵng, kết quả KĐCLGD được sử dụng để thảo luận, phân tích trong hội nghị cán bộ công chức của đơn vị, từ đó giao nhiệm vụ cụ thể cho từng tổ chuyên môn, từng cán bộ, giáo viên để không ngừng nâng cao chất lượng theo các tiêu chí. Tuy nhiên, từ thực tế của một năm triển khai ở Đà Nẵng cho thấy rằng một số CBQLGD vẫn chưa nhận thức đúng và đầy đủ về công tác KĐCLGD, chưa tổ chức để các thành viên HĐSP tham gia vào công tác tự đánh giá, việc thực hiện các nội dung tự kiểm định còn mang tính chất đối phó, chưa thực chất. Ngoài ra, do chưa có hướng dẫn cụ thể về tìm minh chứng cho các tiêu chí nên việc triển khai đánh giá và cách tính toán các tiêu chí định lượng của các đơn vị còn lúng túng.
Hầu hết các CBQL đều cho rằng cấu trúc của bộ KĐCLGD phải có những tiêu chí cứng và tiêu chí mềm. Những tiêu chí cứng này nhất thiết cơ sở giáo dục nào cũng phải đạt yêu cầu như số phòng bộ môn/lớp học. Thậm chí, có những tiêu chí như máy vi tính phải tính chi li đến mức bao nhiêu học sinh, giáo viên có máy, số lượng máy của nhà trường là bao nhiêu thì mới có thể đạt yêu cầu xã hội hoá giáo dục? Ví dụ như ở cấp độ 2, trường phổ thông có số tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục theo cấp học đạt yêu cầu từ 65% đến dưới 80% tổng số tiêu chí trong bộ tiêu chuẩn ĐGCLGD thì cần phải bổ sung thêm trong đó có những tiêu chí nào là bắt buộc phải đạt loại tốt. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng cần có thêm những ràng buộc về quyền lợi và nghĩa vụ đối với những trường đạt hoặc chưa đạt các tiêu chuẩn về chất lượng.
Đà Nẵng đang có những bước chuẩn bị ráo riết để đón đầu năm học 2009-2010, năm học được Bộ GD&ĐT dự định chọn làm Năm Kiểm định chất lượng.
Hà Ánh Ngọc (gdtd.com.vn)

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)