Y tế - Văn hóaThư giãn

Kiểm duyệt kìm hãm sáng tạo?

Tạp Chí Giáo Dục

Những góc nhìn thẳng thắn về quan điểm sáng tác đã được các văn nghệ sĩ đặt ra, mong muốn một sự thay đổi quyết liệt trong tư tưởng, mở đường cho tự do sáng tạo

Một góc vấn đề quan trọng không kém cũng đã được mang ra bàn thảo khi nhà văn Chu Lai hỏi thẳng: “Liệu có phải văn học nghệ thuật đang bị kiềm tỏa bởi các định hướng chính trị và cơ quan kiểm duyệt?”.
Tự kiểm duyệt mình
“Liên hệ đến Nhật, Trung Quốc – từ trào lưu tính dục, giải phóng tính dục trong sáng tác của Murakami Haruki, Vệ Tuệ và các tác giả trẻ đến sự táo bạo của những tên tuổi như Mạc Ngôn, Trương Nghệ Mưu… – mọi thứ tồn tại với thời gian và như thế nào là do nhân dân xác định. Có thể nói như Mạc Ngôn, giải Nobel dũng cảm 1 thì nhà xuất bản dũng cảm 10 còn Tổng cục Chính trị Bát Lộ dũng cảm 100. Đề tài không có tội, từ chiến tranh – hòa bình, nông thôn, kinh tế đô thị đến đảng phái hay thể chế… Chỉ cần tác phẩm không vi phạm pháp luật, không ngang nhiên cổ xúy lối sống đồi trụy, không xúc phạm đến nền tảng đạo đức và các giá trị tinh thần cơ bản của dân tộc” – nhà văn Chu Lai nói.

Cảnh trong phim Áo lụa Hà Đông của đạo diễn Lưu Huỳnh, từng bị một vài ý kiến quy chụp chống chế độ khi dựng cảnh trường học bị ném bom. (Ảnh do đoàn phim cung cấp)
“Phê phán một ông chủ tịch xã tham nhũng mà bị chụp mũ là chống chính quyền. Quá trình xét duyệt lại do nhiều cấp phụ trách, hội đồng cồng kềnh với trình độ nhận thức khác nhau. Vậy nên số phận của những tác phẩm phê phán hiện thực xã hội lúc nào cũng nhiêu khê. Tác giả cũng vì thế mà tự kiểm duyệt mình, ngại đụng chạm đến những vấn đề nóng, nhạy cảm của xã hội” – NSND Đình Quang thẳng thắn. Đạo diễn Trần Minh Ngọc so sánh: “Ở nước ngoài, hình ảnh tổng thống, thủ tướng được khai thác tự do ở nhiều góc độ trên phim ảnh, sân khấu… nhưng ở Việt Nam động chạm một chút là không được duyệt”.
Nhà văn Đỗ Kim Cuông cũng lên tiếng đã có nhiều trường hợp nhà văn bị quy chụp một cách thô thiển. “Nếu đạo diễn Trần Văn Thủy hay Đặng Nhật Minh không dũng cảm trong lựa chọn tiếp cận đề tài thì làm sao có được những bộ phim có giá trị: Hà Nội trong mắt ai, Chuyện tử tế, Tiếng vĩ cầm ở Mỹ Lai, Cô gái trên sông, Thương nhớ đồng quê, Bao giờ cho đến tháng 10?…” – bà Nguyễn Thị Hồng Ngát nhắc lại.
Ai dám nhìn thẳng vào hiện thực?
Nhà viết kịch Lê Quý Hiền không ngần ngại bày tỏ: “Sự trớ trêu hiện nay là sân khấu với đặc trưng riêng vốn chọc thẳng vào những mâu thuẫn, xung đột xã hội nhưng chính những mâu thuẫn, xung đột đó lại được coi là nhạy cảm, trở thành một vùng cấm bất thường. Ví dụ tham nhũng hiện đang là quốc nạn và nhân vật tích cực trong các vở kịch đứng trước quốc nạn sẽ xử lý ra sao? Đề cập vấn đề này liệu rằng có xuôi, có bị quy kết tư tưởng là bôi xấu chế độ?”.
GS Phong Lê trầm tĩnh phân tích: “Nếu xác định tác phẩm có giá trị đỉnh cao nằm ở cái đẹp và cái thật thì văn nghệ sĩ đi theo con đường này cầm chắc không nhẹ nhàng, suôn sẻ. Với cái thật, họ không thể né tránh hay quay lưng trước sự sống của nhân dân. Mặt khác, họ phải đối diện với những thế lực bòn rút, ăn bám, tước đoạt sự sống của nhân dân. Nhưng đáng buồn là từ thập niên 1990 đến nay, tôi không còn được tiếp xúc với sự sống này trong văn học cũng như điện ảnh. Còn những mặt trái trong bộ máy công quyền cũng có mặt trong một số tiểu thuyết nhưng đọc tôi thấy ít thỏa mãn vì sự thiên lệch hoặc nửa vời của nó”.
Những “giới hạn sáng tạo” được đặt ra như một quy ước ngầm, mặc định trong tư duy sáng tác của nhiều văn nghệ sĩ hàng thập kỷ qua. Ngay cả khi bàn về tự do sáng tạo trong thời đại mới, nhiều người cũng kiêng ngại, e dè. “Hậu quả nhãn tiền” là những tác phẩm văn thơ phản ánh hiện thực ra đời vấp phải sự săm soi, phán xét của cơ quan công quyền như bài thơ Trăng nghẹn của nhà thơ nông dân Hoài Tường Phong (Cần Thơ), truyện ngắn Bóng anh hùng của nhà văn Doãn Dũng (Đồng Nai), chấn động hơn là vụ tác phẩm Cánh đồng bất tận của nhà văn Nguyễn Ngọc Tư bị Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Cà Mau cho là bôi đen hiện thực. Đây những minh chứng cho “sức ép của thể chế, kiểm duyệt” ai cũng biết nhưng không phải ai cũng dám nói ra. “Nếu người viết thiếu dũng cảm, thiếu bản lĩnh hoặc do những hạn chế, kiềm chế của thể chế thì đừng nói gì đến các giá trị, cũng đừng mơ đến giá trị đỉnh cao” – GS Phong Lê thẳng thắn.
“Khi tiêu chí giá trị trong đời sống chưa ổn định thì sẽ trở thành một trở ngại trong sáng tác. Đi sâu vào những xung đột xã hội nhiều khi bị quy chụp, thành ra cứ làm đi làm lại những tác phẩm hài, ma quỷ, đề tài khái niệm chung chung cho… lành!” – nhà viết kịch Lê Quý Hiền nhìn nhận.
Tự do sáng tạo đến đâu?
Trước những băn khoăn của các văn nghệ sĩ, ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, trấn an: “Luôn rất cần có những tác phẩm phê phán, chống lại cái xấu, phải chiến đấu loại bỏ cái xấu để dẫn đến một xã hội tốt đẹp. Nhưng các nhà làm nghệ thuật đừng lẫn lộn giữa phê bình cái xấu và bôi đen chế độ”.
PGS-TS Đào Duy Quát – Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận, Phê bình văn học nghệ thuật trung ương – nhấn mạnh: “Khuyến khích tác phẩm phê phán hiện thực nhưng không có nghĩa là có biểu hiện tư tưởng cực đoan, tô đậm cường điệu mặt đen tối hay xuyên tạc bóp méo lịch sử, đi ngược lại với lợi ích của nhân dân. Cũng không phải nhân danh đổi mới, cách tân mà chọn lọc một số khuynh hướng, trường phái lạc hậu, suy đồi, tạo nên những sản phẩm yếu kém về nghệ thuật”.
Quan điểm này được nhà lý luận phê bình Nguyễn Hòa ủng hộ: “Nhà văn lớn không phải ở chỗ anh chửi đời có hay hay không hoặc anh dám viết ra những lời ám chỉ, mà là ở chỗ anh biết trải lòng nhân ái để chia sẻ với thân phận con người”. Theo PGS-TS Nguyễn Đỗ Bảo, học tập, tiếp thu những giá trị mới, hiện đại nhưng phải giữ được truyền thống dân tộc, phù hợp với những chuẩn mực của xã hội. “Không phải ngông cuồng “cởi quần” đọc sách trong nhà vệ sinh, hay làm những điều kỳ khôi kiểu khỏa thân dán lông gà làm chim bay nói về tự do, trưng bày trước đám đông rác thải, nước cống để phê phán chế độ… thì gọi đó là nghệ thuật trình diễn, sáng tạo” – PGS-TS Bảo phân tích.
“Các mâu thuẫn xã hội phát sinh và gay gắt, cuộc sống đổi thay, hiện thực xô bồ, người sáng tác cũng chịu sự tác động mạnh mẽ từ những thay đổi này. Dùng những chuẩn mực của thời kháng chiến, thời chưa đổi mới tư duy để soi chiếu và áp đặt không còn phù hợp trong thời đại mới” – nhà văn Đỗ Kim Cuông đúc kết.
Cũng có góc nhìn cho rằng nhiều văn nghệ sĩ bất đắc chí với thời cuộc, đổ lỗi cho kiểm duyệt, tự trói mình trong sự kìm hãm tự thân. “Khuyến khích sáng tác tốt nhất là mang lại một môi trường mà ở đó, mọi sáng tạo đều được tôn trọng cho dù có lạ lùng, phi lý đến đâu. Có như thế, nghệ thuật mới thực sự có cơ hội phát triển” – đạo diễn Nguyễn Thước bày tỏ.
 Tăng cường đối thoại với văn nghệ sĩ
Nhà văn Nguyễn Huy Thông cho rằng cần đổi mới, cải tiến, nâng cao trình độ đội ngũ quản lý văn nghệ.
“Đây là yếu tố có ý nghĩa quyết định để khai thác mọi tài năng sáng tạo, phát triển văn hóa. Các vị lãnh đạo phải tăng cường tiếp xúc, đối thoại với văn nghệ sĩ, hiểu rõ những vấn đề bức xúc do thực tế sáng tác đặt ra. Những năm chống Mỹ và cả thời bình, những buổi tiếp xúc văn nghệ sĩ của các đồng chí Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Văn Linh… đã góp phần tháo gỡ những băn khoăn, vướng mắc, phát huy quyền dân chủ, thấu hiểu công việc sáng tạo của văn nghệ sĩ” – nhà văn Nguyễn Huy Thông kỳ vọng.
theo NLĐ

 

Bình luận (0)