Y tế - Văn hóaVăn hóa nghệ thuật

Kiểm duyệt phim kinh dị Việt thông thoáng hơn

Tạp Chí Giáo Dục

Hiện tại, có thể thấy việc kiểm duyệt phim điện ảnh Việt đã tiến thêm một bước mới, nhất là thể loại phim kinh dị. Điều này tạo động lực, sự sáng tạo cho các nhà sản xuất, đạo diễn trong quá trình khai thác chủ đề, câu chuyện phim.

Bước tiến trong duyệt phim

Hai năm trở lại đây, có thể thấy việc duyệt phim ở Việt Nam đang dần trở nên “dễ thở” hơn. Nếu rơi vào thời điểm khoảng 3 – 4 năm về trước, Chuyện ma gần nhà của đạo diễn Trần Hữu Tấn chắc chắn sẽ gặp rất nhiều khó khăn ở khâu kiểm duyệt từ câu chuyện đến hình ảnh. Theo đánh giá của giới chuyên môn, bộ phim này chưa hẳn là tác phẩm xuất sắc, nhưng là sự khích lệ mạnh mẽ cho giới làm phim Việt lẫn khán giả khi việc kiểm duyệt đã cởi mở hơn. Phim dán nhãn 18+ và “không bị cắt cảnh nào khi đem đi duyệt” như lời đạo diễn chia sẻ.

Kiểm duyệt phim kinh dị Việt thông thoáng hơn - ảnh 1

Phim Bóng đè. ĐPCC

Chuyện ma gần nhà gây chú ý với yếu tố ghê rợn, chủ yếu ở khâu tạo hình ma quỷ. Chẳng hạn, ở đoạn minh tinh Ái Như (Khả Như) lột mặt để thay đổi nhân dạng, ê kíp chăm chút ở phần hóa trang nhằm khắc họa cảnh nhân vật bóc từng lớp da rướm máu. Hình ảnh ma quỷ cụt đầu lặp đi lặp lại trong phim. Nhiều đoạn mang tính bạo lực rùng rợn vẫn được giữ, như cảnh nhà ngoại cảm Bích (Vân Trang) bị sát hại…

Ngoài ra, yếu tố “ma giả, ma thật” – vốn là hạn chế của phim kinh dị Việt – cũng được khắc phục ở Chuyện ma gần nhà khi các thực thể quỷ dị, vong hồn, người biết tà thuật… đều là “thật”. Trước đây, do khâu kiểm duyệt, một số phim Việt thường khiến người xem hụt hẫng vì sau những màn hù dọa của ma quỷ, các phim thường kết thúc bằng chi tiết hóa giải mọi sự việc là do nhân vật chính hoang tưởng, hoặc nằm mơ rồi tỉnh dậy. Anh Hoàng Quân, nhà sản xuất của Chuyện ma gần nhà, cho biết: “Nhờ kiểm duyệt cởi mở, chúng tôi không còn ái ngại với chủ đề mà mình muốn trải nghiệm đến nơi đến chốn và giữ được tinh thần bộ phim đúng như ý tưởng ban đầu”.

Tôi nghĩ hội đồng duyệt phim đã dần hiểu tâm tư, cái khó của nhà làm phim để từ đó có cái nhìn cởi mở hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất bây giờ cũng thoải mái thể hiện tác phẩm của mình, không tự hạn chế ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là tín hiệu vui mừng cho nền điện ảnh nước nhà

Đạo diễn Lương Đình Dũng

Phim Bóng đè đang chiếu rạp, khai thác nỗi sợ từ hiện tượng bóng đè – cảm giác tê liệt toàn thân khi ngủ dù đầu óc vẫn tỉnh táo, có nhiều cảnh ma quỷ hù dọa gợi liên tưởng đến một số tác phẩm Hollywood. Nhiều thế lực quỷ dị xuất hiện trong phim, như những bóng ma vụt qua trong đêm, người phụ nữ đột ngột xuất hiện trong gương, con ma nhảy bổ vào màn hình… Tất cả cảnh này không bị cắt gọt, giúp nhà làm phim tự do sáng tạo, chuyển tải câu chuyện đúng với mong muốn.

Tự do sáng tạo nhưng chất lượng phim vẫn yếu

Trước đây, các phim kinh dị như Rừng xác sống của đạo diễn Lê Văn Kiệt, Đoạt hồn (đạo diễn Hàm Trần), Chung cư ma (đạo diễn Văn M Phạm)… khi đem đi kiểm duyệt đều bị cắt nhiều phân cảnh và phải sửa đổi cái kết. Nhiều trường hợp như phim Bẫy cấp 3 còn bị cấm chiếu; hoặc Thất Sơn tâm linh bị buộc thay cả tên phim ban đầu là Thiên linh cái, rồi chỉnh sửa nhiều lần khi đem duyệt đến mức hỏng cả phim. Hiện tại, nhà sản xuất các bộ phim kinh dị đều cho biết họ vẫn giữ được sự táo bạo trong cách thể hiện trên phim, ít bị cắt xén mạnh bạo hay chỉnh sửa đến mức khiến phim phi lý như trước.

Kiểm duyệt phim kinh dị Việt thông thoáng hơn - ảnh 2

Phim Người lắng nghe. ĐPCC

Kiểm duyệt phim kinh dị Việt thông thoáng hơn - ảnh 3

Phim Chuyện ma gần nhà. ĐPCC

Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết gần đây khâu duyệt phim cởi mở hơn, tạo điều kiện cho sự tìm tòi, khai phá mới của người làm phim, do Hội đồng duyệt phim quốc gia có sự trẻ hóa khi thay đổi một số thành viên trong nhiệm kỳ mới (2021 – 2023). “Với điện ảnh, giải trí là yếu tố không thể thiếu được và vì phim đã dán nhãn theo độ tuổi, C18 là cấm khán giả dưới 18 tuổi, do đó cần nhìn nhận cởi mở hơn với vấn đề kinh dị, bạo lực ở mức chấp nhận được để hội nhập với điện ảnh chung của thế giới hiện nay…”, ông Thành nói.

Đạo diễn Lương Đình Dũng chia sẻ: “Tôi nghĩ hội đồng duyệt phim đã dần hiểu tâm tư, cái khó của nhà làm phim để từ đó có cái nhìn cởi mở hơn. Đạo diễn, nhà sản xuất bây giờ cũng thoải mái thể hiện tác phẩm của mình, không tự hạn chế ở nhiều góc độ khác nhau. Đó là tín hiệu vui mừng cho nền điện ảnh nước nhà”.

Tuy nhiên, dù “thả cửa” cho làm tự do ở thể loại kinh dị, không cắt gọt như trước nhưng có thể thấy phim kinh dị Việt hiện vẫn… chưa hay! Trong vòng hai tháng qua, khán giả Việt đã được thưởng thức tới 4 tác phẩm nội địa chiếu rạp khai thác mảng đề tài kinh dị, gồm: Nhà không bán, Chuyện ma gần nhà, Người lắng nghe, Bóng đè. Đáng tiếc, cả 4 tác phẩm kinh dị này đều chưa tròn trịa, “được này mất kia” trong phim, và bị chê vì những điểm yếu chung như: kịch bản đánh đố khán giả, nhân vật thiếu thuyết phục, các căn cứ khoa học mà đạo diễn lý giải trong phim còn sơ sài, thể hiện chưa tới, đặc biệt là những màn hù dọa hay các diễn biến tâm lý đã cũ mòn.

Bà Huyền Trang, đại diện phía cụm rạp Galaxy, nêu ý kiến: “Vẫn còn nhiều phim dở là do tài năng của đạo diễn còn hạn chế, chứ rõ ràng việc kiểm duyệt cởi mở giúp các nhà làm phim thoải mái sáng tạo. Vấn đề quan trọng nhất còn lại là sức sáng tạo, việc học hỏi cái mới của nhà làm phim đến đâu để quyết định sự thành bại của tác phẩm”.

Theo Phan Cao Tùng/TNO

 

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)