Việc kiểm duyệt cởi mở giúp nhà làm phim tự tin, thúc đẩy quá trình sáng tạo, cho ra đời những tác phẩm đa dạng, phục vụ nhu cầu thưởng thức phong phú của khán giả
Từ đầu năm 2022 đến nay, điện ảnh Việt có 7 tác phẩm mới ra rạp phục vụ khán giả, gồm: "1990", "Nhà không bán", "Mưu kế thượng lưu", "Chìa khóa trăm tỉ", "Chuyện ma gần nhà", "Bẫy ngọt ngào", "Người tình". Ngoài sự đa dạng về thể loại – từ kinh dị, giật gân đến hành động, tình cảm hài, lãng mạn – điều đáng chú ý là các phim này đã được kiểm duyệt cởi mở hơn.
Hợp lý, không câu khách
Lâu nay, điện ảnh Việt luôn đi theo một số lối mòn sau khi kiểm duyệt. Chẳng hạn, phim kinh dị thì chuyện ma mị không bao giờ có thật, tất cả chỉ là ảo tưởng, giấc mơ của nhân vật. Phim nhãn dán C18 (cấm khán giả dưới 18 tuổi) thì hạn chế hết mức những cảnh "nóng", những từ nói tục thường gặp trong cuộc sống…
Nhiều đạo diễn cho rằng vì những lối mòn ấy mà một số tác phẩm mất đi sự hấp dẫn, không truyền tải được hết ý đồ, thông điệp của từng cảnh phim đến khán giả. Việc này còn tạo nên tâm lý lo ngại, tự kiểm duyệt, né tránh nội dung "nhạy cảm" của nhà làm phim ngay từ khâu kịch bản cho đến khi tác phẩm được quay, dựng. Khán giả cũng thiệt thòi vì không được thưởng thức tác phẩm một cách trọn vẹn.
Tuy nhiên, nhiều phim gần đây đã được kiểm duyệt thoáng hơn. Các phim kinh dị như "Nhà không bán", "Chuyện ma gần nhà" giữ được những phân đoạn đắt giá về thế giới tâm linh. Những cảnh "nóng" và các lời nói thông tục trong "Bẫy ngọt ngào", "Người tình" cũng được giữ lại, đúng với nhãn C18…
Theo đạo diễn Đinh Hà Uyên Thư – phim "Bẫy ngọt ngào", tác phẩm này dán nhãn C18 nhưng không bị khâu kiểm duyệt cắt bất cứ cảnh nào, kể cả cảnh "nóng". Bản phim ra rạp không khác gì bản dựng cuối cùng của đạo diễn. "Tôi nghĩ việc kiểm duyệt đã cởi mở hơn. Thật ra, các cảnh này đều hợp lý với mạch phim, không dư thừa hay nhằm mục đích câu khách" – chị nhận xét.
Đạo diễn Uyên Thư cho rằng dù khâu kiểm duyệt có thoáng đến đâu thì nhà làm phim cũng phải tự tiết chế những hình ảnh nhạy cảm cho phù hợp với mạch phim, cần thiết cho nội dung. Nếu cố tình đưa các cảnh này vào phim để tạo sự tò mò, không liên quan hoặc không làm nội dung hấp dẫn hơn thì cần phê phán.
Phim "Chuyện ma gần nhà" cũng không bị khâu kiểm duyệt cắt phân đoạn nào. Đạo diễn Trần Hữu Tấn bày tỏ: "Cục Điện ảnh đã ủng hộ, tạo điều kiện rất tốt cho tác phẩm này ra rạp. Tôi rất vui vì sự đổi mới này".
Một cảnh trong phim “Nhà không bán”. Ảnh do nhà sản xuất cung cấp
Động lực và áp lực
Khi không còn quá lo nghĩ về khâu kiểm duyệt, nhà làm phim sẽ không còn thấy nặng nề, ngại ngần nhiều như trước. Họ sẽ tự tin, thăng hoa hơn trong sáng tạo. Những sản phẩm được làm ra sẽ đa dạng thể loại hơn, chủ đề được chọn lựa cũng hứa hẹn mới lạ hơn.
Đạo diễn kiêm biên kịch Kay Nguyễn nhìn nhận: "Đây là một chuyển biến tích cực, khuyến khích sự sáng tạo. Các nhà làm phim cũng không còn phải cố tìm mọi cách thể hiện tác phẩm sao cho "an toàn" để được kiểm duyệt".
Theo nhà biên kịch Thanh Hương, việc kiểm duyệt cởi mở hơn còn giúp khâu sáng tác kịch bản phim có cơ hội thể hiện những tìm tòi mới lạ. Đạo diễn và nhà sản xuất cũng không còn ái ngại với chủ đề mà họ muốn trải nghiệm nhưng thường rất khó lột tả đến nơi đến chốn, đủ sức thuyết phục khán giả.
Nhà báo Cát Vũ cho rằng cởi mở trong kiểm duyệt là xu hướng tất yếu khi sự sáng tạo trong tác phẩm được tôn trọng, đề cao. Việc này vừa là động lực cho các nhà làm phim nhưng cũng là áp lực buộc họ phải nâng cao tinh thần trách nhiệm, nhận thức đúng và đủ về vai trò của mình để tác phẩm hướng đến các giá trị chân – thiện – mỹ. Khán giả có cơ hội thưởng thức các tác phẩm đa dạng nhưng không vì thế mà dễ dàng tiếp thu mọi cái mới. Họ sẽ sàng lọc, đào thải những gì không phù hợp hoặc không thuyết phục.
Chỉn chu, nghiêm túc và hợp lý luôn là yếu tố quan trọng giúp tác phẩm điện ảnh hấp dẫn khán giả. Khi một tác phẩm điện ảnh ra rạp, khán giả quyết định tất cả, trong khi thị hiếu, trình độ thưởng thức của họ ngày càng tinh tế. Họ sẽ khó chấp nhận những phim chỉ dùng chiêu trò để câu khách, không hướng thiện. Thị trường điện ảnh sẽ đào thải những tác phẩm như thế.
"Tôi nghĩ không nhà sản xuất nào muốn làm ra tác phẩm kém chất lượng để khán giả có ấn tượng không tốt về mình. Vì thế, việc thông thoáng trong kiểm duyệt sẽ giúp ích rất nhiều để nhà làm phim sáng tạo, góp phần thúc đẩy nền điện ảnh của đất nước phát triển" – đạo diễn Kay Nguyễn nhận định.
Hội nhập với thế giới Ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Điện ảnh, cho biết Hội đồng Kiểm duyệt phim quốc gia đã thay đổi một số thành viên. Hội đồng hiện nay có các thành viên trẻ trung hơn, sự nhìn nhận và đánh giá cũng cởi mở hơn, phù hợp với xu thế chung của điện ảnh thế giới. "Quan điểm, đường lối của Đảng và Nhà nước cùng với chủ quyền biển đảo của đất nước là hai nội dung cần tuân theo những nguyên tắc bất di bất dịch. Ngoài ra, những nội dung khác, vấn đề khác mà tác phẩm điện ảnh đề cập, chúng ta cần cởi mở để hội nhập với thế giới. Chúng ta cũng đã phân loại phim theo độ tuổi rồi. Thời gian qua, Hội đồng Kiểm duyệt phim quốc gia đã đánh giá, nhìn nhận các tác phẩm điện ảnh theo hướng như vậy. Nhiều phim ra rạp gần đây đã cho thấy sự đổi mới của khâu kiểm duyệt" – ông Thành nhấn mạnh. |
Theo Minh Khuê/NLĐO
Bình luận (0)