Học y đa khoa (General Pratice) ở Mỹ là một hành trình dài và đầy khó khăn, đặc biệt với sinh viên quốc tế. Việc xin học bổng ngành này càng khó hơn.
Học y đa khoa ở Mỹ là một hành trình dài và đầy khó khăn, nhất là với sinh viên quốc tế – Ảnh: US News&World Report |
"Em muốn học ngành y đa khoa ở Mỹ. Xin anh chị cung cấp thông tin cần thiết về điều kiện để em thực hiện mong muốn của mình.
Em chắc chắn đáp ứng yêu cầu đó cho dù năng lực bây giờ còn thiếu. Hoàn cảnh gia đình em khó khăn, em có thể xin học bổng không, điều kiện ra sao?", tân sinh viên Trần Quốc Thái, ĐH Đà Nẵng đặt câu hỏi.
Anh Trần Đắc Minh Trung – cựu SV cao học giáo dục ĐH Harvard, Mỹ, phó giám đốc Trung tâm tư vấn du học APUS Việt Nam, cho biết:
Học y đa khoa (General Pratice) ở Mỹ là một hành trình dài và đầy khó khăn, đặc biệt với sinh viên quốc tế. Ở Mỹ – một nước y học rất tiến bộ và đắt đỏ, bác sĩ đa khoa (hay bác sĩ gia đình) được đào tạo gần như ngang với bác sĩ chuyên khoa (specialist).
Khác với một số nước châu Âu là nơi bác sĩ chuyên khoa phải học sâu hơn đa khoa, ở Mỹ bác sĩ đa khoa phần nhiều có thể xem như bác sĩ chuyên khoa về y khoa gia đình (family medicine) hoặc chăm sóc sức khỏe ban đầu (primary care).
Để học y khoa, em cần hoàn tất bốn năm đại học, sau đó nộp đơn xin học bốn năm cao học về y khoa. Học bất kỳ ngành nào cũng đều có thể nộp đơn xin học cao học y khoa, nhưng tùy từng trường y mà có các yêu cầu khác nhau về những lớp em đã hoàn tất tại bậc cử nhân.
Thường các trường y yêu cầu các ngành sinh học, hóa học, vật lý, toán… và cần phải có điểm tương đối cao (tối thiểu thường là 33/45) trong kỳ thi sát hạch y khoa chuẩn hóa trên toàn nước Mỹ (MCAT).
Theo quan sát thì người tốt nghiệp bằng cử nhân ở nước ngoài gần như rất khó có thể xin theo học cao học y khoa tại Mỹ. Do vậy em phải chuẩn bị tinh thần học bốn năm đại học, sau đó bốn năm cao học y khoa ở Mỹ.
Ngoài ra em sẽ phải trải qua phỏng vấn trực tiếp với từng trường nhằm đánh giá khả năng giao tiếp, suy nghĩ cũng như tiềm chất đạo đức của em. Qua hết tất cả các vòng này, em sẽ được nhận học y khoa.
Sau khi hoàn tất tám năm học này, ứng viên học y khoa cần hoàn tất thêm đào tạo thực tiễn (ở Mỹ gọi là residency) kéo dài từ 3-7 năm tùy theo chuyên ngành. Nếu là chuyên ngành phức tạp, em còn phải làm thêm fellowship (tạm hiểu là đào tạo sau cao học) từ 2-4 năm nữa. Như vậy học y khoa ở Mỹ dù là nhanh nhất em cũng sẽ mất 11 năm tổng cộng.
Tại Mỹ, thật sự học trường y nào không quá quan trọng mà quan trọng là làm residency ở đâu.
Học y khác với học kinh doanh hay luật. Đối với y khoa, em học ở khu vực nào phù hợp với sở trường của em và tìm ra bệnh viện thích hợp để thực tập mới là điều quan trọng nhất.
Về mặt tài chính, ở bốn năm đầu đại học, nếu sức học của em tốt (ví dụ TOEFL trên 100 hoặc IELTS 7.0, GPA nằm trong top 20% sinh viên cùng khóa, MCAT ít nhất 33 điểm), em sẽ có cơ hội được học bổng toàn phần.
Ở các năm cuối làm residency hay fellowship, em cũng sẽ được lương và trợ cấp. Nhưng đa phần trong bốn năm học cao học y khoa, rất hiếm có người được học bổng, sinh viên quốc tế lại càng hiếm.
Hầu hết các ứng viên y khoa phải vay nợ, mức nợ chi phí trung bình cho bốn năm này là 230.000 USD cho trường công và trên 300.000 USD cho trường tư. Do vậy em phải chuẩn bị rất kỹ lưỡng.
Theo thống kê của Hiệp hội Các trường y khoa Mỹ (AAMC), chỉ có dưới 10% sĩ số ứng viên cao học y khoa nằm trong nhóm 40% dân số thu nhập thấp của Mỹ. Nghĩa là ngành y khoa cực kỳ thiên vị cho những người từ gia đình có thu nhập cao.
Nếu em được nhận vào trường y khoa của Mỹ, các ngân hàng và công ty tài chính Mỹ sẽ có khả năng đồng ý cho em vay tiền học. Nhưng em sẽ phải cân nhắc thật kỹ áp lực tài chính của các khoản vay này vì chi phí là rất lớn.
Đa số sinh viên quốc tế muốn cống hiến về mặt y khoa ở nước Mỹ đều đi theo con đường nghiên cứu mà không phải đường khám chữa bệnh. Nếu em có bằng cử nhân y khoa ở Việt Nam và đủ trình độ nghiên cứu để được nhận vào một chương trình PhD (tiến sĩ nghiên cứu) về một ngành y khoa ở Mỹ thì khả năng học bổng toàn phần của em là rất cao.
Lưu ý là PhD chỉ cho phép người ta nghiên cứu về một lĩnh vực nào đó của y khoa mà không được khám chữa bệnh. Nhưng nếu có chí, đã từng có người tiếp tục học bác sĩ (M.D.- Medical Doctor) sau khi hoàn tất PhD.
CÔNG NHẬT/TTO
Bình luận (0)