Giám sát nguồn cung
Nhu cầu tiêu thụ thực phẩm của người tiêu dùng TPHCM rất lớn, nhưng nguồn hàng đáp ứng tại chỗ (TPHCM sản xuất) chỉ chiếm thị phần rất nhỏ, khoảng 15%, nên phải trông chờ chủ yếu vào các tỉnh bạn. Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai, Phó Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP TPHCM, cho biết, thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình hành động cụ thể, tích cực trong suốt thời gian qua như: Hoạt động ký kết kiểm tra, giám sát nhằm đảm bảo ATVSTP với tất cả tỉnh, thành có cung ứng nguồn nông sản, thực phẩm cho TPHCM; triển khai và phát triển đề án quản lý theo chuỗi thực phẩm an toàn, qua đó thực phẩm sẽ được thành phố kiểm soát chặt chẽ ngay từ đầu. Bên cạnh đó, TP tổ chức tốt 3 chợ đầu mối để kiểm soát 80% nguồn hàng thực phẩm đi vào thành phố, lập các chốt chặn tại các cửa ngõ, tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trên địa bàn… “Nếu người tiêu dùng mua trúng thực phẩm kém chất lượng, hoặc phát hiện các hành vi vi phạm ATVSTP vui lòng gọi số điện thoại đường dây nóng của Chi cục ATVSTP: (08) 39301714”, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai hướng dẫn người tiêu dùng.
Người dân chọn mua rau củ các loại tại chợ đầu mối Hóc Môn – một trong những chợ thực hiện chặt chẽ việc kiểm soát thực phẩm tại nguồn. Ảnh: GIA HÂN
Hiện nay, thành phố đang triển khai thí điểm truy xuất nguồn gốc thịt heo từ các cơ sở chăn nuôi, cơ sở giết mổ, đến nơi kinh doanh là kênh tiêu thụ hiện đại. Điều này cho thấy việc kiểm soát đã được thực hiện ngay từ khâu chăn nuôi đến người tiêu dùng. Tuy vậy, ghi nhận thực tế tại một số địa bàn giáp ranh giữa TPHCM (huyện Bình Chánh, Củ Chi…) với một số tỉnh như Long An, Tây Ninh…, tình trạng buôn bán gia súc, gia cầm trôi nổi vẫn diễn ra công khai. Lực lượng chức năng phải chật vật ứng phó với thực tế này. Vậy lực lượng thú y làm sao để quản lý, giám sát hiệu quả trong việc quản lý ATVSTP đối với lĩnh vực chăn nuôi?
Giải đáp thắc mắc này của người dân, ông Huỳnh Tấn Phát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thú y TPHCM, nhận định việc quản lý ATVSTP trong lĩnh vực chăn nuôi được kiểm soát từ khâu chăn nuôi, giết mổ đến kinh doanh tiêu thụ sản phẩm. Trong từng khâu đã có những quy định cụ thể để kiểm soát như khuyến khích các hộ chăn nuôi áp dụng thực hành sản xuất tốt (VietGAP); trong giết mổ đã có quy định về đánh giá xếp loại theo Thông tư 45/2015/TT-BNNPTNT. Ngoài ra, thành phố đã có quy hoạch hình thành các cơ sở giết mổ công nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn HACCP, GMP. Các cơ sở kinh doanh phải được thẩm định điều kiện an toàn thực phẩm. Hiện nay, các trường hợp vi phạm sử dụng chất kích thích tăng trọng trong chăn nuôi sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính và buộc tiêu hủy lô hàng vi phạm, đủ sức răn đe đối với đối tượng vi phạm.
Chi cục Thú y TP cũng thực hiện công tác thông báo định kỳ hàng tuần các trường hợp vi phạm cho Chi cục Thú y tỉnh Long An phối hợp xử lý từ gốc các hộ kinh doanh gia súc, gia cầm. Tại chợ đầu mối Bình Điền, tiểu thương được vận động ký cam kết không kinh doanh thịt heo bơm nước. Các trường hợp vi phạm sẽ bị bêu tên công khai trên hệ thống phát loa của chợ đầu mối. Tại các cơ sở giết mổ luôn có cán bộ thú y túc trực 24/24 giờ, kiểm tra và lưu giữ các lô hàng có dấu hiệu bơm nước để xử lý nghiêm. Để giám sát triệt để, hiệu quả, các cơ quan chuyên trách cũng đang tiến hành xây dựng quy chuẩn kỹ thuật trình các ngành có liên quan.
Tăng tần suất kiểm tra trong cao điểm tết
Bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai khẳng định, công tác đảm bảo ATTP không chỉ được thực hiện trong tháng cao điểm như dịp Tết Nguyên đán mà các cơ quan chức năng đã triển khai các hoạt động đảm bảo ATTP theo chức năng, nhiệm vụ ngay từ đầu năm 2016. Thế nhưng, trước nhu cầu tiêu thụ thực phẩm tăng cao, bên cạnh việc tăng lượng hàng để đưa ra thị trường của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh có phép, thì các cơ sở không phép, hàng nhập không chính ngạch, hàng gia đình làm cũng đồng loạt tham gia vào thị trường.
Do vậy các cơ quan chức năng đã có biện pháp tăng cường quản lý, giám sát, thanh tra, kiểm tra ATTP. Để tăng cường công tác đảm bảo ATTP trước, trong và sau Tết Nguyên đán, Ban Chỉ đạo liên ngành về ATVSTP Trung ương chuẩn bị ban hành Kế hoạch hướng dẫn các tỉnh, thành về công tác đảm bảo ATTP. Riêng TPHCM, Chi cục ATVSTP đã xây dựng kế hoạch này theo tình hình thực tiễn của thành phố, qua đó các cơ quan chức năng sẽ tăng cường các hoạt động nhằm quản lý, kiểm soát thị trường tốt hơn, góp phần bảo vệ sức khỏe người dân.
Không chỉ có lực lượng chuyên trách (Chi cục Thú y, Chi cục ATVSTP…) cùng ra sức ngăn chặn thực phẩm kém chất lượng, mất an toàn, mà các hệ thống siêu thị, doanh nghiệp lớn, uy tín trên địa bàn thành phố cũng chủ động làm tốt công tác này. Chẳng hạn, tại Saigon Co.op, lượng hàng rau, củ, quả… sản xuất theo chuẩn VietGAP đạt tỷ lệ 99% (chỉ còn một ít các sản phẩm rau gia vị như ớt, sả… là sản phẩm đạt chuẩn an toàn). Bên cạnh đó, hệ thống này đang tích cực đầu tư vào nông nghiệp sạch, phối hợp cùng các nhà cung cấp để sản xuất các sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ. Được biết, đơn vị này vừa phối hợp với các hộ nông dân của Hợp tác xã nông nghiệp Tân Tiến (tỉnh Vĩnh Long), có sự tư vấn của Giáo sư Võ Tòng Xuân, sự giám sát của đội ngũ khuyến nông địa phương, các viện khoa học để sản xuất, đưa vào kinh doanh sản phẩm gạo sạch trồng theo hướng hữu cơ Jasmine 100. Ông Nguyễn Thành Nhân, Tổng Giám đốc Saigon Co.op, thông tin: “Không chỉ dịp tết mà bất cứ thời điểm nào trong năm chúng tôi cũng đều đặc biệt quan tâm khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa trước khi đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Cao điểm phục vụ tết, tần suất kiểm tra, kiểm nghiệm càng dày hơn, được nâng lên từ 5 đến 10 lần. Đồng thời, chúng tôi đã đầu tư thêm và đưa vào hoạt động một phòng thí nghiệm ngay tại trung tâm phân phối cũng như tăng cường những chuyến xe lưu động kiểm tra tại nguồn”.
Tương tự, tại Công ty Vissan, việc truy xuất nguồn gốc thịt heo được xuất phát ngay từ trong sản xuất, chăn nuôi và giết mổ. Người tiêu dùng chỉ kiểm tra khi thấy nghi ngờ. Công ty Vissan đã triển khai việc truy xuất nguồn gốc từ trang trại đến bàn ăn từ nhiều năm nay. Ông Văn Đức Mười, Tổng Giám đốc Công ty Vissan, dẫn chứng, quy trình khép kín tại doanh nghiệp được thực hiện chặt chẽ: Nguồn heo nhập được niêm phong và mang vòng truy xuất trước khi lên xe, nguồn này tối thiểu phải đạt được tiêu chuẩn VietGAP. Sau đó xe được niêm phong lại chuyển về lò giết mổ có cơ quan thú y cùng kiểm soát và thử nhanh việc heo sử dụng các chất cấm hay không, nếu có sẽ bị xử lý loại bỏ, sau đó đưa vào giết mổ, pha lóc rồi mang vòng truy xuất để chuyển ra thị trường tiêu thụ.
Công tác đảm bảo ATVSTP, nhất là cao điểm tết rất cần được quan tâm, thực hiện thường xuyên, đều đặn. Một mùa xuân mới ấm áp, an toàn, được sử dụng thực phẩm đảm bảo chất lượng là mong mỏi hoàn toàn chính đáng của bất kỳ người dân nào.
THI HỒNG (SGGP)
Bình luận (0)