Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kiểm soát được dịch, sao vẫn xuất hiện F0?

Tạp Chí Giáo Dục

Một tuần trôi qua sau khi hai địa phương đầu tiên tại TPHCM công bố đã “kiểm soát được dịch COVID-19”. Tuy nhiên, số ca F0 mới vẫn xuất hiện khiến nhiều người lo lắng về khả năng kiểm soát dịch và các nguy cơ lây nhiễm.
Ảnh: Vân Sơn
Ảnh: Vân Sơn

Sở Y tế TPHCM khẳng định, địa phương kiểm soát được dịch nhưng vẫn có các vùng nguy cơ khác nhau, trong đó vùng đỏ là những nơi xuất hiện ca F0 mới.

Theo tiêu chí của Bộ Y tế

Những ngày qua, nhiều bạn đọc đã liên hệ phản ánh tới báo Tiền Phong về việc, người dân ở quận 7 và Củ Chi là hai địa phương đã công bố kiểm soát được dịch từ ngày 2/9, tuy nhiên đến nay trên địa bàn vẫn xuất hiện ca bệnh mới. Nhiều bạn đọc lo lắng về nguy cơ lây nhiễm bởi sự chủ quan của cộng đồng khi địa phương công bố đã kiểm soát được dịch nhưng số ca F0 mỗi ngày vẫn phát hiện qua xét nghiệm.

Theo số liệu từ Cổng thông tin COVID-19, TPHCM, ngày 7/9 tại Quận 7 ghi nhận thêm 173 ca mới mắc COVID-19, tại huyện Củ Chi ghi nhận thêm 231 ca mắc mới.

Tại cuộc họp báo về tình hình dịch bệnh trên địa bàn thành phố, trả lời câu hỏi của phóng viên Tiền Phong vì sao các địa phương đã công bố kiểm soát được dịch nhưng vẫn ghi nhận nhiều ca mắc mới, ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TPHCM cho biết: Theo tiêu chí của Bộ Y tế, khi các địa phương công bố kiểm soát dịch bệnh không có nghĩa là trên địa bàn hoàn toàn không có ca bệnh mà chỉ có tiêu chí căn cứ vào xu hướng giảm của số ca F0 trong một khoảng thời gian nhất định là 14 ngày. “Nếu địa phương nào thực hiện được các tiêu chí sẽ được đánh giá và xếp vào nhóm đã kiểm soát được dịch COVID-19 trên địa bàn. Điều đó có nghĩa là việc Quận 7, Củ Chi đã kiểm soát được dịch nhưng vẫn xuất hiện F0” – BS Nguyễn Hữu Hưng nói.

Đến nay, toàn thành phố bao gồm cả Củ Chi và Quận 7 đều chưa có quận huyện nào là “vùng xanh” trên bản đồ COVID-19 mà chỉ có những phường xã, khu phố là vùng xanh. Tiêu chí vùng xanh được đánh giá căn cứ trên cơ sở 14 ngày địa phương không có ca F0, vùng cận xanh là địa phương 7 ngày không có F0 vùng vàng có 1 ca F0, vùng cam 3 ca F0 và vùng đỏ 3 ca F0 trở lên. Thành phố đang nỗ lực thiết lập các khu vực bảo vệ, với lực lượng y tế, lực lượng của địa phương tham gia giữ chốt đồng thời tăng cường các hoạt động xét nghiệm, tiêm chủng và an sinh xã hội cho người dân để từng bước thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh sớm đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ đời sống của người dân và mở cửa phát triển kinh tế, xã hội bắt đầu giai đoạn bình thường mới.

Tại Quận 7, nhiều vùng xanh ở cấp độ tổ dân phố, phường đang được giữ vững. Hầu hết người dân ở các vùng đỏ, vùng cam đã được test (xét nghiệm) nhanh với COVID-19, số người dân tham gia tự test tại nhà để xác định tình trạng của bản thân và gia đình ngày càng nhiều. Trên địa bàn quận hiện có 11.655 ca dương tính với khoảng 2.600 F0 đang cách ly tại nhà. Cùng với việc phát đầy đủ các túi thuốc, địa phương đang tổ chức tư vấn qua điện thoại, đáp ứng nhanh các tình huống khẩn cấp được thực hiện hàng ngày để hỗ trợ F0 và cộng đồng.

Tại huyện Củ Chi, chính quyền địa phương đang khẩn trương mở các xã, ấp an toàn. Đến nay chỉ còn 1 xã thuộc vùng có nguy cơ cao (xã Trung An) 2/21 xã thuộc vùng có nguy cơ (xã Bình Mỹ, xã Tân Thạnh Đông), 18/21 xã bình thường mới, trong đó có đến 15 xã xanh. Tại các ấp đã xây dựng mô hình bảo vệ an toàn trước COVID-19.

Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TPHCM cho biết, thành phố đã lập các tổ đánh giá dựa theo tiêu chí của Bộ Y tế, sắp tới những địa phương đạt tiêu chí đề ra sẽ được công bố đã kiểm soát được dịch. Các địa phương này sẽ tiếp tục làm thu hẹp vùng đỏ mở rộng vùng xanh làm sạch COVID-19 trên toàn địa bàn.

Quyết định số 3979/QĐ-BYT ngày 18/8/2021 “Tiêu chí kiểm soát dịch COVID-19 tại các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16” nêu rõ. Số ca mắc mới tại cộng đồng theo tuần có xu hướng giảm liên tục so với 2 tuần liền kề trước đó và giảm ít nhất 50% so với tuần cao nhất trong đợt dịch; tỷ lệ số mẫu xét nghiệm dương tính trong số người lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR trong ngày tại cộng đồng có xu hướng giảm liên tục trong vòng 14 ngày; không ghi nhận chuỗi, chùm ca bệnh lây nhiễm mới xuất hiện trong vòng 7 ngày.

Theo Vân Sơn/TPO

 

Bình luận (0)