Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiểm soát giá cả và phục hồi sức mua

Tạp Chí Giáo Dục

Tết Nguyên đán đang đến gần, bên cạnh việc yêu cầu các bộ, ngành, địa phương bảo đảm cung cầu hàng hóa, tránh khan hiếm hàng thì việc kiểm soát giá cả, lạm phát được đặc biệt chú trọng.

Giảm áp lực tăng giá

Tại Hội thảo diễn biến giá cả, thị trường ở Việt Nam năm 2012 và dự báo năm 2013 do Viện Kinh tế – Tài chính tổ chức ngày 27/12 ở Hà Nội, các chuyên gia tài chính cho rằng: Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2012 tăng 6,81% so với tháng 12/2011, thấp hơn nhiều so với dự báo của Chính phủ (khoảng 8%) trong báo cáo đánh giá tại kỳ họp Quốc hội tháng 10/2012. Có thể khẳng định rằng: Chính phủ đã thành công trong việc thực hiện mục tiêu về kiềm chế lạm phát đặt ra trong chương trình kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2012.

Khách hàng lựa chọn hàng hoá tại Siêu thị Big C (Hà Nội), kênh phân phối hơn 70% hàng hoá sản xuất trong nước.

Theo các chuyên gia kinh tế, tuy đạt được những kết quả tích cực từ việc kiềm chế lạm phát năm 2012 nhưng trong năm tới, Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức bởi những tồn tại chưa thể khắc phục đuợc ngay như: Quá trình tái cơ cấu nền kinh tế mới chỉ là bước đầu, kết quả kiềm chế lạm phát chưa thật vững chắc, sức “đề kháng” của nền kinh tế trước những cú sốc lớn từ thị trường bên ngoài và các yếu tố thiên tai, dịch bệnh… chưa cao; tác động (theo độ trễ) của lượng tiền trong lưu thông tăng lên từ giải ngân vốn đầu tư đối với các dự án nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, hỗ trợ thị trường từ năm 2012 chuyển qua; tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu như: điện, than, dịch vụ công.
Ông Nguyễn Duy Thiện – Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) dự báo: Áp lực về CPI năm 2013 là đáng kể, đặc biệt là việc tiếp tục thực hiện lộ trình giá thị trường đối với một số hàng hóa, dịch vụ quan trọng thiết yếu như: điện, than, dịch vụ công đòi hỏi phải có sự kết hợp đồng bộ và linh hoạt và chọn thời điểm phù hợp.
Đồng tình quan điểm này, ông Nguyễn Lộc An – Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) đề xuất: Các mặt hàng tăng giá theo lộ trình cần tránh các thời điểm nhạy cảm và không nên tăng đồng loạt để tránh gây tâm lý bất ổn. Để hạn chế tăng giá hàng hóa, đại diện Bộ Công Thương kiến nghị: Nhà nước tiếp tục khuyến khích thực hiện có hiệu quả Chương trình dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường tại các địa phương nhằm tránh tăng giá hàng hóa mang tính thời vụ trong những thời kỳ cao điểm; nhân rộng mô hình dự trữ hàng hóa bình ổn cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh, những mặt hàng vật tư thiết yếu.
Theo Bộ Công Thương, cơ quan quản lý cần tiếp tục các biện pháp kiểm tra, kiểm soát thị trường, đảm bảo việc thực hiện nghiêm các quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn nhằm kiểm soát và ổn định giá.
Để ổn định giá cả, thị trường năm 2013, PGS. TS. Nguyễn Thường Lạng (Đại học Kinh tế quốc dân) cho rằng: Cơ quan quản lý cần thường xuyên theo dõi sát tình hình giá cả, thị trường, đặc biệt là giá cả những mặt hàng phụ thuộc vào thị truờng nước ngoài như: xăng dầu, vàng để có chiến lược đón đầu phù hợp. Chẳng hạn, cơ chế quỹ bình ổn nên áp dụng với việc điều hành giá xăng dầu như được áp dụng trong năm 2012 và cần tăng tính minh bạch nếu tiếp tục sử dụng cơ chế đó trong năm 2013.
Ngoài ra, Bộ Tài chính nên xây dựng trang thông tin điện tử chính thức về công bố giá cả của các loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu để công khai và minh bạch thông tin; phối hợp đồng bộ hơn nữa giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp để thống nhất đưa ra lộ trình điều chỉnh giá đối với từng mặt hàng, thị trường cũng như xây dựng cơ chế giám sát cần thiết.
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho DN, kích cầu tiêu dùng
Theo Vụ Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước – NHNN), áp lực lớn nhất trong điều hành là sức mua giảm sút, áp lực thứ hai là lo vốn cho tăng trưởng kinh tế, trong khi vốn vay chủ yếu qua kênh ngân hàng và các tổ chức tín dụng. Vì vậy, “NHNN cần tiếp tục yêu cầu các ngân hàng thương mại hạn chế chạy đua tăng lãi suất huy động, kiểm soát các chi phí để giảm lãi suất về mức hợp lý, phù hợp với tỷ lệ lạm phát nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh và giảm chi phí vốn hạ giá thành sản phẩm. Như vậy, nguời tiêu dùng mới có cơ hội mua sản phẩm giá rẻ”, ông Nguyễn Lộc An nói.
Truớc đó, Tổ điều hành thị trường trong nước đã đưa ra nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kích cầu tiêu dùng, trong đó nhấn mạnh biện pháp nâng cao mức thu nhập của người tiêu dùng. Một giải pháp được đưa ra là tiếp tục thu mua lúa, gạo cho nông dân để tồn trữ trong khoảng thời gian 3 tháng.
Trong tháng 6, tháng 7/2012, khi CPI âm, nhiều ý kiến thành viên trong Tổ đề xuất, muốn tháo “nút thắt” cho thị trường quan trọng nhất vẫn là tháo “nút thắt” cho thị trường bất động sản. Vì nếu tháo gỡ được “nút thắt” này sẽ kích cầu các ngành vật liệu xây dựng như xi măng, sắt thép. Đồng thời, Bộ Công Thương kiến nghị Nhà nước giảm thuế VAT cho các loại hàng hóa tiêu dùng nhằm tạo điều kiện giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng…
Theo ông Nguyễn Tiến Nghi – Phó Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam, những chính sách tháo gỡ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất, phục hồi thị trường không phải “một sớm, một chiều” chuyển biến tốt theo mong muốn. Vì vậy, các doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực thép phải nhận thức được những yếu kém của mình mà đặt ra kế hoạch tái cấu trúc doanh nghiệp cho phù hợp và nâng cao quản trị của doanh nghiệp.

Minh Phương
Theo Báo Tin Tức

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)