Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiểm soát giá: Dao hai lưỡi?

Tạp Chí Giáo Dục

Tình trạng giá các mặt hàng, dịch vụ thiết yếu đồng loạt gia tăng trong thời gian gần đây đang gây âu lo lớn trong xã hội. Thế nên không có gì khó hiểu khi Bộ Tài chính nỗ lực thực hiện các biện pháp như: tổ chức các đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về thuế, pháp luật về giá đối với doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh những hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục bình ổn giá.
Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và kinh tế cũng nói rằng, việc làm của Bộ Tài chính xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Kinh tế Việt Nam đang phải đối mặt với hai áp lực về tỷ giá và thâm hụt ngân sách. Ngoài ra, tiền đồng liên tục chịu áp lực giảm giá…
Kiểm soát giá bán lẻ sữa
Nhìn chung, kiểm soát giá cả ở Việt Nam nên được hiểu trong bối cảnh sức ép lạm phát quá lớn từ vài năm trở lại đây. Đứng trước nguy cơ bất ổn nghiêm trọng do lạm phát gây ra, Nhà nước đã tìm mọi cách để ghìm cương con ngựa bất kham này.
Đầu tiên là siết chặt quản lý kinh doanh tín dụng của ngân hàng (thí dụ như nâng mức dự trữ bắt buộc, đặt ra hạn mức tăng trưởng tín dụng hằng năm) và nâng lãi suất cơ bản. Rồi Nhà nước lại tiếp tục trợ cấp cho một số mặt hàng như xăng dầu để giữ giá trong nước ổn định (trong khi giá xăng dầu thế giới tăng đột biến). Không có ai phàn nàn gì về việc Nhà nước bù lỗ để giữ giá xăng dầu, hoặc áp đặt quản lý giá đối với các doanh nghiệp nhà nước.
Bởi vì, áp đặt các quy định hành chính đối với hoạt động của doanh nghiệp nhà nước vốn được coi là bình thường. Điều này cũng khẳng định việc tăng cường quản lý giá cả là bước đi có tính toán của Chính phủ nhằm kiềm chế lạm phát. Thế nhưng, theo một số ý kiến, rõ ràng là hiệu quả của thông tư kiểm soát giá không đi đến đâu.
Nhìn chung, nhiều chuyên gia cho rằng, quản lý giá cả làm cho các quy luật kinh tế bị biến dạng. Doanh nghiệp có ít động cơ để cung ứng, vì thế có thể gây khan hiếm trên thị trường. Mặt khác, nó cũng làm méo mó việc phân bổ nguồn lực kinh tế nói chung. Thời bao cấp ở Việt Nam đã cho thấy sức tàn phá dữ dội của biện pháp kiểm soát giá cả ngặt nghèo.
Không chỉ vậy, thời gian vừa qua, dường như các nước cũng rất quan tâm đến vấn đề kiểm soát giá của Việt Nam. Nhiều cảnh báo đưa ra rằng Việt Nam không nên áp đặt kiểm soát giá cả vì đã có rất nhiều thị trường trên thế giới gặp thất bại trong việc này và phải khắc phục hậu quả trong nhiều thập niên. Nhiều công ty nước ngoài tại Việt Nam đang e ngại việc Hà Nội sẽ áp đặt kiểm soát giá cả trên các mặt hàng như xăng dầu, xi măng, khí đốt và sắt…
Có lập luận cho rằng, quản lý giá bằng giá trần sẽ quá hà khắc và có thể gây ra tình trạng khan hiếm giả tạo, trong khi quản lý giá bằng giá thành thì lại thường không có tác dụng hạ thấp giá bán. Trong trường hợp quản lý thông qua giá thành, các doanh nghiệp luôn “thông minh” hơn Nhà nước trong việc làm tăng giá thành để đẩy giá bán lên cao.
Tuy nhiên, đó cũng chỉ là những ý kiến trái chiều của những người “mổ xẻ” chính sách, trước mắt Nhà nước rất cần và phải thường xuyên can thiệp, nhưng không phải bằng cách quản lý giá, mà bằng cách sử dụng luật về cạnh tranh để chống lại các hành vi cấu kết và thao túng giá cả trên thị trường.
Theo QUỲNH CHI / DNSG
 

Bình luận (0)