UBND TP.HCM vừa ban hành kế hoạch kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 – 2025 trên địa bàn TP.HCM.
Kiểm soát, quản lý bền vững dịch bệnh Covid-19 giai đoạn 2023 – 2025 được xây dựng thực hiện nhằm bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân
Kế hoạch được ban hành nhằm bảo đảm kiểm soát hiệu quả, bền vững dịch Covid-19 để bảo vệ tối đa sức khỏe của người dân góp phần phát triển kinh tế – xã hội.
Theo kế hoạch, công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành sẽ tập trung rà soát, kiện toàn Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp; phát huy vai trò, trách nhiệm của từng ban ngành, đoàn thể trong công tác phòng, chống dịch cho cộng đồng và ngay trong phạm vi quản lý của mỗi ban ngành, đoàn thể. UBND quận, huyện, TP.Thủ Đức căn cứ diễn biến thực tế tình hình dịch bệnh và hướng dẫn của Sở Y tế, thực hiện việc công bố dịch và công bố hết dịch theo Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm,…
Đối với công tác chuyên môn, tập trung theo dõi sát diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước, trên thế giới, cung cấp kịp thời các thông tin về tình hình dịch bệnh. Lồng ghép giám sát Covid-19 vào hệ thống giám sát tác nhân gây bệnh đường hô hấp, bao gồm giám sát trọng điểm hội chứng Cúm (ILI), giám sát viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát đặc điểm di truyền của vi rút SARSCoV-2 để theo dõi các biến thể của vi rút.
Tư vấn về việc tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 đủ liều và đúng lịch theo quy định của Bộ Y tế và chăm sóc, điều trị bệnh nền cho người thuộc nhóm nguy cơ và người sống chung, người cùng gia đình. Củng cố hoạt động của hệ thống giám sát nhằm phát hiện sớm và quản lý, chăm sóc kịp thời các trường hợp bệnh không để dịch bùng phát trở lại và hạn chế tối đa xảy ra nguy cơ dịch chồng dịch. Chuẩn bị sẵn sàng các phương án ứng phó với các tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh,…
Đối với công tác điều trị, kế hoạch nhấn mạnh các cơ sở khám, chữa bệnh bảo đảm năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực. Cập nhật hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19. Tăng cường các biện pháp kiểm soát nhiễm khuẩn, phòng lây nhiễm, hạn chế tối đa lây lan dịch bệnh trong các cơ sở y tế, chú trọng bảo vệ người bệnh thuộc nhóm có nguy cơ cao.
Quản lý, chăm sóc, điều trị và hỗ trợ người mắc có nguy cơ chuyển nặng
ngay tại cộng đồng; theo dõi và kịp thời điều trị các biến chứng sau khi mắc Covid-19. Hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh; tiếp tục theo dõi, rà soát, sửa đổi, cập nhật phù hợp với tình hình mới.
Rà soát, thống kê, điều chỉnh nhu cầu trang thiết bị y tế, hồi sức, bao gồm
máy móc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, thuốc thiết yếu, phương tiện phòng hộ cá nhân, ô xy y tế… phục vụ cho phòng, chống dịch COVID-19 phù hợp với tình hình mới.
Công tác chuyên môn cũng tập trung xây dựng và triển khai kế hoạch sử dụng vắc xin phòng chống Covid-19 phù hợp theo đối tượng, lịch tiêm chủng. Ưu tiên tiêm chủng nhóm nguy cơ cao. Thực hiện dự phòng cá nhân, trong đó có việc khuyến khích thực hiện 2K (khẩu trang – khử khuẩn).
Kế hoạch cũng tập trung cho công tác truyền thông về tình hình dịch bệnh Covid-19 trên thế giới và Việt Nam, truyền thông trên nhiều phương tiện, nhiều hình thức để người dân biết, không hoang mang, lo lắng nhưng cũng không chủ quan, lơ là.
Tập huấn về hướng dẫn giám sát phòng, chống dịch bệnh Covid-19, hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19, hướng dẫn phòng và kiểm soát lây nhiễm Covid-19 trong cơ sở khám chữa bệnh công lập, ngoài công lập. Thành lập nhóm, tổ chuyên gia hỗ trợ trong việc hướng dẫn chỉ đạo chuyên môn kỹ thuật.
Tiếp tục ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, báo cáo, thống kê
ca bệnh, xét nghiệm, tiêm vắc xin; tư vấn, điều trị, đào tạo từ xa và chia sẻ thông tin về giám sát dịch bệnh, tiêm vắc xin, xét nghiệm, điều trị, phục vụ phòng, chống dịch.
Tiếp tục các hoạt động chia sẻ thông tin về tình hình dịch, các biến thể mới, vắc xin, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch với các tổ chức quốc tế. Đẩy mạnh các hoạt động hợp tác với Đơn vị Nghiên cứu Lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU), Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ và các tổ chức quốc tế khác trong xây dựng các hệ thống giám sát dịch tễ, kĩ thuật xét nghiệm, kịch bản đáp ứng và nâng cao năng lực hệ thống phòng, chống dịch.
Kế hoạch cũng tập trung công tác hậu cần, trong đó bảo đảm đáp ứng đủ thuốc, vật tư tiêu hao, hóa chất, sinh phẩm, vật tư, trang thiết bị phù hợp với tình hình dịch. Có phương án đảm bảo cơ số giường bệnh, giường điều trị tích cực, khu vực điều trị Covid-19 tại các tuyến huyện và thành phố. Thực hiện các chế độ chính sách đãi ngộ phù hợp với những người làm nhiệm vụ y tế dự phòng, y tế cơ sở, người trực tiếp tham gia công tác phòng, chống dịch theo đúng quy định.
N.Trinh
Bình luận (0)