Thời công nghệ, đa dạng đồ chơi điện tử được du nhập về nhưng những chiếc lồng đèn giấy kiếng vẫn còn chỗ đứng. Nhờ đó, nghệ nhân có cơ hội để giữ nghề truyền thống, người lao động có thêm thu nhập từ việc làm lồng đèn vào dịp Tết Trung thu.
Chú Nguyễn Văn Sĩ đang làm lồng đèn
Tạo niềm vui cho các em nhỏ
Những ngày này, gia đình chú Nguyễn Văn Sĩ (56 tuổi, ngụ Q.11, TP.HCM) tất bật với việc làm lồng đèn để giao cho khách.
Chú Sĩ cho biết, gia đình chú gắn bó với nghề làm lồng đèn hơn 20 năm qua. Cứ mỗi dịp Tết Trung thu về, gia đình chú lại chẻ tre, tạo khung, dán giấy làm lồng đèn tạo niềm vui cho các em nhỏ. Lồng đèn được gia đình chú Sĩ làm có các kiểu như: Lồng đèn con gà, con cá, con thỏ, con bướm được dán từ giấy kiếng truyền thống.
Năm nay, gia đình chú Sĩ làm ra khoảng 10 ngàn chiếc lồng đèn để giao cho khách. Mỗi chiếc có giá từ 17-20 ngàn đồng. “Mỗi ngày, một người có thể làm ra được khoảng 20 chiếc lồng đèn. So với đi làm công thì thu nhập không bằng nhưng được cái là làm chủ được thời gian”, chú Sĩ cho biết.
Vì là nghề truyền thống của gia đình nên chú Sĩ rất tâm huyết với nghề làm lồng đèn dù đây không phải là nguồn thu nhập chính. “Những năm gần đây, nghề làm lồng đèn chật vật nhưng tôi không bỏ nghề được. Những ngày thường, tôi buôn bán hàng ở chợ, khi Trung thu về tôi và gia đình tranh thủ thời gian rảnh làm lồng đèn giữ nghề. Mỗi chiếc lồng đèn làm xong bán ra không lời được bao nhiêu nhưng tôi cảm thấy rất vui vì không chỉ được duy trì nghề truyền thống cha mẹ để lại mà còn tạo niềm vui cho các em nhỏ, giúp các em nhớ về cội nguồn từ những chiếc lồng đèn truyền thống”, chú Sĩ chia sẻ.
Chị Hứa Ngọc Trân có thêm thu nhập từ công việc dán lông cho lồng đèn
So với lồng đèn điện tử nhập khẩu, lồng đèn truyền thống giấy kiếng không thể sánh được. Nhưng nhờ những nghệ nhân tâm huyết đã không ngừng sáng tạo, nghĩ ra cách làm lồng đèn trở nên bắt mắt để cạnh tranh và thu hút các em nhỏ.
Cũng là lồng đèn ngôi sao, con cá, con gà, chiếc thuyền… nhưng lồng đèn của gia đình chú Giang Tử (60 tuổi, ngụ Q.11) lại bán được hơn so với lồng đèn ở những nơi khác. Chú Giang Tử cho biết, ngoài chất lượng thì hình thức là yếu tố quan trọng để thu hút khách “nhí”. Nhìn chiếc lồng đèn dán giấy kiếng, điểm thêm vài chi tiết cũng khá bình thường, năm nào như năm nấy không có gì khác biệt. Nhưng khi những chiếc lồng đèn đó được dán thêm lông nhìn sẽ khác lạ, các em nhỏ rất thích. “So với năm ngoái, năm nay lồng đèn truyền thống của tôi bán rất chạy, giá cả cũng tăng hơn do nguyên liệu nhập về khó khăn. Chẳng hạn, lồng đèn con ngựa năm ngoái giá 60 ngàn đồng, năm nay lên 75 ngàn đồng. Dù vậy nhưng lượng khách mua đông, có lẽ do năm ngoái mọi người không được vui Tết Trung thu nên năm nay chơi bù”, chú Giang Tử hồ hởi.
Mỗi năm, Tết Trung thu chỉ đến một lần nên đây là thời điểm mà các nghệ nhân làm lồng đèn trông chờ nhất vì có cơ hội sống với nghề. Qua dịp Tết Trung thu, họ lại trở về với cuộc sống thường nhật với những công việc mưu sinh khác. “Bán lồng đèn xem như vui chứ không lời bao nhiêu. Qua dịp Trung thu tôi bán tạp hóa. Tôi định sang tiệm để nghỉ ngơi an hưởng tuổi già nhưng chưa nghỉ được vì muốn duy trì nghề làm lồng đèn cũng như tạo niềm vui cho các em nhỏ khi Trung thu về”, chú Giang Tử tâm sự.
Thêm nguồn thu nhập
Nhờ những gia đình lưu giữ nghề làm lồng đèn truyền thống mà người lao động lại có thêm việc làm, nguồn thu nhập khi đến Tết Trung thu.
Chị Hứa Ngọc Trân (27 tuổi, ngụ Q.Bình Tân) cho biết, rằm tháng 8 mới đến Tết Trung thu nhưng từ đầu tháng 5 những gia đình làm lồng đèn đã bắt đầu nguyên liệu để làm giao cho mối. Những gia đình không đủ nhân công phải thuê thêm người về phụ giúp những công đoạn đơn giản như dán giấy kiếng, cột dây, dán lông… cho lồng đèn. Nhờ đó, chị Trân có thêm nguồn thu nhập trong 3 tháng (từ tháng 5, 6, 7 âm lịch) với công việc dán lông cho lồng đèn. “Lồng đèn được làm sẵn, mình chỉ cần ngồi dán lông vòng theo khung lồng đèn để đẹp mắt. Công việc này làm ăn theo sản phẩm, mỗi chiếc lồng đèn được dán lông tôi được trả 1-2 ngàn đồng/chiếc. Mỗi ngày tôi dán được khoảng 200 chiếc lồng đèn, rảnh giờ nào làm giờ đó, không gò bó thời gian”, chị Trân cho biết.
Chú Nguyễn Văn My bỏ từng chiếc lồng đèn vào túi ni lông bán cho khách
“Năm nay, lồng đèn có nhiều mẫu mã, thiết kế đẹp. Nhờ khách mua đông, chủ bán được nhiều nên tôi cũng có việc làm suốt ngày. Mỗi chiếc lồng đèn giá không bao nhiêu nhưng đó là niềm vui của các em nhỏ”, chú Nguyễn Văn My chia sẻ. |
Với tính tỉ mỉ, làm việc nhiệt tình, suốt 4 năm qua chị Trân đều được “đặt hàng” vào mỗi dịp Tết Trung thu về. Mỗi đợt như vậy, chị thu nhập hơn 20 triệu đồng với việc dán lông cho lồng đèn. “Tôi vốn là nội trợ. Những ngày thường chỉ có việc nấu ăn rồi đưa rước con đi học. Trung thu đến tôi tranh thủ thời gian làm vừa vui vừa có thêm thu nhập. Nhìn những em nhỏ cầm chiếc lồng đèn của mình nâng niu, yêu thích tôi rất vui. Tôi mong những chiếc lồng đèn truyền thống vẫn còn chỗ đứng để nghệ nhân có thể giữ nghề, tôi có thêm thu nhập, các em nhỏ có thêm niềm vui vào dịp Tết Trung thu hàng năm”, chị Trân bày tỏ.
Chú Nguyễn Văn My (63 tuổi, quê ở Cần Thơ) từng bị tai biến nhẹ nên không thể lao động nặng nhọc. Nhờ có gia đình người quen bán lồng đèn ở TP.HCM nên chú xin phụ kiếm tiền trang trải cuộc sống. “Tôi làm từ tháng 5 đến nay. Khi chủ tiệm nhập lồng đèn về, tôi có nhiệm vụ phân loại, kiểu dáng để riêng ra từng chiếc để bán cho khách. Xong việc tôi phụ chủ dọn dẹp cửa tiệm. Công việc bắt đầu từ 7 giờ sáng đến 20 giờ, mỗi tháng tôi được trả 6 triệu đồng”, chú My cho biết.
Dù thu nhập không cao, công việc không thường xuyên nhưng chú My rất vui vì có việc làm. Xong 3 tháng thuê phụ bán lồng đèn, chú về quê trông cháu.
Hồ Trinh
Bình luận (0)