Thể hiện sự nhanh nhạy, nhiều bạn trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường đã lao vào mở quán kinh doanh. Do thiếu kinh nghiệm, kinh doanh theo trào lưu nên không ít bạn đã nếm… trái đắng.
Lượn qua “thiên đường” quần áo, giày dép cho giới trẻ trên các tuyến phố Quán Thánh, Bà Triệu, Tôn Đức Thắng (Hà Nội) mới thấy cơ man là cửa hàng do các teen 8X – 9X làm chủ. Tính sơ sơ mỗi con phố có khoảng 300 – 500 cửa hàng thì 1/10 là của giới trẻ.
Giới trẻ mê kinh doanh
Minh Hương (sinh năm 1989, SV ĐH Thương mại) đang là “cô chủ” một cửa hàng vật liệu xây dựng trên phố Giảng Võ. Hương cho biết, trước đây gia đình cho thuê nhà để bán vật liệu xây dựng, được một thời gian chủ cửa hàng tìm chỗ khác kinh doanh, thế là Hương nhào vô tiếp quản. Sẵn mối lấy hàng và lượng khách đã quen cửa hàng cũ, nên Hương làm ăn cũng được. Không chỉ chi trả được tiền học, Hương còn để ra được một số vốn kha khá.
Tại cửa hàng “Chắp vá” phố Đường Thành, bốn bạn trẻ Mi, Thư, Nga, Hạnh (đều sinh năm 1987 và đang là SV năm cuối ĐH Hà Nội) đang vừa làm bài tập vừa đung đưa theo tiếng nhạc. Thấy có khách, Nga bỏ dở cuốn sách chạy ra đon đả tư vấn. Nga kể, cửa hàng mở được gần hai năm, trước đây chuyên bán các sản phẩm thời trang được chế lại từ các “hàng thùng” nhưng nay bận quá nên đồ tự làm ít đi. “Shop có khá nhiều khách quen và thu nhập cũng… tàm tạm”, Nga nói.
Nhưng không phải 8X, 9X nào cũng may mắn như Hương và bốn cô bạn ở shop “Chắp vá”. Thành Nam (sinh năm 1987) đã góp vốn với bạn mở cửa hàng thời trang ở Quán Thánh rồi Tôn Đức Thắng. Nhưng chỉ sau 6 tháng hoạt động phải đóng cửa và chấp nhận mức lỗ gần 30 triệu” do ế khách. “Một phần vì bận, phần khác vì không kiếm được các mối hàng như các cửa hàng khác”, Nam giải thích về “thất bại đầu đời”.
Cửa hàng quần áo Yến Nhi trên đường Thụy Khuê của một 8X cũng vừa treo biển “Thanh lý cửa hàng” chỉ sau ba tháng khai trương. Lúc đầu cũng có một số khách vào, nhưng về sau cứ “vắng như chùa bà đanh”. Mội chị bán quán gần đó cho hay, chẳng có người dắt xe, hàng không đa dạng, lại chăng biết tư vấn cho khách nên “ế là phải’.
Không giống các bạn trẻ bị kinh doanh thua lỗ nhưng Thu Phương (SV trường ĐH Kinh tế) cũng phải ngậm ngùi đóng cửa hàng kinh doanh trên mạng vì bị nhiều số điện thoại lạ gọi đến tán tỉnh, trêu ghẹo.
Các chủ nhân shop “Chắp vá” đang bận rộn kiểm hàng. Ảnh: Tuyết Nga
|
Không nên quá sa đà
Nhận định việc ngày càng nhiều bạn trẻ thích kinh doanh, TS Phạm Mạnh Hà, Phó giám đốc của Trung tâm Hỗ trợ và Tư vấn tâm lý (ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn – ĐH Quốc gia Hà Nội) cho rằng, 8X, 9X thích kinh doanh để thể hiện trào lưu của giới trẻ. Việc kiếm tiền trở thành động lực quan trọng chứ không phải là động cơ trải nghiệm. Thế nhưng khi còn non kinh nghiệm, lại không có thời gian đầu tư nên đa số bạn trẻ thất bại và hậu quả kinh tế lại đổ lên đầu cha mẹ, người thân.
Cho rằng giới trẻ kinh doanh là điều bình thường và phù hợp với nhu cầu tự lập, thích vươn tới cái mới lạ và khẳng định mình, nhưng TS Xã hội học Trịnh Hòa Bình (Viện Xã hội học) cảnh báo, nếu các bạn trẻ để hoạt động kinh doanh lấn át thì quá trình trang bị tri thức và kỹ năng cơ bản cho bản thân bị ảnh hưởng. “Quá say mê kinh doanh sẽ trở lên tôn thờ đồng tiền, gây méo mó, sai lạc những định hướng đang theo đuổi”, TS Bình nói.
Tương tự, TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội cũng cho rằng, nếu chỉ kinh doanh mà quên nhiệm vụ chính học tập thì HS, SV sẽ lao vào học những thủ thuật kinh doanh, chạy theo đồng tiền. Vì vậy, theo TS Lâm, hoạt động kinh doanh cần có sự giám sát, giúp đỡ của gia đình, không nên để HS, SV lầm lũi tự làm, vừa không học được kinh nghiệm lại dễ lao vào… ngõ cụt.
Bình luận (0)