Mỗi trái tim nhân ái được kết nối là nhân lên những nụ cười |
Ngày nay, những tổ chức từ thiện đã trở thành cầu nối giữa các nhà hảo tâm và những mảnh đời kém may mắn trong cuộc sống. Tuy nhiên, có không ít tổ chức từ thiện đã biến tướng để trục lợi cá nhân, tạo nên tâm lý e dè cho nhiều người.
Trục lợi từ cơ sở từ thiện
Không thể phủ nhận những đóng góp của các tổ chức từ thiện khi họ đã huy động nguồn lực của xã hội, của các nhà hảo tâm để thực hiện nhiều chương trình có ý nghĩa, mang tính nhân văn sâu sắc. Tuy nhiên, xã hội ngày càng phát triển sẽ kéo theo sự xuất hiện của nhiều chiêu trò lừa bịp trong hoạt động từ thiện để tổ chức những chương trình sai mục đích, lợi dụng công tác từ thiện để “bỏ túi”.
Chính điều này đã phần nào tạo nên tâm lý e dè cho nhiều người trước hoạt động của các tổ chức từ thiện hiện nay. Chị Hải Huệ – một tình nguyện viên thường tham gia các chương trình từ thiện chia sẻ: “Các chương trình từ thiện nên công khai chi tiết các hoạt động, tài chính… để tránh sự mập mờ không đáng có. Từ đó cũng có thể tránh được tâm lý “vơ đũa cả nắm” của nhiều người về mục đích hoạt động của chương trình, tổ chức đó”.
Ngày 29-5-2014 vừa qua, Tòa án Nhân dân TP.HCM đã xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Hồ Quang Hải (44 tuổi, ngụ Q.10, TP.HCM) với mức án 4 năm tù giam về hành vi “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”. Theo kết luận của cơ quan điều tra, ngoài việc dùng bằng ĐH y khoa giả để tham gia công tác giảng dạy, tự ý thu học phí sinh viên, ngày 6-6-2012, Hải còn dùng bằng ĐH y khoa giả để lập hồ sơ xin phép Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM thành lập Chi hội Y tế tình nguyện. Ngay sau đó, Chi hội Y tế tình nguyện do Hải làm chi hội trưởng đã được thành lập theo quyết định số 09/QĐ-HBT ngày 14-6-2012 của Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM, trực thuộc Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP. Với tài ăn nói khéo léo của mình, Hải đã biến Chi hội Y tế tình nguyện thành nơi để trục lợi tình thương và lòng hảo tâm của các mạnh thường quân trong và ngoài nước. Ngoài ra, Hải còn lợi dụng các mối quen biết khi tham gia công tác từ thiện để lừa đảo, dụ dỗ nhiều đối tượng thiếu hiểu biết và bán được một số lượng bằng cấp giả. Vụ án Hồ Quang Hải đã gióng lên một hồi chuông cảnh báo trước hành vi lợi dụng công tác từ thiện để thu lợi bất chính, làm giàu cá nhân.
Quyết gạn đục khơi trong
Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Mẫn – Phó chủ tịch thường trực Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM – thừa nhận: “Hiện nay, vẫn còn tồn tại những tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác từ thiện để làm việc bất chính. Nếu phát hiện những biểu hiện sai phạm của bất kỳ cá nhân, tổ chức từ thiện nào, chúng ta hãy lên tiếng để ngăn chặn”. Ngay sau khi phát hiện sự “mập mờ” trong tổ chức và hoạt động của Chi hội Y tế tình nguyện, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi TP.HCM đã chấm dứt hoạt động của chi hội này theo quyết định số 04/QĐ-HBT ngày 4-5-2013. TS. Trần Thành Long – Chủ tịch Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM cũng thể hiện quan điểm kiên quyết xử lý sai phạm đối với các tổ chức từ thiện. Ông chia sẻ: “Hiện nay, Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TP.HCM đang quản lý hoạt động của 40 chi hội. Chúng tôi luôn theo dõi chặt chẽ để tránh những điều đáng tiếc xảy ra, với mong muốn đem đến niềm tin, hy vọng, là điểm tựa của bệnh nhân nghèo, là điểm hẹn của các nhà hảo tâm”.
Hiện nay, trên địa bàn TP.HCM có rất nhiều mô hình làm từ thiện có tổ chức và tự phát đang hoạt động. Để hoạt động của các tổ chức từ thiện thực sự mang lại hiệu quả cần phải có sự phối hợp, hỗ trợ từ nhiều nguồn lực trong xã hội. Và trên hết, đó là tấm lòng nhân ái của mỗi cá nhân, mỗi người tổ chức từ thiện.
Bài, ảnh: Yên Hà
Bình luận (0)