Tuyên truyền pháp luậtGia đình - Xã hội

Kiếm tiền từ thú vui của “đại gia”

Tạp Chí Giáo Dục

Nhân viên lau chùi sân sau khi trời đổ mưa

Họ là người làm công ăn lương và hên lắm thì được các “đại gia” hào phóng “bo” ít tiền. Nhiều “thượng đế” không “bo” mà còn… la mắng họ khi bị thua độ…
Nhọc nhằn phục vụ “đại gia”
Bắt đầu ngày làm việc từ 5h sáng, ngày làm hai ca, bất kể cuối tuần hay ngày lễ, “thượng đế” đến sân, các nhân viên phục vụ ở sân tennis lại làm việc. Phạm Văn Triều (quê ở Quế Lâm, Quế Sơn, Quảng Nam) – nhân viên phục vụ ở sân tennis tại Trung tâm TDTT Rạch Miễu cho biết: “Công việc phục vụ ở đây không có ngày nghỉ, ngày lễ hay cuối tuần. Những ngày này nhân viên phục vụ phải làm việc nhiều hơn. Anh em chia ca để làm, đến giờ ăn cơm chia phiên ra đi ăn”. Công việc hằng ngày của nhân viên phục vụ ở sân tennis là làm vệ sinh sân bãi, nhặt banh cho khách chơi kiêm cả những việc linh tinh khác như treo băng rôn, bảng hiệu, treo cờ hay cầm bảng tên các đoàn thi đấu khi khai mạc giải. Trần Nhật Đinh – một nhân viên khác ở sân tennis của Trung tâm TDTT Rạch Miễu cho biết: “Cả mấy anh em phục vụ ở sân tennis này đều là đồng hương Quế Lâm, Quế Sơn, Quảng Nam. Em mới vào làm ở đây được bốn tháng, mấy nhân viên khác có người làm gần một năm, có người hơn một năm rồi. Công việc thì ngày nào cũng vậy, lượm banh cho khách chơi, lau chùi sân…”. Với mức lương trọn gói 2,5 triệu đồng/ tháng là số tiền khá lớn đối với người lao động chân tay. Tuy vậy, các khoản chi tiêu ăn uống nhân viên tự lo, số tiền dành dụm lại cũng không nhiều. Triều cho biết “Vì trung tâm không cho nấu ăn nên phải ăn uống bên ngoài. Chi phí ăn uống sinh hoạt đắt đỏ nên hằng tháng còn lại không bao nhiêu”. Ngoài số tiền lương cố định, các nhân viên ở đây hầu như không có thu nhập gì thêm. Có chăng là khoản tiền “bo” theo kiểu… hên xui mà các “đại gia” hào phóng bồi dưỡng. Có “đại gia” hào phóng, sau buổi tập đã bồi dưỡng thêm ít tiền coi như thưởng, cám ơn các nhân viên đã phục vụ cho thú vui, việc tập luyện của mình. Tuy vậy, không ít “đại gia” vì cay cú ăn thua không những không “bo” lại quát tháo các nhân viên phục vụ. Triều “bật mí”: “Nhiều người chơi nhưng cay cú ăn thua, đổ lỗi cho nhân viên khi thua một séc đấu nào đấy. Mình phục vụ nhiệt tình nhưng “thượng đế” đã không bồi dưỡng lại có khi la rầy nữa. Nhiều ông khách khó tính lắm. May mà ban quản lý sân hiểu, thông cảm cho tụi em”. Quả là không dễ kiếm tiền từ quả bóng tennis. Ngoài những việc thông thường, các nhân viên phải làm việc hết công suất khi ông trời đổ mưa lúc các trận đấu diễn ra. Họ phải còng lưng ra lau chùi, làm khô ráo mặt sân phục vụ các tay vợt thi đấu. Khi giải đấu gần kết thúc, các nhân viên này nhanh chóng bưng bê, mang vác chuẩn bị bục trao giải để Ban tổ chức trao giải. Tất bật chuẩn bị mọi thứ, khi các tay vợt bước lên bục chiến thắng để nhận giải cũng là lúc các nhân viên chuẩn bị thu dọn “tàn dư” của giải đấu. Kiếm tiền không dễ, tuy không dư dả nhiều nhưng các chàng trai này vẫn dành dụm, chắt chiu tiền gửi về quê phụ giúp cha mẹ. Triều tâm sự “Thường thì em dồn lại, hai ba tháng em lại gửi tiền về cho cha mẹ và đứa em đi học”.
Đời lăn như quả bóng
Kết thúc ngày làm việc lúc 22 giờ đêm hay khuya hơn nữa là chuyện thường ngày đối với nhân viên phục vụ tại sân tennis. Nhiều “thượng đế” có thói quen đánh vài séc tennis vào sáng sớm nhưng không ít người lại rời sân rất muộn. Dù khách đến chơi sớm hay muộn, nhân viên phục vụ sân tennis vẫn luôn trong tư thế sẵn sàng phục vụ. Có khi, nhân viên nhặt banh trở thành “bia đỡ đạn” để các tay vợt luyện tập. Triều cho biết “Đối với những người mới tập tành chơi, nhân viên phục vụ vất vả hơn rất nhiều. Vì họ cần nhiều banh để tập, họ chưa quen tay nên đánh banh bay tứ tung, nhân viên phải ra sức gom banh lại cho họ tập”. Không những thế, mỗi khi có tổ chức giải tại sân, nhân viên lại làm việc tất bật hơn. Đại cho biết: “Khi sân có tổ chức giải, tụi em phục vụ được trả 100.000đ/ngày. Phục vụ giải thì vui nhưng mệt hơn. Vì phải làm việc liên tục, có khi không kịp ăn cơm”. Hầu hết các nhân viên ở đây đều cho biết sẽ làm thêm ở đây một thời gian để dành dụm tiền học nghề khác. Đại nói về dự định của mình “Em sẽ cố gắng tiết kiệm, khi có tiền rồi em tính học nghề gì đó cho ổn định lâu dài”, còn Triều tâm sự: “Em định sẽ đi học nghề nhưng nghề gì thì em không biết. Có khi học trung cấp nghề gì đó”. Được biết, Đại, Triều đang học Trường THPT Nông Sơn, huyện Quế Sơn đành bỏ học vì nhà nghèo, đông anh em, trường lại ở quá xa. Triều thổ lộ: “Từ nhà em đến trường cấp 3 rất xa, phải ở lại trọ học nên tốn tiền lắm. Nhà em lại đông, đến bảy anh chị em, cha mẹ làm nông nên em nghỉ học”. May mắn là có người quen giới thiệu nên Đinh, Triều, Đại, Hà được nhận vào làm nhân viên phục vụ tại đây. Những chàng trai xứ Quảng này cho biết sẽ kiếm tiền rồi trang bị cho mình nghề gì đấy để ổn định cuộc sống, chứ không thể mãi “lăn” theo quả banh của các “đại gia”!
Bài, ảnh: Công Việt

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)