Sự kiện giáo dụcVấn đề - Sự kiện

Kiểm tra công tác chuẩn bị thi tốt nghiệp THPT năm 2024 tại Hà Tĩnh: Chủ động triển khai để kỳ thi TN THPT 2024 đạt kết quả tốt

Tạp Chí Giáo Dục

Ngày 11-6, Đoàn kiểm tra số 1 của Lãnh đạo Bộ GD-ĐT và BCĐ cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) năm 2024 do Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh về công tác chuẩn bị cho kỳ thi.


Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng phát biểu tại buổi làm việc với UBND tỉnh Hà Tĩnh

Chủ động triển khai từ sớm

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Quốc Anh – Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Tĩnh, cho biết kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, tại Hà Tĩnh có 17.080 thí sinh đăng ký dự thi, trong đó: GDPT có 14.285 thí sinh và GDTX là 2.795 thí sinh. Sở GD-ĐT Hà Tĩnh đã bố trí 35 điểm thi, 740 phòng thi, 91 phòng chờ và hơn 2.600 cán bộ, cán bộ, giáo viên, công an, bảo vệ, y tế… làm nhiệm vụ phục vụ công tác thi.

Để chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã sớm ban hành các văn bản theo đúng quy định, thành lập Ban Chỉ đạo kỳ thi tốt nghiệp THPT cấp tỉnh, tăng cường chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp cùng ngành GD-ĐT tổ chức kỳ thi.


Đoàn kiểm tra số 1 kiểm tra công tác chuẩn bị thi tại điểm thi Trường THPT Mai Thúc Loan (huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh)

Trên cơ sở các văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo, các cơ sở giáo dục kiểm tra hoàn thành kế hoạch dạy học, đánh giá xếp loại học sinh đảm bảo đúng quy định; tổ chức tốt việc ôn tập cho học sinh. Tham mưu UBND tỉnh ban hành đầy đủ các văn bản, kế hoạch để tổ chức kỳ thi theo đúng quy chế thi.

Công tác tiếp nhận hồ sơ đăng ký dự thi, kiểm tra kỹ lưỡng để đảm bảo quyền lợi của thí sinh. Công tác in sao, vận chuyển đề thi và giao đề thi; bảo quản, sử dụng đề thi và bảo quản bài thi tại điểm thi; công tác chấm thi được xem là khâu quan trọng nhất của cả kỳ thi nên được BCĐ thi cấp tỉnh tiến hành các biện pháp bảo mật, đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối, đúng quy chế và pháp luật.

Đến thời điểm này Sở GD-ĐT đã tổ chức tập huấn thông tin, tuyên truyền đầy đủ về quy chế thi cho toàn bộ cán bộ, giáo viên, tham gia kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Đặc biệt, Sở cũng chỉ đạo các cơ sở giáo dục phổ biến quy chế thi cho tất cả các thí sinh tham gia dự thi; tổ chức cho thí sinh ký cam kết về việc về việc chấp hành quy định về bảo vệ bí mật nhà nước liên quan đến kỳ thi.


Phó Giám đốc Sở GDĐT Nguyễn Quốc Anh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh, báo cáo với Đoàn kiểm tra số 1

BCĐ Hà Tĩnh đã xây dựng các phương án phối hợp với các sở, ngành, đơn vị liên quan và địa phương chuẩn bị đầy đủ các điều kiện tốt nhất để hỗ trợ thí sinh có hoàn cảnh khó khăn tham dự kỳ thi; đảm bảo không để thí sinh nào phải bỏ thi vì gặp khó khăn về điều kiện kinh tế hay đi lại…

Yêu cầu tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh  

Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Ngọc Thưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo cấp quốc gia kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024, Trưởng đoàn kiểm tra số 1, ghi nhận tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo sâu sát, toàn diện việc tổ chức kỳ thi; công tác phối hợp giữa các sở, ngành, đơn vị liên quan nhịp nhàng, chặt chẽ, hiệu quả, thông suốt; việc chuẩn bị cho kỳ thi chu đáo, kỹ lưỡng; việc thông tin, truyền thông đầy đủ, kịp thời…


Quang cảnh buổi làm việc giữa Đoàn kiểm tra số 1 và UBND tỉnh Hà Tĩnh 

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị Ban Chỉ đạo tỉnh Hà Tĩnh tiếp tục chủ động thực hiện tốt 6 nhóm nội dung thuộc trách nhiệm của UBND cấp tỉnh được nêu trong Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 16-5-2024 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường chỉ đạo, phối hợp tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, giáo dục nghề nghiệp năm 2024.

Trước đó, ngày 10-6, đoàn kiểm tra của Bộ GD-ĐT đã kiểm tra công tác chuẩn bị cơ sở vật chất, nhân lực tại 3 trường được chọn là điểm thi, gồm Trường THPT Chuyên Hà Tĩnh, THCS Nguyễn Du, THPT Mai Thúc Loan.

Qua kiểm tra thực tế và báo cáo của Ban Chỉ đạo thi tỉnh Hà Tĩnh, Đoàn kiểm tra số 1 ghi nhận tinh thần chủ động, sự chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, xây dựng các phương án đảm bảo an ninh, an toàn cho kỳ thi. Đồng thời, lưu ý địa phương một số vấn đề như: hoàn thiện văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức kỳ thi; rà soát cơ sở vật chất phục vụ kỳ thi; chi tiết phương án xử lý tình huống phát sinh; công tác bảo mật đề thi; việc phòng ngừa sử dụng thiết bị công nghệ cao để gian lận; việc ôn tập của học sinh; việc phân công đầu mối phát ngôn liên quan đến kỳ thi… 

Thứ trưởng cũng lưu ý địa phương về yêu cầu “4 đúng”, “3 không” trong tổ chức kỳ thi (“4 đúng” là: đúng quy chế và hướng dẫn thi; đúng và đủ quy trình; đúng vị trí chức trách nhiệm vụ được giao; đúng thời điểm, kịp thời xử lý các tình huống bất thường. “3 không” là: không lơ là chủ quan; không tự ý xử lý tình huống bất thường; không căng thẳng, áp lực quá mức).

Trên nguyên tắc tất cả vì thí sinh, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng đề nghị tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh dự thi, đồng thời bày tỏ tin tưởng với kinh nghiệm chỉ đạo, tổ chức thi và truyền thống dạy – học của địa phương, tỉnh Hà Tĩnh sẽ có một kỳ thi an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế và đạt được kết quả như mong muốn.

Vĩnh Yên

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)