Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiểm tra hoạt động vận tải, sức khỏe lái xe

Tạp Chí Giáo Dục

Quyết liệt thực hiện các giải pháp kiềm chế tai nạn giao thông (TNGT); ngăn chặn ngay những vụ TNGT nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, container… Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị sơ kết công tác đảm bảo trật tự ATGT 2 tháng đầu năm 2014 và triển khai nhiệm vụ trong quý 2-2014 được tổ chức ở Hà Nội ngày 25-2.

Có hiện tượng lơ là trong bảo đảm trật tự ATGT

Theo báo cáo của Ủy ban ATGT quốc gia, sau kỳ nghỉ tết Nguyên đán, tình hình TNGT trên cả nước đã có những diễn biến phức tạp, khó lường. Mặc dù cả 3 tiêu chí số vụ, số người chết, số người bị thương có giảm so với cùng kỳ, song các vụ TNGT nghiêm trọng vẫn liên tục xảy ra. Trong đó, 14 địa phương có số người chết vì TNGT cao là Thái Nguyên, Bình Phước, Đà Nẵng, Ninh Thuận, Quảng Nam, Trà Vinh, Hà Giang, An Giang, Quảng Ninh, Long An, Quảng Ngãi, Cà Mau, Cao Bằng, Yên Bái. Tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng liên quan đến xe khách, xe tải nặng, xe container tuy không xảy ra trong 9 ngày nghỉ Tết nhưng lại xảy ra nhiều sau những ngày nghỉ Tết. Chỉ tính từ ngày 7 đến 12-2-2014 đã xảy ra 8 vụ làm chết 12 người và bị thương 43 người.

Theo đại diện tỉnh Lào Cai, nguyên nhân khiến TNGT nông thôn tăng là do ý thức của người dân tham gia giao thông còn kém; tình trạng uống rượu bia khi điều khiển phương tiện còn phổ biến; phương tiện của người dân đã cũ nát, tín hiệu kém, hệ thống thắng không an toàn. Trong khi đó, hệ thống biển báo giao thông ở các điểm kết nối giữa đường nông thôn với quốc lộ còn thiếu hoặc không đảm bảo nên chưa có tác dụng cảnh báo người dân khi lưu thông từ nông thôn ra quốc lộ.

Đại diện một số địa phương khác cũng phản ánh tình trạng mất ATGT do xe quá tải, do xe đạp điện tăng mạnh, do các đường ngang dân sinh giao cắt với đường sắt mọc lên tùy tiện…

Ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT quốc gia, nhận định: “Sau tết, có hiện tượng lơ là trong công tác đảm bảo trật tự ATGT ở một số địa phương, nhất là ở cấp cơ sở khiến TNGT tăng so với cùng kỳ”.

Tài xế xe container phải có bằng FC. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Nhân rộng những giải pháp hay

Một trong những giải pháp góp phần kiềm chế TNGT được đặc biệt quan tâm tại hội nghị là kinh nghiệm của Hải Phòng trong việc kiểm tra sức khỏe lái xe. Theo báo cáo của đại diện TP Hải phòng, sau khi kiểm tra gần 7.500 tài xế từ tháng 7-2013 đến hết tháng 1-2014, đã phát hiện 217 lái xe không đảm bảo sức khỏe, trong đó phần lớn có kết quả xét nghiệm dương tính với ma túy.

Sở GTVT Hải Phòng đã yêu cầu các doanh nghiệp phải chấm dứt hợp đồng vĩnh viễn đối với lái xe có kết quả dương tính với ma túy. Sở GTVT Hải Phòng cũng kiến nghị Bộ GTVT, Bộ Y tế cần có những quy định chính thức bằng văn bản về việc kiểm tra sức khỏe của lái xe trước khi cấp phù hiệu, giấy phép kinh doanh; đồng thời có hướng dẫn cụ thể về biện pháp xử lý đối với lái xe có kết quả dương tính với chất gây nghiện, chẳng hạn như thu hồi GPLX.

Đánh giá cao giải pháp loại bỏ lái xe không đảm bảo an toàn của Hải Phòng, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Ủy ban ATGT Quốc gia và Bộ GTVT chỉ đạo tất cả các địa phương kiểm tra hoạt động vận tải bằng xe ô tô, phối hợp với ngành y tế kiểm tra đồng loạt việc kiểm tra lái xe có liên quan đến chất ma tuý và xây dựng quy định cụ thể đối với đối tượng này.

Để ngăn chặn TNGT một cách hữu hiệu, đặc biệt là các vụ tai nạn nghiêm trọng liên quan đến xe chở khách, Phó Thủ tướng yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam đưa Trung tâm tích hợp dữ liệu thông tin từ thiết bị giám sát hành trình vào hoạt động ngay trong tháng 3-2014; yêu cầu Bộ Công an và công an các tỉnh, thành tăng cường lực lượng tuần tra, kiểm soát thường xuyên nhằm xử lý nghiêm minh các vi phạm về quá tải, quá khổ, quá số người quy định; kiểm soát có hiệu quả người điều khiển phương tiện uống rượu bia, xây dựng quy định và giám sát thực hiện việc cấm công chức uống rượu bia trong giờ nghỉ trưa, trong giờ làm việc…

Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương xây dựng và triển khai kế hoạch giảm thiểu TNGT trên địa bàn giao thông nông thôn. Trong đó, các giải pháp cụ thể được đưa ra là đẩy mạnh tuyên truyền vận động người dân nông thôn tự giác chấp hành pháp luật về trật tự ATGT, bảo đảm phương tiện và nâng cao kỹ năng điều khiển phương tiện, các biện pháp phòng tránh tai nạn cho người dân nông thôn; huy động các nguồn lực để phát triển hệ thống giao thông nông thôn, tăng cường biển báo và các điều kiện đảm bảo an toàn đường giao thông nông thôn; huy động các lực lượng tham gia đảm bảo trật tự ATGT khu vực nông thôn, nòng cốt là lực lượng công an huyện, công an xã…

BÍCH QUYÊN (SGGP)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)