Nhịp cầu sư phạmChuyện học đường

Kiểm tra học kì II khối lớp 5: Giáo viên và phụ huynh thấy lo…

Tạp Chí Giáo Dục

Cách đây hơn 10 năm, kì thi cuối cùng của học sinh khối lớp 5 vẫn được xem là kì thi tốt nghiệp tiểu học với bao lo lắng của ngành giáo dục, của giáo viên và phụ huynh còn hiện nay, Bộ GD-ĐT đã có những thay đổi đáng kể để giảm áp lực cho học sinh trong thi cử. Thế nhưng, cứ đến gần kì kiểm tra học kỳ II thì giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn cứ lo lắng là đề thi năm nay như thế nào? mức độ khó đến đâu… Do đó, các em học sinh có tâm lý bất an là điều không tránh khỏi. Thứ nhất, để đo được chất lượng chung của toàn thành phố thì nhất thiết đề thi cần phải có sự tương đồng cho tất cả các quận nội thành (một đề thi) và các huyện ngoại thành (một đề thi). Đằng này, mỗi quận/huyện lại ra một đề thi với số lượng câu hỏi, tính chất và mức độ khó dễ cũng hoàn toàn khác nhau nên rất thiệt thòi cho những học sinh có hộ khẩu thường trú tại những quận trung tâm của thành phố. Không nói ra nhưng chúng tôi hiểu rằng, giáo viên cũng chịu áp lực cho việc đánh giá cuối năm qua kết quả học tập của học sinh tại trường. Khi mỗi phòng GD-ĐT ra mỗi kiểu đề thi khác nhau thì mức độ đánh giá chất lượng thực của học sinh ở từng quận/huyện cũng khác nhau, và như vậy không thể đánh giá mặt bằng chung về trình độ của các em sau 5 năm học ở bậc tiểu học. Từ đó tính chất chuyên nghiệp của một kì thi cũng sẽ bị giảm thiểu đáng kể và điều này cũng không thể mang lại hiệu quả trong công tác tổ chức ra đề thi. Bởi thực tế trong năm qua đã có những nơi ra đề thi quá nhiều câu hỏi nên thời gian để học sinh hoàn thành bài không đủ, tình trạng đề thi sai lỗi chính tả, câu hỏi không phù hợp, vượt chuẩn, thiếu tính thực tế vẫn xảy ra, làm ảnh hưởng đến tâm lí của phụ huynh và học sinh sau khi kết thúc kì kiểm tra định kỳ cuối cùng. Ngoài ra, việc tuyển chọn học sinh vào lớp 6 của các trường cũng sẽ gặp khó khăn khi lấy điểm thi của các em làm tiêu chuẩn để tuyển sinh, đó là bất cập về mặt bằng chung trình độ đầu vào của học sinh THCS. Tóm lại, việc kiểm tra học kỳ II đã được ngành giáo dục chỉ đạo rất rõ là làm sao thực hiện thật nhẹ nhàng, giảm áp lực tối đa cho học sinh. Thế nhưng, tâm lí lo lắng trước kì thi này của giáo viên, học sinh và phụ huynh vẫn hiện rõ trong thời điểm cận kề ngày thi.
Duy An (Q.3)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)