Kinh tế - Giáo dụcChuyện doanh nghiệp

Kiểm tra thực hiện cuộc vận động người Việt dùng hàng Việt

Tạp Chí Giáo Dục

Chiều 10/12, Ban chỉ đạo Trung ương Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân – Trưởng Ban chỉ đạo làm trưởng đoàn đã kiểm tra, làm rõ trách nhiệm của Bộ Khoa học và Công nghệ trong thực hiện Cuộc vận động.

Theo Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, tuy không phải là nơi trực tiếp sản xuất các sản phẩm chuyên ngành nhưng Bộ đã có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng thể chế để nâng cao năng lực nghiên cứu khoa học, sản xuất thử nghiệm, kinh doanh của các doanh nghiệp; tạo điều kiện nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm sản xuất trong nước, góp phần phát triển thị trường nội địa cũng như xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài.


Quang cảnh buổi làm việc. (Ảnh: Nguyễn Dân/TTXVN)

Bộ đã hỗ trợ doanh nghiệp nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa; xây dựng, ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ hoạt động quản lý nhà nước thông qua Chương trình quốc gia Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020.

Các đơn vị trong Bộ rà soát chính sách, pháp luật có liên quan để đẩy mạnh Cuộc vận động, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước phù hợp với các cam kết quốc tế; hướng dẫn doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và các tổ chức xác lập quyền, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại; ưu tiên thẩm định sớm các tờ khai đăng ký các đối tượng sở hữu công nghiệp của các tác giả, doanh nghiệp Việt Nam, góp phần sớm đưa các đối tượng này vào khai thác, sử dụng.

Hơn hai năm qua, Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ giai đoạn 2011-2015 đã tiếp nhận 144 đề xuất đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học; tư vấn, hỗ trợ đăng ký bảo hộ cho 60 giải pháp kỹ thuật; 16 dự án xây dựng, quản lý và phát triển chỉ dẫn địa lý, 9 dự án tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu chứng nhận được hỗ trợ triển khai.

Bộ cũng xây dựng, ban hành các quy định về hàng hóa, bảo đảm kiểm soát, hạn chế được hàng hóa nhập khẩu có tiêu chuẩn, chất lượng không đáp ứng yêu cầu, có nguy cơ gây hại đến sức khỏe cộng đồng, môi trường và triển khai nhiều hoạt động thanh tra, kiểm tra, kịp thời phát hiện, xử lý hàng hóa kém chất lượng, góp phần bình ổn thị trường trong nước.

Bên cạnh đó, các công tác tuyên truyền về Cuộc vận động, thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về hàng hóa không đạt chất lượng theo quy chuẩn Việt Nam, tiêu chuẩn Việt Nam, hỗ trợ hình thành doanh nghiệp khoa học và công nghệ, thúc đẩy việc hình thành thị trường khoa học, công nghệ, cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính phiền hà tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp, tiêu dùng trong nhân dân… cũng được Bộ quan tâm thực hiện.

Nhằm tôn vinh, khuyến khích các doanh nghiệp trong nước áp dụng các tiêu chuẩn quản lý tiên tiến, đáp ứng nhu cầu tăng cường chất lượng sản phẩm, Bộ đang hoàn thiện để trình Chính phủ Nghị định quy định Giải thưởng chất lượng quốc gia, trong đó có xem xét quy định việc đổi mới cách tổ chức, phương thức xét chọn, cơ cấu, quy mô của Giải thưởng để ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp tham gia.

Tại buổi làm việc, đoàn công tác đánh giá cao các cơ chế, chính sách Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai trong thời gian qua, song, nhiều ý kiến đề nghị Bộ cần quy định rõ hơn về quy trình thủ tục chứng nhận đổi mới sáng tạo công nghệ, tạo thuận lợi hơn cho người dân; đơn giản hóa thủ tục chứng nhận chất lượng sản phẩm và chung tay cùng Bộ Công Thương trong quản lý chất lượng hàng hóa, hạn chế tình trạng hàng giả, hàng nhái.

Phát biểu tại buổi làm việc, Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Thiện Nhân khẳng định Bộ Khoa học và Công nghệ đã triển khai đúng yêu cầu của Cuộc vận động với những kết quả định lượng cụ thể, việc quản lý hỗ trợ về khoa học công nghệ cho doanh nghiệp ngày càng rõ nét.

Ông Nguyễn Thiện Nhân cho rằng để tạo lợi thế cạnh tranh, công nghệ đóng vai trò rất quan trọng, Bộ cần chú trọng hơn nữa công tác quản lý đo lường, chất lượng sản phẩm, hàng hóa, làm rõ hơn khâu đổi mới thiết kế, đổi mới công nghệ sản phẩm, đẩy mạnh thị trường khoa học công nghệ, giao dịch mua bán trên mạng, thúc đẩy mạnh mẽ các sản phẩm quốc gia.

Nhấn mạnh hoạt động kiểm tra, thanh tra, phát hiện, xử lý hàng hóa kém chất lượng là rất quan trọng, ông Nguyễn Thiện Nhân gợi ý Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các Bộ trong hoạt động chống hàng giả, hàng kém chất lượng, chống gian lận thương mại, lựa chọn lĩnh vực, sản phẩm để thanh tra, kiểm tra theo chuyên đề với phương châm đeo bám đến cùng, tạo sự chuyển biến về chất lượng hàng hóa, chấm dứt tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng quay trở lại thị trường.

Bên cạnh đó, Bộ cần thúc đẩy việc hướng dẫn các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức trong việc đăng ký xác lập quyền, thực hiện các biện pháp bảo vệ quyền đối với nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, tên thương mại của hàng Việt trong và ngoài nước, mỗi địa phương cần có từ 1-2 sản phẩm được hướng dẫn chỉ dẫn địa lý.

Trưởng Ban chỉ đạo Nguyễn Thiện Nhân cũng đề nghị Bộ làm tốt hơn nữa công tác thông tin tuyên truyền, phối hợp với các Bộ Côn Thương, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Thông tin và Truyền thông tổ chức chương trình tọa đàm tự hào sản phẩm Việt Nam, giới thiệu chuyên sâu về sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm trong nước./.

Chu Thanh Vân

(TTXVN)

Hãy đánh giá bài viết này!

Số điểm trung bình của bài viết (số sao) / 5.

Chưa có ai đánh giá bài viết này! Hãy là người đầu tiên đánh giá

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Bình luận (0)