Nhiều giáo viên đánh giá, nếu quá lạm dụng công nghệ giám sát vào kiểm tra đánh giá trực tuyến có thể sẽ làm tổn thương học sinh, đặc biệt là những học sinh thuộc nhóm yếu thế, khó khăn về thiết bị.
Khi kiểm tra trực tuyến, giáo viên đừng chỉ “chăm chăm” giám sát học sinh
Thay vào đó, cần chú trọng giáo dục học sinh tính trung thực trong học tập, đồng thời đa dạng phương thức kiểm tra đánh giá để giảm áp lực cho học sinh.
Không lạm dụng công nghệ vào giám sát học sinh
Tại TP.HCM, khi triển khai kiểm tra định kỳ giữa HKI bằng hình thức trực tuyến, để đánh giá tính trung thực của học sinh, nhiều trường áp dụng các biện pháp như yêu cầu học sinh bật camera trong thời gian kiểm tra, thiết kế bài kiểm tra trắc nghiệm “đóng khung” thời gian…
Tuy nhiên, nhiều giáo viên đánh giá, nếu quá lạm dụng công nghệ giám sát có thể sẽ làm tổn thương học sinh, đặc biệt là những học sinh thuộc nhóm yếu thế, khó khăn về thiết bị. Thay vào đó, cần chú trọng giáo dục học sinh tính trung thực trong học tập, đồng thời đa dạng phương thức kiểm tra đánh giá để giảm áp lực cho học sinh.
Thầy Huỳnh Thanh Phú (Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Du) cho rằng, ngay từ đầu ngành giáo dục đã xác định dạy học trực tuyến không gây áp lực cho học sinh, do đó việc kiểm tra trực tuyến cũng cần phải nhẹ nhàng, học đến đâu kiểm tra đến đó, học gì kiểm tra nấy. Đừng vì áp lực mà chỉ “chăm chăm giám sát học sinh”.
“Không nên và không cần thiết khi lạm dụng công nghệ để giám sát học sinh trong kiểm tra trực tuyến. Làm như thế chính thầy cô đang không tin vào cách giáo dục của mình với học trò, hơn nữa sẽ tạo thêm áp lực cho học sinh. Thậm chí vô tình sẽ làm tổn thương nhóm học sinh yếu thế không có điều kiện, phương tiện đầy đủ khi làm bài kiểm tra trực tuyến”.
Hiệu trưởng này phân tích và khẳng định sẽ không khó để ra đề kiểm tra trực tuyến đánh giá đúng sự trung thực của học sinh nếu như mỗi giờ lên lớp giáo viên truyền đạt bằng chính tình yêu thương và niềm tin bởi giáo dục cốt lõi là giáo dục về nhân cách, đạo đức chứ không chỉ thể hiện qua điểm số.
Trong khi đó, ThS. Phạm Lê Thanh (Giáo viên Trường THPT Lê Thánh Tông, Q.7) cho rằng, để đánh giá được thực chất năng lực học sinh khi kiểm tra trực tuyến, trước tiên người thầy phải đặt niềm tin vào học trò, trong quá trình giáo dục phải tạo động lực để các em hoàn thiện nhân cách và trưởng thành về nhận thức. Ngay cả khi kỷ luật cũng cần tăng cường áp dụng kỷ luật tích cực.
Kể lại câu chuyện về áp dụng kỷ luật tích cực hình thành cho học sinh tính trung thực, giáo viên này cho hay, trong một lần phát hiện hai học sinh lớp 12 chép bài kiểm tra 15 phút của nhau, thay vì trách phạt hay la mắng tại thời điểm đó thì trong tiết học sau thầy đã tổ chức hoạt động “Hóa học và đạo đức”.
“Điều bất ngờ là học sinh chép bài kiểm tra 15 phút của bạn ở tiết trước đã viết lời xin lỗi vào bài cảm nhận và hứa sẽ cố gắng học tập, không vay mượn kiến thức của bạn. Nếu vội la mắng, trách phạt thì ý thức tự giác và bài học cuộc sống cho học sinh sẽ không xuất hiện một cách thú vị như vậy”, ThS.Thanh nhớ lại.
Theo ThS. Thanh, kiểm tra đánh giá định kỳ dù là bằng hình thức trực tuyến, giáo viên có thể tổ chức cho học sinh làm dự án, sản phẩm, vận dụng kiến thức được học để thực hành, nâng cao năng lực giao tiếp, hợp tác với bạn bè… Sau đó, kết hợp với bộ tiêu chí đánh giá bài thuyết trình, dự án học tập, giáo viên tiến hành phỏng vấn trực tuyến.
“Bằng hình thức đánh giá này, giáo viên không lo học sinh không trung thực khi làm bài kiểm tra. Qua quá trình báo cáo và hỏi đáp, giáo viên sẽ đánh giá được thực chất năng lực của học sinh. Quan trọng hơn cả là giúp học sinh tiến bộ về năng lực và phẩm chất, đặc biệt là tính trung thực, chứ không phải đánh giá học sinh được bao nhiêu điểm”, giáo viên này khẳng định.
Vận dụng linh hoạt hình thức đánh giá
ThS. Nguyễn Phước Bảo Khôi (Giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) nhận định, trong bối cảnh dạy học trực tuyến, để vừa đánh giá được khả năng, năng lực học sinh, vừa bám sát vào chương trình, giáo viên có rất nhiều hình thức để thực hiện. Có thể áp dựng tự luận hoặc trắc nghiệm hoàn toàn, hoặc trắc nghiệm kế hợp tự luận.
Cụ thể, với tự luận hoàn toàn, ThS. Khôi cho biết, đa số ứng dụng dạy học trực tuyến đều có tính năng giúp học sinh nộp bài bằng nhiều cách do vậy, về thực chất không có sự phân biệt nhiều giữa việc làm bài trên giấy và làm trực tiếp trên máy tính. Giáo viên có thể tạo group trên các ứng dụng zalo, facebook để học sinh có thể gửi bài. Hình thức này phù hợp nhất với những bài kiểm tra định kì.
Với trắc nghiệm kết hợp tự luận, giáo viên có thể sử dụng hình thức trắc nghiệm vào các nội dung kiểm tra kiến thức văn học, đánh giá năng lực đọc hiểu văn bản, tìm ý và lập dàn ý khi viết đoạn văn/ bài văn; sử dụng hình thức tự luận cho những câu hỏi ở mức vận dụng và vận dụng cao. Hình thức này phù hợp với cả những bài kiểm tra thường xuyên và định kì.
Đối với trắc nghiệm hoàn toàn, dù giáo viên khá mất thời gian trong việc thiết kế đề thi nhưng hình thức này có nhiều lợi thế: cho kết quả ngay sau bài làm trắc nghiệm, giúp phản hồi nhanh kết quả tiếp thu bài của học sinh cũng như giảm áp lực chấm bài cho giáo viên.
“Tùy theo mục đích kiểm tra đánh giá và điều kiện thiết bị công nghệ, giáo viên nên có sự lựa chọn thỏa đáng cho từng tình huống cụ thể. Ngay cả trong môn Ngữ văn, giáo viên vẫn có thể kết hợp hình thức trắc nghiệm vào kiểm tra. Điều này sẽ rèn cho học sinh kĩ năng tìm hiểu đề, phản ứng nhanh với câu hỏi do áp lực thời gian, có thể nhận được kết quả ngay sau khi làm”.
Hơn thế, ThS. Khôi đánh giá việc đưa trắc nghiệm vào kiểm tra sẽ càng phát huy hiệu quả khi mức độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp THPT đang giảm dần để phục vụ cho mục tiêu công nhận tốt nghiệp, kéo theo việc các đơn vị giáo dục đại học công lập đứng ra tổ chức kì thi đánh giá năng lực vốn coi trọng hình thức trắc nghiệp trong xây dựng đề thi.
Yến Hoa
Bình luận (0)