Y tế - Văn hóaSức khỏe đời sống

Kiểm tra ung thư cổ tử cung

Tạp Chí Giáo Dục

Không phải chỉ mới nghi ngờ là cho làm sinh thiết cổ tử cung, và không phải ai nhiễm vi rút HPV cũng đều chuyển thành ung thư cổ tử cung.

Tháng 4 vừa qua, trong đợt cơ quan chị N. (ở TP.HCM) tổ chức khám sức khỏe định kỳ, ở phần kiểm tra phụ khoa, chị N. được chẩn đoán viêm cổ tử cung. Bác sĩ có ghi phiếu đề nghị làm sinh thiết cổ tử cung. Nghe đến sinh thiết thấy lo, chị N. hỏi lại bác sĩ chuyên sản phụ khoa, thì được tư vấn là chưa cần đến sinh thiết, mà làm từng bước. Theo bác sĩ này thì kết quả của chị N. chỉ là tổn thương trong biểu mô cổ tử cung mức độ thấp, những trường hợp này là do nhiễm HPV, và 80% trường hợp sẽ tự hồi phục do cơ thể tự đề kháng. Cần làm tiếp theo là soi cổ tử cung và có thể làm xét nghiệm HPV. Nếu soi cổ tử cung có vùng nghi ngờ thì mới sinh thiết; còn nếu không có bất thường thì không cần sinh thiết, mà theo dõi thêm định kỳ bằng xét nghiệm PAP và HPV (nếu có thể) theo hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa.

Theo bác sĩ Lê Quang Thanh (Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ, TP.HCM), tại Việt Nam, ung thư cổ tử cung đứng hàng thứ hai trong ung thư về phụ khoa; mỗi năm có khoảng 5.100 ca mắc mới, và 2.400 ca tử vong. Đây là tổn thương ác tính tại cổ tử cung, và có những biểu hiện như chồi, sùi, loét, dễ chảy máu, tiết dịch hôi… Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ gây bệnh là: do vi rút HPV, một số chủng HPV gây bệnh mụn cóc và sùi mào gà, tuổi tác (thường gặp nhiều ở người từ 45 – 50 tuổi).

Mặc dù hơn 90% ca ung thư cổ tử cung là do HPV (trong đó chiếm phần lớn là HPV tuýp 16 và 18), tuy nhiên không phải ai nhiễm HPV cũng đưa đến ung thư, mà 80% số nhiễm HPV sẽ tự khỏi bệnh. Bình quân sau nhiễm HPV 10 – 15 năm thì mới xuất hiện tổn thương ung thư cổ tử cung (nếu có). Việc lây nhiễm HPV là do tình dục không an toàn, quan hệ tình dục sớm, và có nhiều bạn tình. Nam giới cũng nhiễm HPV và có thể lây cho phụ nữ, chứ không chỉ phụ nữ mới nhiễm HPV. Ngoài đường tình dục thì HPV còn lây qua các đường khác như qua dụng cụ trong điều trị, đồ lót, em bé hít phải dịch tiết có HPV từ mẹ khi sinh…

Việc chẩn đoán sớm là để điều trị hiệu quả. Lâu nay, việc sàng lọc thường quy là dùng PAP (dùng que gòn phết lên cổ tử cung lấy dịch rồi phết lên lam kính để tìm bệnh; sau này làm xét nghiệm HPV DNA. Khi kết quả PAP hoặc xét nghiệm HPV bất thường (hoặc cả hai cùng bất thường), nghi ngờ thì sẽ làm tiếp soi cổ tử cung. Nếu soi phát hiện tổn thương thì mới làm sinh thiết. Nếu kết quả sinh thiết dương tính thì tiến hành điều trị. Nếu kết quả soi cổ tử cung âm tính thì một năm sau đánh giá lại bằng PAP và xét nghiệm HPV. Theo bác sĩ Lê Quang Thanh, cũng có thể làm sàng lọc bằng bộ đôi cả PAP và xét nghiệm HPV để tăng độ chính xác, nếu cả hai cùng âm tính thì 3 – 5 năm sau mới cần kiểm tra lại.

Thanh Tùng (TNO)

Hãy đánh giá bài viết này!

Bạn đã đánh giá bài viết này hữu ích!

Hãy theo dõi chúng tôi trên mạng xã hội

Xin lỗi vì bài viết này không hữu ích cho bạn

Giúp chúng tôi cải thiện

Làm sao để chúng tôi cải thiện bài viết này?

Bình luận (0)