Chuẩn bị tốt kỹ năng và kiến thức, sinh viên không phải “lặn lội” quá xa để ứng tuyển, thay vào đó có thể kiếm việc thành công ngay tại… sân trường.
Sinh viên tìm hiểu việc làm tại Ngày hội việc làm do Trường ĐH Bách khoa TP.HCM vừa tổ chức |
Anh Đỗ Văn Phong – Giám đốc Công ty Giải pháp sự kiện VietSky, cựu sinh viên Trường ĐH Văn Hiến – đã từng có quá trình khởi nghiệp đầy thú vị như vậy. Năm 2007, chàng tân sinh viên Đỗ Văn Phong bắt đầu nhập học ngành quản trị kinh doanh, một ngành học khá hot tại thời điểm đó. Lúc này, một ngân hàng về tận trường phát hành thẻ ATM miễn phí cho sinh viên. Trong lúc chờ làm thẻ, chàng tân sinh viên hỏi dò xin làm cộng tác viên và may mắn được nhận. Không chỉ dừng lại ở đây, chàng sinh viên trẻ mở rộng cơ hội làm việc chuyên nghiệp bằng việc lập nhóm 50 sinh viên cộng tác phát hành thẻ ATM tại 30 trường ĐH-CĐ. Công việc này mang đến cho Phong thu nhập đáng mơ ước, mỗi tháng cả chục triệu đồng…
Trong lúc làm cộng tác viên phát hành thẻ ATM, Phong đồng thời tham gia nhiều việc làm thêm bán thời gian khác như: Phục vụ, dạy kèm, mở sạp bán báo, giao quà Noel… Từ việc khoác áo ông già Noel đi phát quà tại khu vực mình ở, chàng sinh viên trẻ mở rộng địa bàn sang nhiều quận khác sau khi liên hệ thêm các cửa hàng dịch vụ, đồ chơi. Tiếp đó, Phong liều lĩnh nhận tổ chức sự kiện đưa 300 ông già Noel diễu hành đường phố và tặng quà cho các em nhỏ. Công ty tổ chức sự kiện của Phong cũng được hình thành từ những trải nghiệm đầu tiên này.
Và ứng tuyển với nhà tuyển dụng |
Anh Phong chia sẻ, nếu sinh viên chịu khó tìm tòi, có thể bắt gặp được công việc ở những nơi gần gũi nhất, thậm chí ngay trước mắt chứ không đâu xa. Điều quan trọng là các sinh viên cần “thủ” sẵn kỹ năng, kiến thức cần thiết để bất kỳ khi nào nhìn thấy cơ hội đều có thể nhanh chóng “tóm” lấy.
“Thời gian tới vấn đề việc làm sẽ trở nên gay gắt hơn khi các đơn vị tuyển dụng chú trọng tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, phải làm được việc, hạn chế qua đào tạo lại”, ông Trần Anh Tuấn cho biết. |
Mới đây, Giáo dục TP.HCM cũng từng đưa tin sinh viên Võ Minh Tân (vừa tốt nghiệp Trường ĐH Tài chính Marketing) trúng tuyển cùng lúc 4 công ty thông qua ngày hội tuyển dụng tại trường. Trong bí quyết của cựu sinh viên này, việc trải nghiệm thông qua hoạt động phong trào và “lận lưng” những kiến thức, kỹ năng cần thiết cũng là yếu tố quan trọng. Theo Minh Tân, những “vốn liếng để dành” đó giúp người học chủ động nắm bắt được công việc vào đúng thời điểm.
Thực tế, hằng năm mỗi trường ĐH-CĐ luôn kéo hàng chục doanh nghiệp về trường trực tiếp tuyển dụng sinh viên thông qua ngày hội việc làm nhưng vẫn có những sinh viên bị loại ngay tại chỗ do không đáp ứng được kỹ năng, kiến thức. Vị trí ứng tuyển quá rõ ràng nhưng không ít sinh viên phải ngậm ngùi tay không ra về, vì thời điểm đó các em thiếu những tiêu chuẩn mà doanh nghiệp mong đợi. Nỗi lo thất nghiệp là có thật và có thể đang ngày càng lớn dần trong nhiều bạn trẻ, tuy nhiên thực tế không phải sinh viên nào cũng chủ động trang bị kỹ càng, nghiêm túc hành trang kỹ năng, kiến thức để xua đi nỗi lo ấy và chớp lấy cơ hội khi cần.
Đó là chưa kể, theo ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM – thời gian tới vấn đề việc làm sẽ trở nên gay gắt hơn khi các đơn vị tuyển dụng chú trọng tuyển nguồn nhân lực chất lượng cao, phải làm được việc, hạn chế qua đào tạo lại. Điều này cũng lý giải vấn đề vì sao sẽ có những sinh viên ra trường với bằng cấp tốt nhưng kỹ năng yếu phải chạy đôn chạy đáo ứng tuyển nhiều nơi vẫn không được nhận, trong khi có những người dễ dàng tìm thấy được cơ hội việc làm ngay xung quanh mình. Thời gian qua, việc tuyển rồi đào tạo bổ sung được cho là tốn công, gây lãng phí và khiến đơn vị tuyển dụng mỏi mệt.
Bài, ảnh: Thục Trân
Bình luận (0)